Loạn “thần y”: Đặt niềm tin đúng chỗ

Trong 3 ngày 22, 23 và 24-3, Báo SGGP có loạt bài Loạn “thần y”, phản ánh thực trạng “thần y” dỏm, chữa bệnh bằng phương pháp phản khoa học tại nhiều nơi. Phải chăng việc dẹp những điểm chữa bệnh này khó đến vậy; vai trò của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở đâu, khi “thần y” hoành hành?

Niềm tin mù quáng

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: “Hầu hết các cơ sở chữa bệnh kiểu “thần y”, lang băm đều hoạt động chui theo kiểu 3 không: không giấy phép kinh doanh, không giấy phép hoạt động, không chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật nên rất khó quản lý. Thanh tra Sở Y tế gặp không ít khó khăn để tìm ra các chứng cứ vi phạm pháp luật khi đến các cơ sở khám bệnh trên để kiểm tra thực tế. Để có thể kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, chúng tôi rất cần “tai mắt” của người dân”. 

Trong khi đó, một bộ phận người dân lại đặt niềm tin không đúng chỗ. Thầy thuốc nhân dân - lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, khẳng định, trong đông y và y học cổ truyền không có kiểu khám bệnh giẫm đạp lên người để truyền năng lượng. Và đến nay, trong đông y không ai chữa khỏi được ung thư. Thực tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đông y có thầy thuốc không qua đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề. 

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho rằng, việc giám sát các hoạt động khám chữa bệnh ở địa phương trước hết thuộc về chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương. Tuy nhiên, có nhiều nơi nhỏ lẻ, hành nghề xoa bóp, bấm huyệt, khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y mà cơ quan chức năng khó kiểm soát do không treo biển, chỉ quảng cáo qua truyền miệng, mạng xã hội. “Để quản lý các cơ sở này cũng như hạn chế sự “bát nháo” trong quảng cáo của những kẻ tự xưng “thần y”, cơ quan chức năng phải kiểm tra địa bàn, đồng thời rà soát kỹ thông tin trên mạng xã hội thường xuyên, để xử lý kịp thời”, ông Thịnh nói.

Quản lý lỏng lẻo

Chuyện về khám chữa bệnh bằng những hành vi kỳ quặc của các đối tượng tự xưng là “thần y” rõ ràng là trò bịp bợm. Nhà xã hội học - PGS-TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, các hình thức lừa đảo này đã từng xuất hiện. Trước đây, dư luận từng ầm ĩ về khu vườn chữa bệnh ở Long An, chữa bệnh theo thể thức dân gian với những hành vi kỳ quặc ở Thanh Liêm, Hà Nam… cũng được phơi bày ra ánh sáng. “Kiểu chữa bệnh phi khoa học này dù các cơ quan chức năng, báo chí đã cảnh báo nhưng tại sao nhiều người vẫn tin theo? Theo tôi, hiện tượng này phản ánh tâm trạng của xã hội. Lòng tin của người dân về những điều tốt đẹp, những điều tử tế thấp quá và đây là cơ hội để những đối tượng xấu lợi dụng, dụ hoặc”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình nói. 

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, có thể nhiều người lo lắng không đủ thời gian và tiền để chữa bệnh tại các cơ sở y tế; lo phải giải quyết thủ tục giấy tờ nhiêu khê và hơn hết là niềm tin của họ bị suy giảm bởi các thông tin tiêu cực trong khám chữa bệnh… đã vô tình đẩy họ đến với những “thần y” này. “Ngoài ra, không loại trừ việc có dấu hiệu dung túng ở địa phương nơi “thần y” hoạt động. Thực tế đã có nhân vật này, kia từng được cấp giấy phép chữa bệnh; nhiều điểm khám chữa bệnh chưa được cấp phép, trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại…”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Một trong những lý do khiến Báo SGGP thực hiện loạt bài này liên quan đến hoạt động được thêu dệt là “thần y” của ông Võ Hoàng Yên tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi sau vụ việc ông này bị tố lừa đảo. Sự mơ hồ trong cách thức chữa bệnh của ông Yên làm tốn nhiều giấy mực, công sức của ngành chức năng. Bởi những phương thức chữa bệnh phản khoa học như thế, xưa nay luôn “mượn đất” của các phương thức chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian, rất khó xác định. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại nhất là ngay cả chính quyền và ngành y tế của các địa phương cũng mơ hồ, tạo điều kiện cho những “thần y” có đất làm trò.

Mới đây, trả lời báo chí, đại diện Phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Tĩnh thừa nhận, trước đó đơn vị này chỉ làm “theo chỉ đạo cấp trên” và việc đánh giá khả năng chữa bệnh của ông Yên chỉ dựa vào cảm tính của người bệnh… Đặc biệt, thời điểm Hà Tĩnh “rước” ông Yên về, cá nhân ông này chưa có bằng nghiệp vụ ngành y, khi tỉnh yêu cầu cung cấp bằng (năm 2016) thì ông này mới vào miền Nam học. 

Không biết tài cán và chặng đường trở thành “thần y” của ông Võ Hoàng Yên như thế nào, nhưng rõ ràng, chỉ vài chiêu trò tung hứng, xảo thuật, ông Yên đã khuất phục được những khối “thành trì” vững chắc ở Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và một số nơi khác. Cách mà những vị “thần y” mà chúng tôi đề cập trong loạt bài Loạn “thần y” không khác mấy với trường hợp ông Võ Hoàng Yên trước đây.

Sau khi Báo SGGP đăng tải, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp với lực lượng chức năng TP Thủ Đức đến vận động chùa Ưu Đàm (TP Thủ Đức) dừng các hoạt động khám chữa bệnh trái phép. PGS-TS Tăng Chí Thượng nói: “Việc khám chữa bệnh tại chùa Ưu Đàm là không có phép. Sở sẽ phối hợp cơ quan chức năng và hệ thống y tế TP Thủ Đức kiểm tra ngay để chấm dứt việc khám chữa bệnh bằng phương pháp chích, lể này, vì nguy cơ xảy ra nhiễm trùng và các bệnh lây nhiễm là rất cao”.

Tin cùng chuyên mục