Chuẩn bị trước hàng chục năm
Trước đây, nhiều lần các cơ quan chức năng cũng đã xây dựng lộ trình cấm xe máy, nhưng phải dừng lại do gặp quá nhiều phản ứng từ dư luận. Nguyên nhân thường là hạ tầng giao thông còn bất cập, hệ thống vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, nếu cấm xe máy thì người dân không biết đi bằng gì khi chưa có phương tiện thay thế. Ở các thành phố lớn trên thế giới, việc cấm xe máy được thực hiện bài bản nhờ quy hoạch, phương tiện công cộng kết nối thuận lợi, có lên kế hoạch nhiều năm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, phát triển xe buýt tiện nghi và kết nối đồng bộ.
TPHCM là đô thị đang phát triển, khu vực trung tâm hiện có hàng trăm ngàn ngõ ngách cùng hẻm sâu, đi bộ thì khá xa, mà xe buýt thì không vào được. Ở khu vực nội thành, hàng loạt tuyến đường trục chính bị bủa vây bởi nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, nhiều tuyến đường chưa kịp mở rộng theo quy hoạch. Điều này cho thấy trong công tác quản lý đô thị vẫn còn mang tính riêng biệt, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan như quy hoạch, xây dựng, giao thông. Chưa kể, không gian hẹp nhưng lại có đông dân cư từ nhiều nơi đến sinh sống, học tập, làm việc. Phương tiện để di chuyển hiện nay phần lớn là xe máy vì được cho là tiện lợi, phù hợp khả năng chi trả của số đông. Trong khi đó, xe buýt là phương tiện chính vận chuyển hành khách công cộng nhưng chưa được kết nối đồng bộ, bất tiện cho người sử dụng.
Không phải bây giờ, mà từ năm 2002, TPHCM đã đặt mục tiêu phát triển phương tiện giao thông công cộng, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu đi lại cho người dân. Nhiều năm liên tục, chính quyền TPHCM đã đầu tư hàng loạt xe buýt và chi khoản tiền không nhỏ để trợ giá, song người dân đến với xe buýt vẫn khá ít so với mục tiêu đặt ra. Còn về metro, chỉ có tuyến số 1 đang được thi công và dự kiến xong vào năm 2020, tuyến số 2 vẫn còn loay hoay với các thủ tục đầu tư dự án.
Kết nối hẻm với trục đường chính
Trước sau rồi TPHCM cũng phải hạn chế, rồi tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm để giảm kẹt xe và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Khả năng cấm xe máy theo lộ trình như đề án dự kiến có thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị đi trước một bước để tháo gỡ dần các rào cản như chuyển đổi phương tiện hợp lý, xử lý xe máy quá niên hạn, không cho phép lưu thông đối với xe máy quá cũ, không đảm bảo an toàn. Từ đó, khu vực nào đủ điều kiện, phương tiện công cộng đáp ứng thì hạn chế dần và tiến tới ngừng đăng ký mới xe máy.
Trong tiến trình chuẩn bị cấm xe máy, TPHCM cần có những giải pháp có thể thực hiện ngay để giảm kẹt xe, như: hạn chế ô tô vào giờ cao điểm; rà soát lại quy hoạch để hạn chế cấp phép xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại ở những nơi vốn đã đông đúc, kẹt xe; chỉ cấp phép cho xây dựng công trình lớn ở khu vực đã có bãi giữ xe và đường kết nối giao thông đã mở rộng. Ngay từ bây giờ TPHCM nên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tiện nghi, hiện đại; kịp hoàn thành metro để vận chuyển hành khách khối lượng lớn và khi đưa vào khai thác phải kết nối giao thông thuận lợi về đi lại, thời gian, giá rẻ. Mạng lưới xe buýt phải được rải đều, phủ rộng sao cho hành khách đi bộ từ chỗ ở đến trạm chỉ xa nhất khoảng 500m, giờ giấc xuất phát tại các bến đậu và đến nơi dừng phải chính xác, hành khách không phải chờ đợi quá lâu. Cần đầu tư bãi giữ xe gần các bến bãi, trạm đón, trạm dừng, ga metro giúp hành khách dễ dàng gửi xe cá nhân (gồm cả ô tô lẫn xe máy) để đi xe buýt, kết hợp đi bộ trong bán kính gần.
Từ nay đến 2020, hạn chế đậu xe máy trong khu vực trung tâm, mở rộng dần không gian đi bộ. Đồng thời, phát triển mạnh phương tiện công cộng, nhân rộng mô hình xe buýt chất lượng cao và khuyến khích người dân sử dụng; thu phí xe cơ giới vào nội thành. Sau năm 2020, tập trung phát triển các tuyến metro, các tuyến xe buýt nhanh theo quy hoạch và kết nối thuận lợi, giới hạn đăng ký mới xe cá nhân. Sau đó, phân vùng tại khu vực trung tâm thành phố và những nơi thường ùn tắc để hạn chế và ngưng hoạt động xe máy vào năm 2030.
TP Bangkok (Thái Lan) cấm xe máy bằng cách tổ chức mô hình xe đạp công cộng, kết hợp với đi bộ trong phạm vi bán kính gần, đã được người dân ủng hộ. Chính quyền TP Bangkok đã lập các trạm xe đạp phục vụ những ai không có phương tiện cá nhân, phân làn riêng và đến nay đã có gần 365km đường dành cho xe đạp được liên kết với hệ thống giao thông công cộng. Cấu trúc đô thị ở Bangkok khá giống TPHCM với các hẻm sâu, ngõ ngách chằng chịt mà xe buýt không thể nào vào được, còn đi bộ đến bến trạm thì quá xa. Tại TPHCM khi cấm xe máy, đường thông thoáng nên có thể dành một phần cho xe đạp, giúp thuận lợi di chuyển vào các hẻm sâu, ngõ ngách.