Long An: Xây bệnh viện kiểu “mắc nghẹn”!

Long An: Xây bệnh viện kiểu “mắc nghẹn”!

Năm 2008, tỉnh Long An triển khai Dự án phát triển y tế cơ sở. Theo đó, sẽ xây 13 bệnh viện (gần 1.800 giường bệnh) để phục vụ nhân dân, giải quyết nạn quá tải ở các bệnh viện tuyến huyện. Người dân ai cũng mừng, nghĩ vài năm nữa sẽ có nơi khám chữa bệnh tốt hơn. Nào ngờ đến nay, các bệnh viện này cái thì còn trên giấy, cái thì mới xong trụ móng, hoặc xây dựng dở dang…

Dự án hoành tráng, xây chậm như rùa!

Ông Trần Kim Lân, Giám đốc Sở Xây dựng Long An, cho biết: Dự án phát triển y tế cơ sở của tỉnh Long An được thực hiện năm 2008 đến 2012 sẽ hoàn tất. Theo đó, tỉnh sẽ xây 13 bệnh viện (BV) ở tuyến huyện (có 2 BV khu vực) với gần 1.800 giường bệnh. Kinh phí dự toán ban đầu là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn từ trái phiếu Chính phủ 366 tỷ đồng, còn lại lấy từ nguồn xổ số kiến thiết của tỉnh. Dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nạn quá tải tại các BV tuyến huyện sẽ được giải quyết cơ bản…

Thi công Bệnh viện Đa khoa Bến Lức chậm gần 4 tháng.

Thi công Bệnh viện Đa khoa Bến Lức chậm gần 4 tháng.

Tuy nhiên, đến nay đã gần hết nửa thời gian thực hiện dự án, nhưng chỉ mới có 5 BV ở huyện Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Tân Thạnh được triển khai xây dựng, nhưng cũng rất chậm chạp, trễ hạn hoàn thành. Trong đó, công trình BV huyện Bến Lức, thầu xây dựng đã 2 lần xin gia hạn, nhưng đến nay đã trễ hạn thêm gần 4 tháng mà vẫn chưa xong (!?).

Chờ đến bao giờ...

Bà Nguyễn Thị Giao, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BV Đa khoa Bến Lức, bức xúc cho biết BV mới chậm một ngày đưa vào sử dụng thì BV cũ và bệnh nhân phải gánh khổ thêm một ngày. Hiện các BV cũ đã xuống cấp trầm trọng, bệnh nhân ngày một đông. Như trước đây BV có 120 giường nội trú, nhưng phải khám chữa bệnh ngoại trú cho 600 - 700 bệnh nhân/ngày.

Nay BV phải thu hẹp lại, phải đập bỏ nhiều phòng, khoa để có mặt bằng xây dựng BV mới, nên số giường bệnh cũng giảm từ 120 giường xuống còn 80 giường, khiến cho áp lực càng lớn hơn. Đó là chưa nói đến việc khoảng 180 cán bộ, nhân viên của BV phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, do phòng, khoa bị thu hẹp, hư hỏng. Như Phòng Tổ chức hành chính, rộng khoảng 16m2 nhưng có tới 5 - 6 người làm việc với nào là bàn ghế, sổ sách giấy tờ. Rồi mỗi khi mưa xuống anh em phải lấy tấm nhựa che hồ sơ lại vì bị dột tứ tung. Khoa sản còn khổ hơn, nhiều hôm mưa dột, nước ngập lóp ngóp, rất tội cho sản phụ và trẻ sơ sinh.

Nhà thầu thiếu năng lực?

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An, cho biết, hiện nay ngành y tế như đang ngồi trên đóng lửa vì không chỉ ở BV Đa khoa Bến Lức mà hầu hết các BV tuyến huyện ở đều quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Sở Y tế đã nhiều lần phản ánh với UBND tỉnh và chủ đầu tư về chuyện xây dựng các BV chậm khiến ngành y tế rất khó khăn, nhưng không có chuyển biến gì.

Về nguyên nhân chậm, ông Trần Kim Lân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, giải thích do tỉnh có nhiều công trình trọng điểm, lực lượng công nhân thiếu, rồi có một số nhà thầu trúng nhiều công trình… nên công nhân bị phân tán… Tuy nhiên, ông thừa nhận 3 trong 5 công trình chậm tiến độ xây dựng có trách nhiệm của nhà thầu Ngọc Bảo, do không có kinh nghiệm, kỹ thuật, không đủ năng lực tài chính… Sắp tới Sở Xây dựng sẽ nhắc nhở các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hơn, nếu không sẽ phạt và cắt hợp đồng.

Về thắc mắc của dư luận vì sao công trình của ngành y tế lại do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, ông Lân giải thích lâu nay, các dự án của ngành y tế đều do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Dự án này cũng vậy, tỉnh sợ Sở Y tế làm không được (!?). Theo ông Liêm, chuyện ai là chủ đầu tư công trình không quan trọng, vấn đề là những công trình này phải được thực hiện đúng tiến độ để phục vụ bệnh nhân và giảm tải cho các BV tuyến huyện, BV đa khoa tỉnh. Còn xây dựng chậm trễ như hiện nay thật sự là một gánh nặng cho ngành y tế!

KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục