
Khóm Cầu Đúc (giống Queen truyền thống) là trái ngon nổi tiếng của Hậu Giang mấy chục năm qua. Trước năm 1990, diện tích khóm Cầu Đúc lên tới 7.000 ha; nhưng những năm gần đây, diện tích khóm tăng giảm thất thường, hiện nay chỉ còn khoảng trên 1.400 ha. tại sao vậy?

Khóm Cầu Đúc - một đặc sản của Hậu Giang
2 tháng trước, vào đầu vụ, thương lái đến rẫy mua khóm Cầu Đúc giá 1.300 đồng/kg, nông dân có lời. Nhưng hiện chỉ còn 800-900 đồng/kg, thấp hơn cùng thời điểm năm trước khoảng 300 đồng/kg. Giá này sẽ còn sụt nữa, người trồng khóm chắc chắn là lỗ.
Hiện tại, Hậu Giang chưa có nhà máy tiêu thụ chế biến khóm. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được các thương lái, chành vựa thu gom, cung cấp cho các công ty ở TP.HCM và bán lẻ tại các chợ. Nông dân luôn bị ép giá vào mùa khóm thu hoạch rộ…
Năm 2003, hàng chục hộ nông dân ở xã Hỏa Tiến (thị xã Vị Thanh) và xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) được Công ty cổ phần sinh học Thái Dương (TPHCM) khuyến cáo trồng 20 ha khóm cayene. Theo hợp đồng, nông dân sẽ được nhà nước tài trợ 40% kinh phí mua giống (Thái Lan) do công ty cung cấp.
Công ty còn đầu tư phân bón, chế phẩm sinh học, màng phủ nông nghiệp… cho nông dân, tính lãi suất 0,9%/tháng, thời hạn trả nợ trong 3 năm; đồng thời tiêu thụ sản phẩm. Công ty bảo lãnh tín chấp cho nông dân vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm đất (tối đa 5 triệu đồng/ha), lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng.
Những hộ đi tiên phong trong phong trào trồng khóm cayene ở Hậu Giang vô cùng phấn khởi. Thế nhưng, thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Khóm cayene do công ty cung cấp không cho năng suất, chất lượng cao như “quảng cáo”, tỷ lệ đậu trái chỉ 40-50% trong khi khóm queen lên tới hơn 90%.
Có hộ trồng 0,5 ha sau 2 năm chỉ thu được 100 kg. Nhà máy chế biến khóm của công ty tại khu công nghiệp Vị Thanh bị đình trệ hơn một năm qua. Nông dân vẫn chưa được vay tiền ngân hàng, có hộ phải vay nóng bên ngoài để làm đất trồng khóm cayene. Hiện tại, khóm cayene đang cho thu hoạch (dù sản lượng ít) nhưng nông dân không biết bán cho ai, liên hệ với cán bộ công ty thì “bặt vô âm tín”.
Được biết, giống khóm cayene mà Công ty cổ phần Thái Dương cung cấp không có nguồn gốc từ Thái Lan mà là của Trung Quốc, được đưa về từ Lâm Đồng. Không phù hợp điều kiện tự nhiên, (thổ nhưỡng, khí hậu..) nên năng suất, chất lượng thấp, dễ mắc bệnh là chuyện đương nhiên?! Diện tích khóm cayene tuy không nhiều nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sản xuất của người dân trồng khóm Hậu Giang.
Giống khóm queen Cầu Đúc ngọt thơm, nổi tiếng, từ lâu là “thương hiệu” của Hậu Giang. Nhưng để cây khóm đứng vững và mở rộng diện tích trên vùng đất này đòi hỏi có sự kết hợp từ nhiều phía. Trước hết, phải “đào thải” ngay giống khóm cayene có nguồn gốc từ Lâm Đồng trên vùng đất Hậu Giang.
Sớm giải quyết dứt điểm hợp đồng với Công ty Cổ phần sinh học Thái Dương. Bảo tồn và phát triển giống khóm quen truyền thống bằng cách phục tráng, chuyển giao kỹ thuật cho dân. Tìm đối tác đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để mở rộng diện tích lên 3.500 ha theo quy hoạch. Trong khi chưa xây dựng được nhà máy, Hậu Giang cần quảng bá thương hiệu mạnh mẽ, mở rộng mạng lưới tiêu thụ thị trường nội địa hiệu quả.
Huy Phong