Ưu tiên việc học của con
Ghé thăm phòng trọ của chị Lê Thị Thảo (39 tuổi, công nhân Công ty Freetrend, Khu chế xuất Linh Trung 1) tại khu phố 3, phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) lúc chị đang soạn sách vở cho 3 đứa con chuẩn bị vào năm học mới, chúng tôi nghe chị chia sẻ: “Năm nay bé Vân lên lớp 6 rồi. Dù sách vở, đồng phục đã lo xong, nhưng vẫn chưa an tâm vì chưa biết các khoản chi phí năm học mới như thế nào. Riêng bé Lộc đang học mầm non nên tháng nào cũng phải đóng đến 2,2 triệu đồng. Tôi quê Bình Định, vào làm ở Công ty Freetrend hơn 16 năm nay.
Hầu như ngày nào tôi cũng ráng tăng ca làm thêm mới có đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt, học hành của con. Chồng tôi chạy xe ôm Grab. Tiền nhà trọ và điện nước là 2,2 triệu đồng/tháng, rồi tiền ăn, tiền lo cho các con học khiến hai vợ chồng tôi luôn phải căng thẳng. Lương tôi chỉ 8 triệu đồng, còn chịu khó tăng ca thì chừng 10 triệu đồng. Cộng thêm tiền chạy xe ôm của chồng nữa, vậy mà tháng nào là hết tháng đó, không dư được bao nhiêu. Năm học mới cận kề, chúng tôi phải làm việc nhiều hơn”.
Thường xuyên phải đối mặt với cảnh thiếu trước hụt sau, những ngày này khi 2 con sắp vào năm học mới, vợ chồng chị Trà Thị Việt Sang (30 tuổi, làm tại Công ty cổ phần May Việt Tiến) cũng tất bật đến chóng mặt. Chị kể: “Con tôi, bé lớn năm nay lên lớp 2 và bé nhỏ vào lớp lá một trường mầm non tại phường Linh Trung. Với mức thu nhập không cao, lại mất tiền thuê nhà trọ hơn 2 triệu đồng/tháng, nên tiền học cho con là một gánh nặng quá lớn. Đã hơn 3 năm nay, tôi chưa đưa các con về thăm quê vì không có điều kiện”.
Khó khăn hơn cả gia đình chị Thảo, chị Sang, vợ chồng anh Ngô Văn Tuấn và chị Trần Thị Ngọc Mai (công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình) phải gửi con về quê nhờ ông bà lo cho đi học. Anh chị đã có 2 bé. Bé lớn 6 tuổi năm nay lên lớp 1 còn bé nhỏ 4 tuổi chuẩn bị vào mầm non. Chị Mai cho biết: “Trước đây, bé lớn sống cùng ba mẹ tại phòng trọ, nhưng khi đến tuổi đi học không có hộ khẩu, nên đành phải gửi con về quê học, nhờ ông bà nuôi hộ. Với thu nhập như hiện tại mà quá nhiều thứ phải lo toan, chúng tôi không lo nổi cho con đi học tại đây. Gửi về quê, chi phí thấp hơn nhiều. Bé nhỏ thì vẫn ở với ba mẹ, lớn chút nữa chắc cũng phải về quê học”.
Còng lưng lo cho cháu đi học
Mẹ bỏ đi khi mới được tuổi rưỡi, ba cũng bỏ đi sau đó, em Nguyễn Lưu Thanh Trầm lâm cảnh côi cút, sống nương nhờ bà nội là bà Võ Thị Phước (72 tuổi) ở căn phòng trọ nhỏ tại phường Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM). Những ngày này, bà nội đang tất bật lo lắng đủ thứ. Bà cho biết: “Tới giờ tui cũng chưa sắm được bộ đồ mới cho thằng nhỏ. Năm nay nó lên lớp 7 rồi. Thầy cô giáo thương nên có cho cháu một bộ sách giáo khoa cũ để học. Năm ngoái, cháu đi học Trường THCS Cát Lái xa nhà trọ, phải lo tiền đi lại, ăn uống nhiều nên năm nay tôi xin cho cháu chuyển về Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, gần nhà. Hồi ở trường cũ, các thầy cô biết hoàn cảnh nên có miễn giảm học phí, còn giúp lo cho tiền xe đi lại; nay về trường mới thì chưa biết như thế nào. Mấy ngày này, tui sốt ruột vô cùng. Không biết làm sao lo nổi cho thằng nhỏ ăn học nên người”.
Bà Phước dù tuổi đã cao vẫn phải còng lưng lao động. Ai thuê gì bà làm đó, thu nhập bấp bênh, không đủ ăn. Hiện giờ, bà đi quét dọn vệ sinh cho một chung cư ở quận 2, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi được 100.000 đồng. Tính ra, mỗi tháng bà kiếm được chừng 800.000 đồng từ công việc này. Rồi ai kêu thêm làm gì, ở đâu bà cũng ráng đi. Bà Phước tâm sự: “Người ta thương mình già, phải bươn chải lo cho cháu nhỏ ăn học nên có việc họ kêu, còn cho quá giang xe đi làm. Trước tôi khỏe hơn, còn đi bán vé số, giờ vừa không khỏe mà cũng không có vốn nên đành chịu. May là hai bà cháu còn được ăn cơm miễn phí tại bếp cơm nghĩa tình Bình Trưng Đông. Còn nhà trọ, người ta chia cho ở cùng, cũng đóng gần 700.000 đồng/tháng. Giờ nghĩ tới tiền đi học cho cháu, tui vẫn đang không biết tính như thế nào”.
Với đồng lương eo hẹp, thu nhập bấp bênh, trước thềm năm học mới, gánh nặng học phí, sách vở, đồng phục... đang đè nặng lên nhiều gia đình. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, rất nhiều cha mẹ, ông bà là công nhân, người lao động nghèo đều cố gắng lo cho con cho cháu đến trường với tình yêu vô hạn và ý thức trách nhiệm lo cho con cháu được học hành đến nơi đến chốn.