Lốc titan tàn phá làng quê

Những dải rừng phòng hộ ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị đào bới, san thành bình địa; rú cát bị sa mạc hóa trở lại do khai thác titan. Người dân đang lo lắng việc Công ty TNHH nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên-Huế khai thác titan quá mức trên khu vực rừng phòng hộ làm phá vỡ hệ sinh thái vốn ổn định lâu nay.
Lốc titan tàn phá làng quê

Những dải rừng phòng hộ ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị đào bới, san thành bình địa; rú cát bị sa mạc hóa trở lại do khai thác titan. Người dân đang lo lắng việc Công ty TNHH nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên-Huế khai thác titan quá mức trên khu vực rừng phòng hộ làm phá vỡ hệ sinh thái vốn ổn định lâu nay.

  • Khai thác titan trên rừng phòng hộ

Khi những đợt nắng nóng kéo dài, tại vùng khai thác titan ở rú cát thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi cát bay mù mịt. Thế nhưng giữa trưa, những cỗ máy khai thác titan ở đây vẫn liên tục hoạt động. Những đụn cát trắng đã bị đào xới thành những hố sâu nham nhở, hàng chục máy hút cát và nước ngầm trong lòng đất liên tục đưa vào đường ống lên các cụm vít tuyển titan.

Phía trên, cả trăm công nhân tập trung khai thác, những chiếc xe ben lên tục chở titan thành phẩm về bãi tập kết. Nhiều diện tích rừng phòng hộ cây đã bị đốn hạ chổng gốc lên trời, nhường chỗ cho hố khai thác titan. Một người dân tên Hùng, ở thôn Cổ Tháp cho hay: “Rừng phòng hộ phủ xanh trên cát là một nỗ lực lớn lao của người dân và chính quyền địa phương, vậy nhưng hiện nay đang bị cơn lốc titan tàn phá hàng ngày”.

Khai thác titan tại thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Khai thác titan tại thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ông Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, cho biết: Từ tháng 8-2011, Công ty TNHH nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên - Huế bắt đầu khai thác titan ở vùng rú cát bạch sa thuộc thôn Cổ Tháp xã Quảng Lợi. Thời gian khai thác được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép trong 3 năm (từ 2011-2014). Diện tích khai thác là 87 ha, với sản lượng khai thác là 26.000 tấn. Khu vực được cấp phép khai thác titan cách khu dân cư chừng 500m, có khoảng 40ha rừng phòng hộ (từ 3-4 năm tuổi), trong tổng diện tích 250 ha rừng phòng hộ (thuộc dự án 661) ở dải cát này của xã. Việc khai thác titan ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2012, người dân đã phản ánh trình trạng nước thải do khai thác titan tràn ra đồng ruộng gây hư hại lúa, hoa màu. Chính quyền xã đã xuống làm việc. Sau đó, đơn vị khai thác titan đắp đập ngăn không cho nước tràn ra khu vực xung quanh.

Ông Võ Quang Diệu, Giám đốc công xưởng khai thác titan xã Quảng Lợi cho biết: “Hiện đơn vị tổ chức khai thác 8 cụm vít, với 135 công nhân tham gia khai thác titan tại khu vực rú cát Cổ Tháp. Mỗi ngày bình quân đơn vị khai thác từ 28-30 tấn titan tại khu vực này. Đến nay đơn vị đã khai thác được 30 ha…”.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: “UBND xã chỉ tham gia giám sát môi trường, không biết số lượng titan bị khai thác là bao nhiêu. Trên giấy tờ, công ty khai thác 26.000 tấn trong 3 năm. Trong lúc đó, đường sá bị hư hại do xe vận chuyển titan hoạt động liên tục”.

Những hố khai thác titan trên vùng cát.

Những hố khai thác titan trên vùng cát.

  • “Sa mạc hóa” trở lại

Việc khai thác ồ ạt titan dẫn đến môi trường ở vùng cát bị phá vỡ. Độn cát trắng trải dài phía sau khu dân cư từ huyện Quảng Điền đến huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) là nơi giữ mạch nước cho cả vùng đảm bảo cây cối xanh tốt về mùa nắng vừa ngăn lũ lụt về mùa mưa. Nhưng khi khai thác titan, chỉ chừa lại lớp cát mặt, mùa nắng cát bay, mùa mưa nước chảy đùa cát về bồi lấp ruộng đồng, ảnh hưởng nhà dân.

Chị Trần Thị Thu, một người dân sống cạnh khu vực khai thác titan cho biết: Vào thời điểm này, ở đây liên tục xảy ra hiện cát bay, cát lấp. Hiện tượng khô hạn cũng thấy rõ, ngay cả hồ Đồng Bào nằm bên cạnh khu vực khai thác titan, đến thời điểm này không còn một giọt nước, cỏ cây cháy xém…

Chị Nguyễn Thị Hiền, một người dân sống gần khu vực khai thác titan, kể: “Những ngày gió lớn, cát bay mù mịt cả một vùng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Khoảng 15 năm trở lại đây, người dân cực nhọc lắm mới trồng được những cánh rừng phòng hộ trên cát, rồi các trang trại hình thành trên rú cát đã cải tạo được vùng cát bạc màu. Vậy mà nay họ lại chặt cây khai thác titan khiến cát bay mù mịt trở lại”.

Về vấn đề xử lý môi trường trong quá trình khai thác titan, ông Võ Quang Diệu cho hay: “Chúng tôi sẽ trồng cây vào tháng 11. Về xử lý cát bay, chúng tôi sẽ dùng hệ thống phun nước vào mỗi đợt có gió…”. Tuy nhiên, theo người dân, việc phun nước giữa độn cát trắng trong mùa nắng nóng như muối bỏ bể.

Việc phải chặt bỏ hàng chục hécta rừng phòng hộ để khai thác titan ở khu vực rú cát xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền đã gây khô hạn nghiêm trọng, dẫn đến cát bay, cát lấp khiến hầu hết người dân địa phương bức xúc trong thời gian dài. 

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục