Lũ cuốn hơn 1.200 tỷ đồng ở ĐBSCL

* Hàng ngàn người dân miền Trung bị cô lập
Lũ cuốn hơn 1.200 tỷ đồng ở ĐBSCL

* Hàng ngàn người dân miền Trung bị cô lập

Không kịp trở tay

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 2 ngày qua, tại các tỉnh miền Trung có mưa vừa đến mưa to gây lũ nhiều nơi. Các tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án đối phó với mưa lũ, nghiêm cấm người dân đi lại, đánh cá, vớt củi trên sông, đầm.

Người dân huyện Minh Hóa, Quảng Bình bị cô lập trong lũ. Ảnh: Minh Phong

Người dân huyện Minh Hóa, Quảng Bình bị cô lập trong lũ. Ảnh: Minh Phong

Chiều tối 16-10, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, lũ đang dâng cao là trận lũ thứ ba khiến hàng ngàn người dân trở tay không kịp. Các xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Hóa Sơn, Hóa Thanh (huyện Minh Hóa) bị lũ cô lập hoàn toàn. Người dân xã Tân Hóa, Minh Hóa lại phải dựng lán trại dưới mái đá, rèm đá chạy lũ. Hàng trăm hộ dân đồng bào Vân Kiều ở 3 xã Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) buộc phải di dời lên nơi cao hơn để chạy lũ ống, lũ quét ở thượng nguồn.

Tuyến tỉnh lộ 16 nối quốc lộ 1A đi Đông và Tây Trường Sơn bị ngập sâu hơn 1m. Tuyến quốc lộ 1A dọc các xã Cam Kiên, Hồng Thủy đang bị lũ phong tỏa. 19 giờ cùng ngày, ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết hơn 7.000 căn nhà đã bị ngập.

Theo ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã có 1 nạn nhân mất tích do mưa lũ; hơn 5.000 căn nhà bị ngập nặng hơn 1m nước, 14 xã bị lũ cô lập hoàn toàn. Tại huyện Bố Trạch, cháu Dương Hoàng Quân (3 tuổi, ở xã Đồng Trạch) bị lũ cuốn trôi. Đến 19 giờ ngày 16-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 3 người chết và mất tích do lũ.

Tại tỉnh Quảng Trị, mực nước trên các sông lớn dâng rất nhanh, nhiều huyện lũ tràn vào nhà dân, có nơi cao gần 1m. Tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, 1 thanh niên đã bị nước lũ cuốn trôi. Giao thông từ trung tâm huyện Hải Lăng về các xã vùng đồng bằng bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện Hướng Hóa, nước sông Sê Pôn đã dâng rất cao, các lực lượng chức năng phải di dân đến chỗ cao nhằm đảm bảo tính mạng. Tại huyện Đakrông, Đại tá Hồ Quang Thân, Trưởng công an huyện cho biết đến chiều 16-10, toàn bộ 3 xã thuộc vùng chiến khu xưa Ba Lòng đã bị lũ bao vây. Hàng trăm hộ dân vùng này đã được di dời đến ủy ban, trạm y tế, những điểm cao tránh lũ.

Tại TP Đà Nẵng có mưa to trên diện rộng làm ngập một số tuyến đường chính gây cản trở giao thông. Phòng khai thác bay thuộc sân bay quốc tế Đà Nẵng cho biết, do trời mưa lớn, 4 chuyến bay của Jetstar phải hủy.

Sạt lở đê bao nghiêm trọng tại Đồng Tháp

Lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn tại khu vực ĐBSCL. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến nay có 44 người chết do lũ (38 trẻ em). Hơn 78.000 nhà dân bị ngập sâu, 152 căn bị sụp đổ, cuốn trôi. Lũ đã làm sạt lở 1.500km đê bao; gần 7.500ha lúa thu - đông bị mất trắng; 2.600ha thủy sản bị thiệt hại… Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, lũ đã gây thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng; nặng nhất là 2 địa phương đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp.

Nông dân vớt lúa bị ngập lũ tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Nông dân vớt lúa bị ngập lũ tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Tại An Giang có 20 điểm trường bị ngập lũ, 1.364 học sinh phải nghỉ học, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 40 điểm giữ trẻ mùa lũ với 1.200 trẻ; bố trí đưa rước an toàn cho gần 6.000 học sinh; cứu được 31 người trong các vụ chìm ghe, xuồng; vớt được 27 phương tiện.

Chiều 16-10, ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết: Khoảng 11 giờ cùng ngày đã xảy ra vụ sạt lở lớn trên địa bàn xã Long Thuận. Chiều dài sạt lở đến 70m, ăn sâu vào bờ gần 30m, cắt đứt tuyến đường giao thông, đồng thời là đê bao khu vực Long Thạnh - Long Hòa - Long Hưng.

Do phạm vi sạt lở lớn nên chỉ trong thời gian ngắn nước lũ tràn ngập khu đê bao nhấn chìm một số ao cá giống và trên 11ha hoa màu gồm hành lá, cải, rau dưa… của người dân địa phương. Ban chỉ huy PCLB huyện Hồng Ngự đã khẩn cấp huy động lực lượng và phương tiện đến gia cố cứu tuyến đê. Tuy nhiên, đến tối 16-10, tại khu vực sạt lở vẫn chưa thể lưu thông, chính quyền địa phương đã hỗ trợ di dời một số hộ dân ra khỏi phạm vi sạt lở đến nơi an toàn.

Nhóm PV


  • Đường sắt bị ngập 1,5m, nhiều tàu mắc kẹt

Tin từ ga Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, hiện tàu SE7 chạy hướng Bắc – Nam đang mắc kẹt tại ga Đông Hà. Nguyên nhân do mưa lớn kéo dài đã làm một số tuyến đường sắt từ ga Đông Hà đến thị xã Quảng Trị ngập sâu, có nơi ngập đến 1,5m.

Tại ga Đà Nẵng, hàng trăm hành khách đợi tàu đã phải trả lại vé (được hoàn tiền 100%), vì nhà ga thông báo chưa có lịch trình tàu chạy trở lại; các chuyến tàu chạy Bắc – Nam và ngược lại cũng đang mắc kẹt ở các đầu ga Huế, Đồng Hới (Quảng Bình).

V.Ngọc

  • Tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho dân quân bị rắn cắn chết trong lúc hộ đê

Ngày 16-10, anh Phan Văn Mãi, Bí thư Trung ương Đoàn đã đến xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tặng dân quân Huỳnh Văn Tùng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Trung ương Đoàn cũng đã trao số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Tùng.

Chiều tối 26-9, anh Huỳnh Văn Tùng (26 tuổi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân cơ động, Ban Chỉ huy Quân sự xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cùng đồng đội khẩn cấp gia cố tuyến đê Phước Điền, bảo vệ lúa tại xã Thới Sơn. Trong lúc tập trung xử lý vị trí rò rỉ nước lũ qua thân đê, anh Tùng bị rắn hổ cắn. Anh Huỳnh Văn Tùng chết, để lại bà nội, mẹ, vợ và 2 con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết các ngành chức năng đang phối hợp cùng chính quyền địa phương đang xúc tiến hồ sơ, công nhận liệt sĩ cho chiến sĩ dân quân Huỳnh Văn Tùng.

B.Đại

Tin cùng chuyên mục