Mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 sinh viên ra trường. Thế nhưng điều đáng lo là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, 65% sinh viên ra trường lại không kiếm được việc làm.
Trong khi những bạn trẻ không có người đỡ đầu phải gian truân tìm việc làm sau 16 năm vất vả sách đèn, cũng có không ít bạn trẻ đã có sẵn “ghế ngồi” ngay từ khi bước chân vào đại học. Có nhiều cách xin việc, trong đó đơn giản nhất là xin việc nhờ vào mối quan hệ thân tộc, thân quen. Khi cơ quan, đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng, bố mẹ, chú bác lại ưu tiên đưa con cháu mình vào. Cấp trên sử dụng không hết chỉ tiêu thì chuyển xuống cấp dưới, nên người được tuyển dụng tại các cơ quan nhà nước thường theo quy luật “lọt sàng xuống nia”.
Tồn tại song song với lệ xin việc nhờ mối quan hệ thân tộc là tệ “mua việc” thường diễn ra rất sôi động vào mùa sinh viên ra trường. “Mua việc” là thương vụ nhiều bên cùng có lợi và là một dạng tiêu cực đáng phải lên án vì đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm chất lượng nhân sự được tuyển dụng, làm tha hóa đạo đức cán bộ công chức và làm trì trệ tốc độ phát triển của xã hội. Mỗi năm có gần 7.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học - cao đẳng đào tạo ngành tàu biển, thế nhưng sau khi tốt nghiệp phần nhiều phải đi làm trái nghề, thậm chí phải xin vào làm lao động chân tay tại các khu công nghiệp, các công trường xây dựng, vì xin được việc làm đúng ngành không đơn giản. Trên mạng có những công ty tàu biển đăng thông tin tuyển thủy thủ, thế nhưng sau khi người cần tìm việc gửi thông tin đăng ký qua email, lập tức có “cò” gọi điện thương thảo “mua việc” với giá từ 8 triệu đồng đến 80 triệu đồng tùy từng công ty và trọng tải của tàu.
Với những suất việc được mua bán như vậy, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Với người “mua việc”, vì tiếc số tiền bỏ ra để có được công việc nên dù năng lực không phù hợp nhưng vẫn cố bám trụ và tranh thủ kiếm chác để gỡ vốn. Với người “bán việc”, do đã nhận tiền để ký hơp đồng nên dù người được tuyển dụng không có năng lực vẫn không dám cho nghỉ việc, từ đó ảnh hưởng đến các nhân viên khác và hiệu quả công việc. Trong bối cảnh hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, nhân sự dư thừa quá nhiều, tình trạng tuyển dụng nhân sự tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự minh bạch, không chú trọng tiếp nhận người có thực tài, nên cánh cửa vào đời của các tân cử nhân bị khép lại chỉ còn rất hẹp.
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tạo việc làm, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, cần phải kiểm tra bảo đảm sự công khai, minh bạch trong tuyển dụng nhân sự ở các cơ quan, đơn vị nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân cũng nên quan tâm tuyển dụng người có thực tài để thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong thời cạnh tranh và hội nhập.
Vũ Ly Ly (Tiến Thụy, Hải Phòng)