Lợi bất cập hại

Lao động Việt Nam muốn sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Ràng buộc kinh tế này được đặt ra từ 3 tháng nay nhằm giảm số lao động bỏ trốn, hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp.

Lao động Việt Nam muốn sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Ràng buộc kinh tế này được đặt ra từ 3 tháng nay nhằm giảm số lao động bỏ trốn, hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp.

Cứ nhẽ ấy mà suy thì tỷ lệ số lao động bỏ trốn, làm việc “chui” tại Hàn Quốc đang ở mức cao (khoảng 40%) sẽ từng bước được hạn chế. Thế nhưng, từ đó lại xuất hiện tình trạng người lao động sẵn sàng đóng phạt, sẵn sàng “bù” bằng 3 tháng làm việc trái phép để ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp. Khoản ký quỹ, mà người lao động sẵn sàng bỏ, lại vô tình trở thành “lực đẩy” người lao động ở lại làm việc “chui” hòng gỡ gạc. Tỷ lệ lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc vẫn chưa được kéo giảm căn cơ.

Trong khi đó, ràng buộc kinh tế như một chướng ngại vật ngăn bước người có nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc. Theo quy định, trong vòng 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải hoàn tất việc ký quỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động không thể chờ đợi cả tháng trời để chờ người lao động Việt Nam hoàn thiện thủ tục này. Quá lắm, chủ sử dụng chỉ chờ 15 ngày và sẵn sàng hủy hợp đồng lao động nếu quá thời gian trên. Người lao động Việt Nam muốn đi làm việc tại Hàn Quốc, nhất là lao động nghèo, vì thế phải khó khăn xoay xở tiền bạc, chầu chực cậy nhờ ngân hàng, cho kịp thời hạn. Thuốc chưa giã tật, Bộ LĐTB-XH lại đề nghị cấp xã, phường không xác nhận hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài cho thân nhân những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Thiết nghĩ, ai làm, người nấy chịu. Nên chăng khi tước đi cơ hội của người này, chỉ vì vi phạm của người khác mà có khi họ không can dự vào vi phạm ấy, là điều hợp lý?

Nếu vẫn phớt lờ việc giáo dục ý thức cho người dân trước khi xuất ngoại, vẫn chưa dẹp được sự bát nháo, “cò mồi” thao túng chi phí trước khi xuất cảnh của người lao động; vẫn chưa có chính sách “hậu” xuất khẩu lao động để tận dụng, phát huy nguồn lao động đã qua đào tạo và làm việc trong môi trường quốc tế thì e rằng, việc đưa ra các biện pháp như cách làm vá víu hiện nay sẽ không những không kéo giảm lượng người ở lại làm việc “chui” mà còn phát sinh thêm đủ thứ việc “bốc tay mặt, đặt tay trái”.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục