Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm - Ngoại lấn át nội

Sau 10 ngày trình diễn sôi nổi, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 vừa khép lại tại Hà Nội. Theo nhận định của nhiều chuyên gia sân khấu, liên hoan có nhiều phép thử mới cho sân khấu được đưa ra nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kết quả đem lại.
Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm - Ngoại lấn át nội

Sau 10 ngày trình diễn sôi nổi, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 vừa khép lại tại Hà Nội. Theo nhận định của nhiều chuyên gia sân khấu, liên hoan có nhiều phép thử mới cho sân khấu được đưa ra nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kết quả đem lại.

Hoang mang với thử nghiệm

Hầu hết tác phẩm tham dự liên hoan đều mang nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với đương đại vào tác phẩm như cải lương, opera, hát xẩm, chèo, tuồng, dân ca, kịch câm, múa… Nhiều hình thức như kịch hình thể, nhạc kịch, kịch giả tưởng, kịch hiện thực tâm lý xã hội, kịch nghệ thuật sắp đặt cũng được các nghệ sĩ mang lên sân khấu thử nghiệm.

Đúng như tiêu chí thử nghiệm nên các nghệ sĩ quốc tế cũng đã đưa rất nhiều phép thử mới. Viết lại kịch bản Romeo và Juliet của nhà soạn kịch Anh Shakespeare, các nghệ sĩ Philippines đã dựng nên tác phẩm Mối tình trong sáng mang một màu sắc hoàn toàn mới bằng sự giao thoa giữa các nền văn hóa Âu Á đặc sắc. Cùng với các nhạc cụ, âm thanh đã tạo nên tính nghệ thuật cao, khán giả không những bị chìm đắm trong những xúc cảm của các nhân vật kịch trên sân khấu mà còn bị cuốn theo những động tác múa như những cơn sóng trào dâng cảm xúc của nghệ sĩ biểu diễn. Yếu tố giao thoa giữa các nền văn hóa đã giúp cho các tác phẩm quốc tế vượt ra khỏi biên giới của nước mình.

Đạo diễn Chua Soo Pong (người Singapore) đã mạnh dạn đưa vở huyền thoại Ramayana nổi tiếng của Ấn Độ vào sân khấu kinh kịch của Trung Quốc. Vở Chim hải âu của Nhật Bản, Khách sạn thiên đường - Đức cũng đem lại cho người xem nhiều bất ngờ, vượt qua khoảng cách về ngôn ngữ, vở diễn đã chạm tới cảm xúc của khán giả.

Là nước chủ nhà, Việt Nam cũng đóng góp khá nhiều vở diễn trong liên hoan sân khấu lần này, song như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận xét, vở diễn trong nước dường như chưa bứt phá khỏi sự loanh quanh pha trộn. Nhiều vở diễn ôm đồm quá nhiều loại hình nghệ thuật, còn nghệ sĩ thì dường như việc “gào thét” quá nhiều đã không chuyển tải được nhiều cảm xúc đến người xem.

Một cảnh trong vở Dưới cát là nước (Nhà hát Kịch Quân đội, Việt Nam)

Chia sẻ lo lắng về tính thử nghiệm, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng, công chúng bây giờ cũng khắt khe hơn khi tiếp xúc với nền nghệ thuật, bởi vậy nếu không năng động sẽ tụt hậu. Song tiếc thay, sau khi xem một vài vở diễn của cả Việt Nam và quốc tế trong liên hoan, điều ông cảm nhận được chính là sự “hoang mang” khi chúng là sự pha trộn giữa nhiều thể loại kịch câm, tuồng, chèo…

“Thử nghiệm phải là sự tìm tòi mang tính tiên phong, trong sự thử nghiệm ấy, khán giả phải thấy thích và hấp dẫn”, ông Thành nói.

Rút kinh nghiệm

NSƯT Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan, chia sẻ: “Rõ ràng qua liên hoan lần này, sân khấu Việt Nam đã biết mình đang ở vị trí nào, đương nhiên là tụt hậu so với sự phát triển của các nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển trên thế giới. Việc tự đổi mới không chỉ giải đáp cho bài toán hội nhập mà còn tìm lại khán giả của mình. Sân khấu Việt Nam không thể cứ ôm khư khư cái cũ và lệ thuộc vào các trình thức, các quan niệm dàn dựng đã quá lỗi thời, lạc hậu. Sự phát triển và thử nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế tại liên hoan lần này là bài học cho các nhà làm nghệ thuật trong nước, hãy tự cởi trói cho mình khỏi các quan niệm dàn dựng cũ và phải tìm kiếm những hình thức sân khấu mới”.

Chính vì vậy mà ngay cả giải vàng dành cho vở diễn Việt Nam tại liên hoan lần này cũng chưa chắc đã được tất cả đồng nghiệp tâm phục khẩu phục. Dẫu biết là mang nhiều sự động viên, khích lệ nhưng nhiều người vô cùng bất ngờ bởi cơn mưa giải thưởng khi ban tổ chức trao đến 70 giải tập thể và cá nhân cho 16 vở diễn tham gia, trong đó nước chủ nhà Việt Nam đã thắng lớn khi giành tới 17 HCV.

Trong vòng 15 năm qua mới có 3 cuộc liên hoan sân khấu thử nghiệm ở Việt Nam. Chính bởi vậy, đây sẽ là cơ hội để cho các nghệ sĩ đưa ra những thử nghiệm của mình, thúc đẩy sự sáng tạo của bản thân. Sự phát triển và thử nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế tại liên hoan lần này là bài học cho các nhà làm nghệ thuật Việt Nam, hãy tự cởi trói cho mình khỏi các quan niệm dàn dựng cũ và phải tìm kiếm những hình thức sân khấu mới.

Giải thưởng vở diễn xuất sắc nhất đã thuộc về các tác phẩm Chim hải âu (Nhật Bản), Ramayana (Trung tâm Kinh kịch tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và Dưới cát là nước (Nhà hát Kịch Quân đội). Ở hạng mục cá nhân, 29 nghệ sĩ được trao huy chương vàng và 27 nghệ sĩ được trao huy chương bạc. Ngoài ra, liên hoan cũng đã trao các giải thưởng như giải Tác giả, giải Đạo diễn, Họa sĩ, Diễn viên ngôi sao, giải của Hội đồng giám khảo dành cho sự tìm tòi thử nghiệm, giải Tiết mục thử nghiệm xiếc, Tiết mục thử nghiệm rối cho các nghệ sĩ xuất sắc.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục