Long An thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp

Nhiều năm qua, ngoài việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, chính sách hợp lý để thu hút đầu tư, Long An cũng luôn tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng đến một nền hành chính công kiến tạo, phục vụ, nâng cao chỉ số năng lực cạnh của tỉnh. 
Khu công nghiệp Tân Kim ở huyện Cần Giuộc lấp đầy trên 87% diện tích
Khu công nghiệp Tân Kim ở huyện Cần Giuộc lấp đầy trên 87% diện tích

Bước đột phá trong cải cách TTHC

Năm 2016, Trung tâm Phục vụ hành chính công (gọi tắt là Trung tâm) của tỉnh Long An chính thức đi vào hoạt động với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đã tạo bước đột phá trong cải cách TTHC của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Long An, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước về khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Long An luôn chủ động đề ra giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư mà trọng tâm là cải cách TTHC, rút ngắn thời gian, rà soát quy trình xử lý, thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông là một trong những thành tựu nổi bật về cải cách TTHC của tỉnh. Khi thực hiện cơ chế một cửa liên thông, cá nhân, tổ chức và DN chỉ đến một cấp hành chính 2 lần (1 lần nộp hồ sơ và 1 lần nhận kết quả giải quyết hoàn chỉnh), thủ tục đơn giản, quy trình nhanh chóng, giảm phiền hà và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Với phương châm “Đồng hành cùng nhà đầu tư”, tỉnh thường xuyên tổ chức họp mặt, đối thoại với DN để lắng nghe những khó khăn vướng mắc và chỉ đạo giải quyết kịp thời, giúp DN, nhà đầu tư an tâm. Ngoài ra, tỉnh chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, nghiệp vụ chuyên môn, đổi mới phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCC-VC) toàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa và bảo đảm tính minh bạch trong giải quyết TTHC của Trung tâm và ở cấp huyện, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn đội ngũ CBCC-VC, tỉnh còn thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết TTHC, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan tại Trung tâm. Qua đó hướng đến nền hành chính công hiện đại, kiến tạo, phục vụ tốt hơn nữa cho nhân dân, DN. 

Xây dựng hạ tầng giao thông để tăng liên kết vùng

So với các tỉnh vùng ĐBSCL, Long An có một vị trí rất “đắc địa”. Phía Đông tiếp giáp với TPHCM và tỉnh Tây Ninh, phía Tây giáp với tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía Bắc giáp với nước bạn Campuchia, đường biên giới dài khoảng 133km, có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ). Nằm ngay cửa ngõ nối liền TPHCM, vùng Đông Nam bộ với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, là tỉnh thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam - được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Nên người ta ví von Long An như một cô gái đẹp, ai đi qua cũng phải ngắm nhìn.

Với lợi thế này đã giúp cho các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước; đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại vùng ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này đã góp phần tích cực đưa Long An trở thành đơn vị đứng đầu về thu hút đầu tư so với các tỉnh ở ĐBSCL. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ góp phần quan trọng vào sự phát triển của Long An thời gian qua. 

Như giao thông đường bộ, tỉnh có các tuyến đường quốc lộ 1, quốc lộ N2, quốc lộ 50, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua. Trong tương lai, Long An sẽ có tuyến quốc lộ N1, đường Vành đai 3, Vành đai 4 cũng như đường sắt Sài Gòn - Trung Lương kết nối. Về giao thông thủy, có hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây gắn với Cảng quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp đã đi vào hoạt động.

Cảng quốc tế Long An là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam (đã tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai tiếp nhận tàu 50.000-70.000 DWT), không chỉ giảm tải cho cụm cảng tại TPHCM mà còn giảm chi phí vận chuyển cho DN tại khu vực ĐBSCL khi có thể kết nối dễ dàng bằng cả đường thủy và đường bộ. Đây là lợi thế quan trọng của tỉnh Long An so với các địa phương khác trong vùng. Hiện nay, Long An đang đẩy nhanh đầu tư các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, phục vụ phát triển công nghiệp, như các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TPHCM.

Hiện tại, tỉnh đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với Cảng quốc tế Long An, với TPHCM, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, nhất là các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và thành phố Tân An. 

Hiện nay, Long An tập trung mọi nguồn lực triển khai 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, là đường tỉnh 830, đường vành đai thành phố Tân An và trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối Long An - Tiền Giang - TPHCM.

“Các tuyến đường thủy bộ này được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh. Qua đó cho thấy Long An đang huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa trong thời gian tới”, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết.

Nhiều tiềm năng thu hút đầu tư công nghiệp 

Ông Huỳnh Văn Sơn nói thêm, Long An hội đủ điều kiện thu hút đầu tư trên cả 3 lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ và du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tập trung vào lợi thế của tỉnh, Long An sẽ phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Thời gian tới, tỉnh khuyến khích tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, thủy sản... Đồng thời, Long An lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương. Có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; tạo nhiều việc làm; hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. 

Long An thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ảnh 1 Đường tỉnh 830 được nâng cấp, mở rộng

Cũng theo ông Sơn, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nói chung và DN lĩnh vực công nghiệp nói riêng đầu tư tại Long An, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, chú trọng chính sách về đất đai, nhà ở, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh hàng năm ở nhóm tốt trở lên, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho mọi DN đầu tư, sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, quản lý dự án mà đầu mối là Sở KH-ĐT.

Tiếp tục rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, định kỳ làm việc với các DN để động viên, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tập trung hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo điều kiện để các dự án vận hành hiệu quả. Thực hiện cập nhật thông tin, phổ biến đến nhà đầu tư qua văn bản pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng hoặc trực tiếp.

“Mục đích là làm sao để DN đến Long An thấy rằng tỉnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của địa phương”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục