Lờn luật

Gần đây, rộ lên chuyện dân tấn công cảnh sát, cảnh sát đánh dân và cảnh sát đánh cảnh sát. Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an, cho rằng, đó là những trường hợp cá biệt nhưng nếu trong trường hợp cảnh sát vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Cảnh sát phải vì nhân dân phục vụ, điều lệnh ngành công an quy định rõ ràng. Không thể lạm dụng vị trí, quyền hạn của mình mà trấn áp dân, khi những vi phạm của họ không cần thiết phải dùng đến vũ lực. Phải chăng, một số cảnh sát tự cho mình cái quyền quá lớn, coi thường người dân, nên đã bộc phát có những hành động như vậy. Coi thường dân sẽ dẫn đến nhiều hậu họa, không chỉ trước mắt mà sẽ rất lâu dài.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng cần một lời giải thích cho hành động người dân tấn công cảnh sát. Có lẽ cũng từ định kiến nặng nề về thái độ của cảnh sát, mà một số người dân bị ức chế, từ đó dễ bùng phát trở thành hành vi vi phạm pháp luật: Chống trả người thi hành công vụ. Không dừng lại ở đó, quan trọng hơn, đó là sự coi thường pháp luật, lờn luật, tự cho mình quyền đánh người khác, kể cả cảnh sát - người đang đại diện thực thi pháp luật. Điều này cho thấy ý thức tôn trọng pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Không chỉ va chạm ngoài đường với cảnh sát giao thông, mà ngay cả khi cảnh sát làm nhiệm vụ hoặc thực hiện quyền cưỡng chế theo quy định pháp luật - thì cũng không ít người hùa nhau chửi, ném gạch đá, dùng gậy gộc “tự bảo vệ” nhưng thực chất là để thừa cơ tấn công người thi hành công vụ.

Đã đến lúc thực hiện nghiêm kỷ cương phép nước. Chỉ có như vậy, tâm lý cho rằng pháp luật đang bị buông lỏng mới bị mất đi, những hành vi xấu sẽ không còn tồn tại ngang nhiên.

NAM VIỆT

Tin cùng chuyên mục