Lời khai mâu thuẫn giữa Nguyễn Đại Dương và các bị cáo

Sáng 18-8, tiếp tục diễn biến ngày thứ 4 phiên xét xử sơ thẩm 28 bị cáo gây thất thoát tài sản nhà nước tại tỉnh Bình Dương, các luật sư tiến hành “thẩm vấn” các bị cáo.


Trong vụ án này, tại khu đất 43ha bị chuyển nhượng với giá rẻ sang doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan công tố cáo buộc, ngay từ đầu, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty 3-2) và con rể Nguyễn Đại Dương đã có cùng động cơ, mục đích chuyển nhượng quyền sở hữu của nhà nước (43ha đất và 30% vốn góp) sang công ty tư nhân, trong đó có phần vốn góp của Nguyễn Đại Dương.

Lời khai mâu thuẫn giữa Nguyễn Đại Dương và các bị cáo ảnh 1 Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại phiên tòa. Ảnh chụp màn hình

Để thực hiện mục đích, bị cáo Nguyễn Đại Dương được cho là đứng đằng sau dàn xếp và giao cho bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (bạn của Dương) thực hiện. Cáo trạng cho thấy, khi tham gia thành lập liên doanh Công ty Tân Phú, mặc dù Công ty Âu Lạc không đủ điều kiện về vốn trong liên doanh để thực hiện dự án trên khu đất 43ha, nhưng bị cáo Nguyễn Quốc Hùng vẫn cố ý lập hồ sơ xin thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, nâng khống vốn điều lệ để hợp thức hóa năng lực tài chính.

Cùng với đó, sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, bị cáo Dương đã chỉ đạo bị cáo Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3-2 để thành lập ra liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất trên của Tổng công ty 3-2 với giá rẻ.

Mặc dù bị cáo Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, nhưng kết quả điều tra cùng với lời khai của các cổ đông, trong đó có bị cáo Nguyễn Quốc Hùng cùng với giấy xác nhận do Dương viết và ký thể hiện, bị cáo Dương nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc, đồng thời là người trực tiếp điều hành công ty.  

Trong khi đó, với vai trò là nhân chứng, ông Dương Đình Tâm khai tại tòa rằng, mình được một người tên Quân (bạn ông Tâm thời nhỏ) mua vé cho vào TPHCM gặp Nguyễn Đại Dương để ký tên vào hồ sơ đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Ông Tâm nói, thời điểm 2017, sau khi được nhờ đứng tên cổ phần đã đề nghị Nguyễn Đại Dương viết và ký giấy xác nhận việc bản thân đứng tên cổ phần thay: “Giờ mà tôi không có tờ giấy đó, tôi chết”, lời của ông Tâm.

Ông Dương Đình Tâm còn cho biết, lý do ông đồng ý gặp Dương ký vào giấy tờ đứng tên hộ cổ phần vì Quân là bạn ấu thơ.

Cũng tại tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Đại Dương khẳng định ngược lại lời khai của ông Tâm rằng, không hề nhờ ai đứng tên góp vốn vào Công ty Âu Lạc. Bị cáo Nguyễn Đại Dương cho hay, với lời khai của ông Tâm, bị cáo không hiểu sao và không giải thích được. Còn việc nhờ bạn là bị cáo Nguyễn Quốc Hùng thực hiện việc điều hành Công ty Âu Lạc, bị cáo Dương khai do bố vợ (bị cáo Nguyễn Văn Minh) nhờ tìm đối tác hợp tác tham gia thành lập liên doanh.

Bị cáo Dương nói: “Tôi có đứng sau Công ty Âu Lạc hay không phụ thuộc vào hành vi của ba vợ tội. Ba vợ tôi có làm gì lợi cho Công ty Âu Lạc hay không”; đồng thời cho rằng mình bị oan.

Theo kết quả điều tra, với động cơ cá nhân nhằm chiếm đoạt, hưởng lợi từ các khu đất xin giao làm dự án, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã thỏa thuận, thống nhất với bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể) và cùng các đồng phạm thuộc HĐTV Tổng công ty 3-2 thực hiện các hành vi trái pháp luật, chuyển nhượng trái phép tài sản của nhà nước là khu đất 43ha, thông qua hình thức liên doanh với Công ty Âu Lạc (do Nguyễn Đại Dương thành lập, điều hành hoạt động) để thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú, trong đó Tổng công ty 3-2 góp 30% vốn điều lệ, sau đó bị cáo Nguyễn Văn Minh đại diện cho Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho cho Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương.

Trong quá trình thực hiện hành vi trên, cơ quan điều tra xác định, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương); Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương); Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) và Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng Tài chính đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương), với trách nhiệm được giao là chủ sở hữu trực tiếp quản lý tài sản, vốn nhà nước và theo dõi giám sát hoạt động của Tổng công ty 3-2, biết việc chuyển nhượng khu đất 43ha, nhưng đã làm trái quy định, không thực hiện biện pháp để quản lý, bảo toàn tài sản nhà nước; không ngăn chặn, hủy bỏ việc chuyển nhượng để chuyển trả khu đất 43ha về Công ty Impco theo phê duyệt của Tỉnh ủy.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thất thoát đặc biệt lớn tài sản của nhà nước (tại thời điểm khởi tố vụ án) số tiền là hơn 984 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục