Với diện tích tự nhiên 2.095,65km² và dân số gần 13 triệu người, TPHCM có nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn nhất nước. Trung bình trên 1km² ở TP có 4.773 người dân sinh sống, gấp 17 lần bình quân của cả nước.
Theo đó, nhu cầu cấp nước, thoát nước, năng lượng, thông tin và mật độ giao thông trên 1km² cũng gấp 17 lần cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật của TP chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là nguyên nhân làm cho các vấn đề môi trường không được giải quyết triệt để, ngày càng tích lũy, nhất là ô nhiễm nước thải. Ô nhiễm nước thải, giảm nhưng vẫn lo Khảo sát do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đưa ra cho thấy, TP có hệ thống kênh rạch chằng chịt, len lỏi khắp 24 quận - huyện, đây là khu vực tạo cảnh quan và cũng là nguồn tiếp nhận nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như sinh hoạt của người dân. Hiện nay, tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn TP vào khoảng 1.850.000m³/ngày, tương ứng với lượng nước thải vào khoảng 1.750.000m³/ngày. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, đợt tổng rà soát kiểm tra năm 2016 cho thấy đến nay chỉ mới kiểm soát một phần nước thải sản xuất (các nguồn thải lớn trên 1.000m³). Cụ thể, 18/18 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đều đã có nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung, với lưu lượng xử lý bình quân 49.370m³/ngày trên tổng công suất thiết kế là 75.300m³/ngày. Riêng với cụm công nghiệp (CCN), có 2 cụm đã có hệ thống XLNT tập trung là CCN Nhị Xuân, cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân; còn 13 CCN đang hoạt động trên địa bàn các quận 7, 8, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn chưa có hệ thống XLNT tập trung. Với nước thải y tế, TP có 114 bệnh viện, 196 phòng khám đa khoa tư nhân, 319 trạm y tế, 219 phòng khám bác sĩ gia đình và 5.663 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép. Hiện nay, 100% các bệnh viện, phòng khám đa khoa đều đã có hệ thống XLNT theo quy định. Tuy nhiên, chất lượng nước thải sau xử lý của các đơn vị đôi khi chưa đảm bảo theo đúng quy chuẩn cho phép. Nước thải phát sinh từ các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang được thống kê, kiểm tra để quản lý chặt chẽ, đảm bảo hướng đến chỉ tiêu 100% nước thải y tế được thu gom xử lý. Khó khăn nhất trong việc giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thải trên địa bàn TP là nước thải sinh hoạt. Theo Sở TN-MT, ước tính hiện nay lưu lượng nước cấp cho sinh hoạt trên địa bàn TP là khoảng 1,2 triệu m3/ngày và lượng nước thải phát sinh tương ứng. Hầu hết, nước thải sinh hoạt của dân cư đều được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thải ra ngoài. Trong khi đó, TP chỉ mới đầu tư 2 hệ thống XLNT tập trung với công suất 171.000m³/ngày đêm, xử lý khoảng 13,2% nước thải đô thị. Với lưu lượng xả thải khá lớn thì nước thải sinh hoạt cũng là nguồn ô nhiễm chính cho kênh rạch trên địa bàn TP. Riêng đối với nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư, khu chung cư mới, các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng..., theo quy định các công trình này phải xây dựng hệ thống XLNT cục bộ đạt chuẩn trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận bên ngoài. Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại bất cập là chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống XLNT cho khu chung cư, khu dân cư mới, thế nhưng đến hết thời hạn bảo hành, chủ đầu tư bàn giao vận hành hệ thống này cho ban quản trị chung cư (do người dân bầu ra). Các ban quản trị lại không có chuyên môn về hoạt động này và không có pháp nhân, nên rất nhiều trường hợp nước thải khu dân cư xử lý không đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được. Tăng cường kiểm tra chủ nguồn thải lớn TPHCM hiện đang triển khai quan trắc chất lượng nước mặt tại 26 vị trí trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và 15 vị trí đối với các kênh rạch nội thành cho các mục tiêu cấp nước, giao thông thủy, tiêu thoát nước. Kết quả quan trắc cho thấy, tại 6 vị trí phục vụ cho mục đích cấp nước, hầu hết các thông số chất lượng nước có giá trị trung bình đạt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt. Riêng chỉ tiêu Coliform không đạt quy chuẩn, cho thấy có sự ảnh hưởng từ nguồn nước thải sinh hoạt. Tại 20 vị trí phục vụ cho mục đích nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, hầu hết các thông số chất lượng nước có giá trị trung bình đạt quy chuẩn cho phép. Riêng tại 15 vị trí phục vụ cho mục đích tiêu thoát nước là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Vàm Thuật, Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ, chất lượng nước các kênh đều có sự cải thiện nhưng vẫn còn đáng lo ngại. Chất lượng nước dưới đất cũng không đạt đối với chỉ tiêu tổng Coliform... Trước thực tế đó, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn TP. Cụ thể, với những doanh nghiệp có quy mô xả thải lớn từ 1.000m³/ngày đêm, sở đã yêu cầu phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối truyền dữ liệu về trung tâm quản lý thông tin của sở. 17/18 KCX-KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu kiểm soát chất lượng nước thải về Sở TN-MT. Mặt khác, sở đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng tiếp nhận và phân tích dữ liệu thông số mà các hệ thống quan trắc tự động của các hệ thống XLNT tập trung chuyển về. Với những CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng, chưa có hệ thống XLNT tập trung, các doanh nghiệp sản xuất nằm rải rác trên địa bàn quận - huyện, sở đã làm việc với các địa phương để yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài CCN phải đầu tư hệ thống XLNT cục bộ. Bên cạnh đó, sở phối hợp quận - huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát chuyên ngành đối với 1.460 cá nhân, tổ chức, kết quả đã ban hành 814 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 99 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành, quận - huyện tiếp nhận và xử lý đơn thư phản ánh về ô nhiễm môi trường của người dân qua đường bưu điện, hộp thư điện tử, hộp thư thoại, đường dây nóng.
Tháng 4 vừa qua, Sở TN-MT đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải công bố kết quả quan trắc chất lượng nước mặt trên các bảng điện tử giao thông và trang web của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Bước đầu, thông tin sẽ được công bố định kỳ hàng tháng nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về chất lượng môi trường sống của TP. Mặt khác, cũng nhằm huy động sự đóng góp giải pháp cải thiện điểm nóng môi trường từ phía người dân, nâng cao hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.