Long đong sân khấu

Những năm qua, dù có đội ngũ nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ giỏi, yêu nghề, hết lòng với nghệ thuật, nhưng sân khấu TPHCM vẫn chưa có một cơ ngơi đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu hoạt động và phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, còn tồn tại không ít bất cập trong công tác quản lý và thiếu hụt nguồn nhân lực kế thừa.
Long đong sân khấu

Những năm qua, dù có đội ngũ nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ giỏi, yêu nghề, hết lòng với nghệ thuật, nhưng sân khấu TPHCM vẫn chưa có một cơ ngơi đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu hoạt động và phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, còn tồn tại không ít bất cập trong công tác quản lý và thiếu hụt nguồn nhân lực kế thừa.

Công trình trăm tỷ đồng sau xây phải sửa

Việc một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là rạp Hưng Đạo mới xây dựng, vừa bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng chưa thể đưa vào sử dụng, khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc. Nhiều nghệ sĩ nói vui, đây là “công trình thế kỷ” bởi kéo dài cả chục năm, đến khi hoàn thành, chất lượng lại không tương xứng sự mong đợi. Toàn bộ phần nội thất không đáp ứng được nhu cầu tổ chức biểu diễn.

Có quá nhiều điều bất hợp lý trong xây dựng cơ sở vật chất này, như: Nhiều đèn được treo và lắp đặt trong khán phòng do không bố trí vị trí giấu hộp đèn theo tiêu chuẩn quốc tế; quá nhiều loa máng khắp mặt vách sân khấu, sàn diễn, có dàn loa chĩa thẳng vào hàng ghế đầu; sàn diễn hình vuông 8m x 8m, quá nhỏ và làm khó người dàn dựng; chiều cao sân khấu đến trần hơn 5m, nhưng khi vừa bước vào bên trong cánh gà, chiều cao bị tuột ngay xuống 2,5m, khiến các đoàn nghệ thuật không thể di chuyển cảnh trí lớn, cảnh trí có độ cứng bằng gỗ, khung sắt, mà hậu trường lại không đủ diện tích và không gian để chứa cảnh trí. Ngoài ra, nơi đây cũng không có chỗ để dàn nhạc cổ ngồi đàn; nơi hóa trang dành cho diễn viên là dãy hành lang tầng trên ngay phía sau sân khấu, cách không gian sân khấu chỉ một tấm màn...

Rạp Hưng Đạo vừa bàn giao Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiết kế, xây dựng nội thất, trang thiết bị chưa phù hợp. Ảnh: Dũng Phương

Do khán phòng bị thu hẹp để đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy nên cơ sở vật chất này hiện còn 600 ghế và ghế lại khá nhỏ, được sắp thẳng hàng chứ không xếp so le khiến người ngồi sau chỉ nhìn thấy đầu người ngồi trước. Ghế không có độ êm, ngả về sau, nên khán giả ngồi xem vở diễn suốt 3 giờ sẽ rất mỏi vai, đau lưng. Chưa kể 300 ghế trên lầu không thể phục vụ khán giả vì bị lan can tầng lầu che khuất tầm nhìn. Bởi độ dốc khá lớn của các hàng ghế trên lầu khiến khán giả chỉ nhìn thấy đầu nghệ sĩ đang diễn trên sân khấu.

Ngày khởi công rạp Hưng Đạo với kinh phí hơn 132 tỷ đồng, cả giới nghệ sĩ đặt vào ngôi nhà mới của sân khấu cải lương này rất nhiều niềm hy vọng. Thế nhưng, khi công trình này dần hoàn tất các khâu cuối cùng và được bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, mọi người đều cảm thấy… thất vọng. NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ bức xúc: “Khi có dự án xây dựng rạp Hưng Đạo, với vai trò đạo diễn, người trong nghề, tôi được mời tham gia góp ý. Ngay từ đầu, tôi đã có ý kiến, bản thiết kế, bản vẽ quá cũ kỹ, lấy từ mô hình sân khấu Đức vào những năm 30-40 thế kỷ trước, chỉ sử dụng phông màn, không phù hợp.

Vở cải lương Chiến binh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang diễn phúc khảo tại rạp Thủ Đô, sẽ phải “gọt” diện tích, độ lớn của cảnh trí và cắt bớt vai diễn vì rạp Hưng Đạo quá nhỏ. Ảnh: Thúy Bình.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều sân khấu trên thế giới đã làm theo phong cách 3D - tạo điều kiện để đạo diễn tung tẩy ý tưởng. Còn với bản thiết kế rạp Hưng Đạo, tôi thấy không dùng được. Tôi đã thẳng thắn nói lên điều này trong các buổi họp với mong muốn sẽ có sự chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của những người làm sân khấu. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền vẫn giữ nguyên bản thiết kế cũ. Giờ thì rạp đã được xây xong lại phải chờ… sửa chữa mới có thể sử dụng được. Ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Nhà hát… không nhà

Mặc dù các đơn vị nghệ thuật nhà nước được gọi là nhà hát nhưng thực tế chẳng có được một ngôi nhà đàng hoàng. Trong đó, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) hiện “phân thân” ở rạp Thanh Vân (nơi nghệ sĩ tập nhạc, hát, kho nhạc cụ, cảnh trí), tầng hầm Nhà hát Thành phố (văn phòng, kho phục trang) và thuê Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TPHCM một phòng cho lực lượng múa có nơi rèn luyện. Nhà hát nghệ thuật Phương Nam phải xé lẻ nhân sự hoạt động ở ba nơi gồm rạp bạt xiếc ở Công viên Gia Định, quận Gò Vấp (cơ sở vật chất tồi tàn, hễ mùa mưa là ngập lụt); múa rối nước thuê mặt bằng biểu diễn bên trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - chi nhánh TPHCM, văn phòng đặt ở rạp Nhân Dân - quận 5. Nhân sự Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen làm việc tại cơ quan trên đường Hai Bà Trưng, kho là rạp Kim Châu, nếu muốn biểu diễn lại phải đi thuê mặt bằng.

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM ngụ tại rạp Long Phụng, đường Lý Tự Trọng, quận 1, “ngôi nhà” nhiều tuổi này ngày càng xuống cấp trầm trọng, các nghệ sĩ hát bội phải chọn cách lưu diễn lay lắt qua ngày ở khắp các quận-huyện, từ nội thành đến vùng sâu, vùng xa. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trước khi nhận cơ ngơi rạp Hưng Đạo vừa xây dựng mới (nhưng chưa thể sử dụng), thì trước đó văn phòng làm việc nằm trên đường Trần Hưng Đạo, sân khấu là rạp Thủ Đô ở quận 5 - đã quá xuống cấp…

Hầu hết rạp hát thuộc quyền tự quản của các đơn vị nghệ thuật tại TPHCM đều không thể đáp ứng được nhu cầu tổ chức biểu diễn, phục vụ công chúng: tường nứt, thấm dột khi trời mưa, cơ sở vật chất hư hỏng, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu dàn dựng, biểu diễn, phục vụ công chúng. Cho nên, nếu các đơn vị nghệ thuật muốn biểu diễn lại phải đi thuê mặt bằng khác.

Ngổn ngang trăm mối

Một điều “nói hoài nói mãi” là đời sống nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật hiện quá khó khăn, lương và cát-sê thấp, anh em không sống được bằng nghề. Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chỉ nhận được thù lao 20.000 đồng/buổi tập và 50.000 đồng/buổi diễn; anh em hậu đài lương chỉ 2,2 triệu đồng/tháng, mỗi suất diễn được nhận thêm 70.000 - 100.000 đồng (làm một ngày, hai đêm). Nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thường chạy xe máy đi biểu diễn tự túc ở khắp các quận, huyện nội ngoại thành, cát-sê chỉ 50.000 - 100.000 đồng/suất… Vì vậy, các nghệ sĩ phải kiếm việc làm thêm, nhận show lẻ để tăng thu nhập.

Riêng với các sân khấu kịch xã hội hóa phải thuê mướn mặt bằng ở các trung tâm văn hóa quận, huyện để duy trì hoạt động. Để được “sáng đèn”, các ông bà “bầu” phải chi trả tiền thuê mặt bằng khoảng 4 - 5 triệu đồng/đêm diễn, chưa kể hàng loạt chi phí: tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, hậu đài, điện, nước, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng... Chính gánh nặng kinh phí, việc thu chi, bù lỗ, vắng khán giả, luôn là nỗi lo thường xuyên khiến người đầu tư kinh doanh nghệ thuật mất ăn mất ngủ.

NSND Hồng Vân tâm sự: “Với tình hình hiện nay, tôi rất lo rằng sau thế hệ nghệ sĩ làm “bầu” như chúng tôi, ước chừng 5-10 năm nữa, khó có một thế hệ làm “bầu” nghệ thuật tâm huyết, chịu khó, chịu khổ, chịu vất vả, để đeo bám, duy trì tổ chức hoạt động”.

Nhà hát Thành phố hiện là nơi được nhiều đơn vị nghệ thuật chọn thuê biểu diễn. Ảnh: Dũng Phương.

Hiện nay, những nỗ lực duy trì hoạt động nghệ thuật của giới nghệ sĩ TP đang dần đi vào tình trạng mệt mỏi, không thể phát huy hết mức sức sáng tạo nghệ thuật. Bao nhiêu khó khăn cứ thế chồng chất theo năm tháng, với nhiều ngổn ngang.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục