Long An: Nhiều phòng y học cổ truyền khó đủ chuẩn

Thời gian qua, nhiều phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Long An gặp khó khi ngành y tế thực hiện Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.
Long An: Nhiều phòng y học cổ truyền khó đủ chuẩn

Thời gian qua, nhiều phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Long An gặp khó khi ngành y tế thực hiện Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

Người dân tự nguyện đến cắt, phơi thuốc Nam tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Hưng Nhơn Tự ở thành phố Tân An.

Người dân tự nguyện đến cắt, phơi thuốc Nam tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Hưng Nhơn Tự ở thành phố Tân An.

Thông tư 41 quy định phòng khám phải tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, phải được xây dựng chắc chắn, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh. Đặc biệt, phải bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định của pháp luật. Rồi buồng chẩn trị có diện tích ít nhất 10m² và có nơi đón tiếp người bệnh. Nếu có châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt phải có buồng hoặc bố trí nơi kê giường châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt với diện tích ít nhất 5m²/giường; bảo đảm vô trùng đối với buồng thực hiện thủ thuật… Riêng về mặt nhân sự, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng chẩn trị y học cổ truyền phải là bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc y sĩ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc là người có giấy chứng nhận lương y của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh cấp và có thời gian khám, chữa bệnh từ 36 đến 54 tháng, tùy theo bằng cấp, chứng chỉ… Ngoài ra, những đối tượng khác làm việc trong phòng chẩn trị y học cổ truyền phải có chứng chỉ hành nghề, phải được khám sức khỏe và ký hợp đồng lao động…

Theo bà Nguyễn Thị Sách, Chủ tịch Hội đông y tỉnh Long An, Phó Chủ tịch Hội đông y Việt Nam, hiện nay, hầu hết các phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Long An khó đáp ứng theo yêu cầu của Thông tư 41. “Ở đây, chỉ nói về khía cạnh cơ sở vật chất thôi đã khó đáp ứng rồi. Như toàn tỉnh có 333 cơ sở hành nghề đông y, trong này có tới 118 phòng chẩn trị tư nhân, lấy nhà ở để mở phòng khám thì làm sao tách biệt với nơi ở gia đình được. Hay 44 phòng chẩn trị miễn phí trên địa bàn tỉnh, phần nhiều là phòng ốc tạm bợ, thì khó bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định của pháp luật. Đó là chưa nói lực lượng lương y và các kỹ thuật viên ở đây phần nhiều chưa đủ chuẩn” - bà Sách cho biết.

Sư cô Diệu Giác, phụ trách Phòng chẩn trị y học cổ truyền Hưng Nhơn Tự ở thành phố Tân An, cho biết: Phòng khám của chùa Hưng Nhơn (hệ tịnh độ cư sĩ) hiện có 3 lương y đứng khám và hốt thuốc (đã được cấp giấy chứng nhận lương y), 4 người phụ trách (đang chờ học để được cấp giấy chứng nhận lương y), hơn 10 lương y sơ cấp phụ giúp hốt thuốc, châm cứu và hàng chục người dân đến giúp cắt, phơi thuốc... Nếu theo quy định mới thì phòng khám của chùa không đủ người để khám, chữa bệnh, hốt thuốc cho người bệnh.

Cũng theo sư cô Diệu Giác, phòng khám này có từ rất lâu, chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. “Biết mục đích của ngành y tế là muốn chuẩn hóa các phòng chẩn trị y học cổ truyền trong việc khám, trị bệnh cho người dân. Nhưng đối với các phòng khám từ thiện, miễn phí, có lâu đời, thì nên có sự chiếu cố, để các phòng khám này từng bước hoàn chỉnh, chứ cùng một lúc bắt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì hơi khó”, sư cô Diệu Giác phân trần.

Theo Hội đông y tỉnh Long An, hiện địa phương có hơn 1.500 hội viên, trong này có 1 thạc sĩ, 16 bác sĩ, 325 lương y, 86 y sĩ, 758 kỹ thuật viên, số còn lại thuộc các nghề khác. Lực lượng như vậy khó đảm bảo về mặt nhân sự theo yêu cầu của Thông tư 41 của Bộ Y tế trong việc khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là người dân nghèo vùng sâu vùng xa.

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục