Sau thời gian dài nắng hạn, những ngày gần đây ở vùng ĐBSCL đã liên tục có mưa lớn kèm theo dông giật khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, dẫn tới giảm năng suất, khó thu hoạch. Đáng lo nhất là giá lúa bắt đầu sụt giảm bởi thương lái chê lúa bị ẩm ướt…
Lúa hè thu ở Hậu Giang bị đổ ngã do mưa dầm
Nông dân lo lắng
Các xã Trường Long A, Trường Long Tây, Tân Hòa… huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu, thế nhưng nhiều nông dân không yên lòng vì mưa nặng hạt làm lúa đổ ngã. Ông Cao Thanh Bình, canh tác 14 công lúa ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, nói: “Lúa vừa đến ngày thu hoạch thì mưa ập tới kèm dông gió lớn khiến toàn bộ diện tích bị ngã. Thế là các chủ máy gặt đập liên hợp được dịp “bẻ kèo”, nâng giá công cắt từ 260.000 đồng/công (lúa đứng) lên 300.000 đồng/công (lúa ngã) nhưng vẫn phải chờ tới lượt mới được cắt”. Cùng nỗi lo trên, ông Phạm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho hay: “Tiến độ thu hoạch 1.900ha lúa hè thu của xã đang bị chậm lại rất nhiều do ảnh hưởng mưa dầm. Ngoài năng suất lúa bị giảm 20% - 30% do đổ ngã gây thất thoát, đáng lo hiện nay là giá lúa đang giảm nên lợi nhuận của nông dân giảm theo”. Theo UBND xã Trường Long A, nếu như từ giữa tháng 5 trở về trước, thương lái đặt cọc mua lúa tươi loại thường ngay tại ruộng với giá 4.700 đồng/kg, thì nay chỉ còn 4.300 đồng/kg, những nơi xa kênh thủy lợi giá chỉ 4.200 đồng/kg…
Tại các vùng lúa trọng điểm ở Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp… tình hình cũng tương tự. Ông Lê Ngọc Lề ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), bộc bạch: “Nông dân phải túc trực ngoài đồng cả tuần nay để chờ máy cắt. Nguyên nhân do lúa đã quá ngày thu hoạch và bị mưa dông làm ngã la liệt nên ai cũng nóng lòng muốn cắt sớm, từ đó máy cắt “quá tải”, dù giá thuê bây giờ đã tăng thêm 40.000 - 60.000 đồng/công so trước”. Theo ông Trần Văn Ny, ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), giá lúa tươi hạt dài từ 5.000 đồng/kg (thời điểm giữa tháng 5) nay giảm xuống mức 4.700 đồng/kg; nếp từ 5.600 đồng/kg cũng giảm còn 5.200 đồng/kg… Dù giá đã giảm, nhưng tiến độ thu mua của thương lái chậm lại, bởi họ chê lúa bị ẩm ướt, khó tiêu thụ. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL tính toán, vụ hè thu này ở các vùng nước ngọt của Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang… không bị ảnh hưởng hạn, mặn nên lúa trúng mùa, năng suất đạt khoảng 1.000kg/công; nhờ đó lợi nhuận được khoảng 20 triệu đồng/ha. Riêng những diện tích hè thu đang bị mưa dầm khiến năng suất giảm, cộng với thất thoát, bán giá thấp… nên lợi nhuận sụt chỉ còn 12 - 15 triệu đồng/ha trở lại.
Đẩy nhanh xuống giống vùng hạn, mặn
Theo Bộ NN-PTNT, kế hoạch vụ hè thu 2016 ở ĐBSCL gieo sạ hơn 1,65 triệu hécta, giảm 18.544ha, năng suất ước đạt 5,59 tấn/ha, tăng 0,14 tấn/ha; sản lượng hơn 9,2 triệu tấn, tăng 134.000 tấn so vụ hè thu 2015. Dự kiến là vậy, nhưng hiện nhiều diện tích lúa hè thu đang thất thu như kể trên. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo bà con theo dõi chặt diễn biến thời tiết, dịch bệnh… để phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho lúa hè thu đã và đang chín. Riêng những diện tích lúa chưa sạ được do bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 6.000ha ở huyện Long Mỹ thì khẩn trương xuống giống bởi mưa liên tục đã đẩy lùi nước mặn”.
Cục Trồng trọt cho rằng, mưa ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa, nhưng tạo điều kiện thuận lợi để các vùng hạn, mặn đẩy nhanh việc xuống xuống vụ hè thu. Hiện tại, toàn vùng ĐBSCL còn khoảng 500.000ha lúa ở các vùng cách biển khoảng 50km và vùng chịu ảnh hưởng nước trời thuộc các tỉnh Long An (phía Nam); Tiền Giang (phía Đông); Bến Tre (huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú); Trà Vinh (huyện Cầu Kè, Châu Thành); Sóc Trăng (huyện Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm); Bạc Liêu (huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân); Kiên Giang (huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên, U Minh Thượng)... những ngày qua chưa thể gieo sạ do nước mặn bao trùm, nay cần khẩn trương xuống giống bởi nguồn nước ngọt dồi dào nhờ mưa sớm hơn dự kiến. Các địa phương đang cố gắng sản xuất hiệu quả nhằm bù đắp cho vụ đông xuân vừa qua bị mất mùa vì hạn, mặn.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Văn Út, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Vụ đông xuân rồi toàn xã có hơn 4.000ha lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn, nhiều nhất là huyện Hòn Đất. Vì vậy, vụ hè thu này phải nỗ lực sản xuất tốt nhất, nếu không thì đời sống người dân sẽ khốn đốn bởi cây lúa là kinh tế chính”. Theo kế hoạch xã Bình Giang sản xuất khoảng 13.000ha lúa hè thu. Mấy ngày qua mưa liên tục nên người dân đã xuống giống ở vùng xa biển, riêng vùng gần biển thì một số hộ làm đất xong nhưng chưa dám sạ lúa vì sợ thiệt hại, có hộ định chuyển sang nuôi thủy sản nhưng thiếu vốn. “Dự kiến trong tuần này, xã sẽ tổ chức phát tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại vụ lúa đông xuân vừa rồi, để bà con có điều kiện tái đầu tư vụ mới. Nếu hộ nào không làm lúa hè thu thì xã xin ý kiến cấp trên xem xét hỗ trợ kỹ thuật, thời vụ... để người dân chuyển đổi sản xuất. Vấn đề là sản xuất hiệu quả, người dân đảm bảo thu nhập, không bị mất mùa là được...”, ông Trần Văn Út, nói.
HUỲNH LỢI