
Theo Phân ban Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương tại miền Trung, từ ngày 20 đến 25-10, trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, mưa lớn kèm gió lốc đã làm thiệt hại lớn về tài sản và người. Đã có 14 người chết, trong đó: tỉnh Bình Định có 7 người, Quảng Nam (2), Quảng Ngãi (2), Khánh Hòa (2), Phú Yên (1).
- Khánh Hòa: Mực nước các sông vượt mức báo động 3

Tỉnh lộ 640 (Tuy Phước – Phù Cát) bị ngập trong nước lũ, người dân đi lại rất khó khăn. Ảnh: Ngọc Thái
Do lượng mưa lớn, kéo dài nên 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 16 nhà bị tốc mái và sụt vách; 1.350 m3 đất đá tại các tuyến đường và 880 m3 đất công trình thủy lợi, đê sông, đê biển bị sạt lở; 650 ha lúa mùa bị ngập. Tuyến giao thông liên thôn ở một số vùng thuộc huyện Diên Khánh, Ninh Hòa bị ngập gần 1m nên không thể đi lại được. Mưa lũ đã làm hai người thiệt mạng (Nguyễn Thị Cúc, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa và Nguyễn Hoàng Nhi, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh).
- Phú Yên: 31 tàu thuyền bị chìm và hư hại
Toàn tỉnh có 1 người bị nước cuốn trôi (anh Nguyễn Trọng Vỹ, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa); 4 nhà sập hoàn toàn, 123 ngôi nhà tại huyện Sông Cầu, Phú Hòa bị tốc mái và lở móng. Gần 2.000 ha lúa, hoa màu và hơn 52 ha nuôi tôm bị ngập, mất trắng; 31 tàu thuyền bị chìm và hư hại; các tuyến QL1A và QL1D bị sạt lở nặng, nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở nặng…
- Bình Định: 7 người chết, 34 ngôi nhà bị sập
Đến 17 giờ chiều 25-10, mực nước ở mức báo động 2- 3, nhiều nơi ở các xã khu đông các huyện An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước bị nhấn chìm trong biển nước, khiến các trường học nơi đây tạm đóng cửa. Huyện Hoài Ân đã chỉ đạo sơ tán hơn 30 hộ dân ở khu vực sông An Lão thuộc xã Ân Hảo đến nơi an toàn. Nếu tính 2 người chết (Lê Tấn Bàn, xã Ân Phong và Võ Tí, xã Ân Đức) ở huyện này, đã có 7 người chết trên địa bàn tỉnh trong đợt mưa lũ này. Trong khi đó, 38 ngôi nhà bị sập; 3.252 ngôi nhà và 5.698 ha lúa bị ngập nước; 6.368 ha cây trồng có nguy cơ mất trắng; 5.908 m đê, 6.322 m đường bị sạt lở; 14 cầu nhỏ bị trôi và hư hỏng... Nhiều tuyến đường ở TP Quy Nhơn đã ngập sâu hơn 0,5 m.
- Quảng Ngãi: Huyện Tây Trà lại bị cô lập
Mưa lũ đã làm 2 người chết (anh Nguyễn Tiến Lâm, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà và một người chưa xác định được tên tại xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa). Gần 12.000 m3 đất đá trên tuyến đường Trà Bồng- Trà Phong bị sạt và chia cắt huyện miền núi Tây Trà với đồng bằng.
- Quảng Nam: Giao thông bị ách tắc nhiều nơi
Tính đến chiều 25-10, mực nước tại các sông đang xuống chậm. Quảng Nam có 2 người chết (Phạm Văn Tấn, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn và Phan Quang Trung, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn). Gần trăm ha đất nông nghiệp ở huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức, Trà My bị lở, không thể sản xuất. Hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến đường 14D, đường liên xã tại các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn… khiến giao thông bị ách tắc.
Nhóm PV
TPHCM: Mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường (SGGP).- Chiều hôm qua 25-10, cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đã gây ngập nhiều tuyến đường thuộc các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú. Các tuyến đường như Lạc Long Quân, Minh Phụng, Hàn Hải Nguyên, Dương Tử Giang, Kinh Dương Vương, 3 Tháng 2, Hồng Bàng, Phan Huy Ích, Nguyễn Thái Sơn, Gò Dầu, Thạch Lam, Phạm Văn Xảo, Vườn Lài … bị ngập từ 20-40 cm gây ùn tắc giao thông kéo dài nhất là khu vực bùng binh Cây Gõ. Đến 19 giờ 30 tại một số tuyến đường trên địa bàn quận 11, quận 6 vẫn còn ngập. H.V. |