Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 5 quốc gia Đông Âu và Trung Á, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia và lên án Nga chiếm đóng hai nước cộng hòa tự trị ly khai của nước này là Abkhazia và Nam Ossetia. Ngay lập tức Thủ tướng Nga Putin tuyên bố “một số người nghĩ rằng đó là sự chiếm đóng nhưng có một số khác lại nghĩ rằng đó là sự giải phóng” và “Nga không phải là một quốc gia xâm lược”.
Hai nước cộng hòa tự trị trên cũng lên tiếng chỉ trích cách sử dụng ngôn từ của Ngoại trưởng Mỹ. Tờ Independent nhận định, thông điệp mới của bà Hillary trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama là tái lập quan hệ hữu nghị với Mátxcơva trong thời gian qua.
Có lẽ nào, với khả năng ngoại giao khéo léo và hàng chục năm kinh nghiệm trên chính trường, bà Hillary đã “vội quên” bản báo cáo điều tra chi tiết cuộc chiến Gruzia và Nga hồi tháng 8-2008 do EU đưa ra vào cuối năm 2009? Bản điều tra khẳng định, đêm 7-8-2008 Gruzia sử dụng vũ lực làm chết hàng chục ngàn dân thường để chiếm tỉnh ly khai Nam Ossetia là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, vài giờ sau khi Gruzia mở cuộc tấn công vào Nam Ossetia, Mátxcơva mới điều động quân lính và giành lại quyền kiểm soát thủ phủ Tskhinvali từ tay Gruzia, vì đây là khu vực có nhiều người gốc Nga sinh sống.
Nga cho rằng việc ủng hộ nền độc lập Abkhazia và Nam Ossetia là điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn của những người dân, đặc biệt là công dân Nga, đang sinh sống ở Abkhazia và Nam Ossestia cũng như bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc.
Quan điểm của Washington đối với vấn đề của Abkhazia và Nam Ossestia trái ngược hoàn toàn với Kosovo, vùng lãnh thổ ly khai khỏi Serbia vốn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và EU. Cuộc chiến Nam Tư năm 1999 do Mỹ và NATO phát động đã mở đường cho việc Kosovo tuyên bố độc lập.
Cuộc chiến nổ ra sau khi NATO và Mỹ lấy cớ ngăn chặn cuộc tiến công của người Serbia chống người sắc tộc Albania ở Kosovo, để “ngăn chặn một thảm họa nhân đạo”. Những đợt tấn công bằng bom và tên lửa Tomahawk của Mỹ liên tục dội xuống Nam Tư trong 6 tuần liên tiếp đã dẫn đến kết cục hàng chục ngàn người thiệt mạng, Nam Tư tan rã, trở thành Serbia và Montenegro.
8 năm sau, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, quốc hội Kosovo do đảng phái của người Albania chiếm đa số ghế, tuyên bố tách khỏi Serbia để trở thành một nhà nước độc lập. Lúc đó, Washington tuyên bố ủng hộ quyền tự quyết dân tộc trong khi thừa biết vùng đất này thuộc tổ tiên của người Serbia chứ không phải của riêng người Albania.
Nhưng đằng sau câu chuyện độc lập của Kosovo hay sự ly khai của hai vùng tự trị của Gruzia có thật sự là ủng hộ quyền tự quyết dân tộc hay toàn vẹn lãnh thổ? Dư luận cho rằng vấn đề chính là bảo vệ lợi ích của nước Mỹ ở những khu vực này. Đối với Gruzia, đồng minh chủ chốt của Mỹ và đối đầu với Nga ở vùng Trung Á, Mỹ phải ủng hộ từ A đến Z.
Còn tình hình Nam Tư năm 1999 với một tổng thống Milosevic “khó bảo”, Mỹ phải tìm mọi cách lật đổ ông. Và điểm yếu của Nam Tư bấy giờ chính là tỉnh ly khai Kosovo. Kosovo cũng chỉ là một nước cờ để Mỹ và đồng minh đối phó với ông Milosevic, chia tách một nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa từng hùng mạnh trong quá khứ, cái gai trong mắt Mỹ và đồng minh phương Tây.
Thanh Hằng