Luật Bảo vệ môi trường: Chưa sát thực tế

Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham gia góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Việc thiếu tính thực tế của luật hiện không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn gây khó cho chính các cơ quan chức năng thực thi luật.
Luật Bảo vệ môi trường: Chưa sát thực tế

Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham gia góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Việc thiếu tính thực tế của luật hiện không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn gây khó cho chính các cơ quan chức năng thực thi luật.

Chồng chéo thanh - kiểm tra

Đại diện Phòng TN-MT quận 6 TPHCM cho biết, hiện Luật Bảo vệ môi trường quy định không cụ thể nên đang xảy ra tình trạng chồng chéo trong công tác giữa lực lượng thanh kiểm tra chuyên ngành với lực lượng phòng chống tội phạm môi trường. Thậm chí ngay trong cùng lực lượng thanh - kiểm tra chuyên ngành hoặc lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường cũng có sự chồng chéo giữa cấp trung ương với địa phương. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, đơn vị vừa phải tiếp đoàn thanh tra này chưa đầy 3 ngày lại phải tiếp đoàn thanh tra khác với cùng một nội dung kiểm tra. Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho biết thêm, có những tháng họ phải tiếp từ 10 - 20 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường. đại diện phòng Phòng chống tội phạm Công an TPHCM lý giải, quan trọng không phải doanh nghiệp bị kiểm tra nhiều lần mà là khi kiểm tra có phát hiện doanh nghiệp sai phạm hay không. Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp về việc xử phạt hành vi vi phạm môi trường do Sở TN-MT TPHCM tổ chức, đại diện Khu công nghiệp cao TPHCM đã nêu bức xúc, nhiều doanh nghiệp trong khu thường xuyên bị các đoàn kiểm tra môi trường đến kiểm tra mà không vì lý do gì. Thậm chí, không phải đợt kiểm tra nào doanh nghiệp cũng có dấu hiệu vi phạm môi trường hoặc phát hiện họ có hành vi vi phạm môi trường.

Trên thực tế, hiện có rất nhiều lực lượng chức năng kiểm tra môi trường. Ngoài lực lượng thanh tra chuyên ngành được hình thành theo ngành dọc thuộc Bộ TN-MT, còn có hệ thống thanh kiểm tra môi trường hình thành theo hệ thống dọc của Bộ Công an. Và chính vì chức năng, quyền hạn của các lực lượng chưa được phân định rõ nên dẫn đến tình trạng giẫm đạp chân nhau khi kiểm tra, gây khổ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Trực, Trưởng phòng Môi trường, Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cho biết, luật quy định có sự đồng nhất vai trò chức năng của Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp với chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong khi đó, vai trò của ban quản lý là đại diện các cơ quan chức năng liên quan quản lý hoạt động các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, các chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, bao gồm vai trò kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường. Ban quản lý đã nhiều lần góp ý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.

Đoàn thanh kiểm tra môi trường trong lần kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TPHCM.

Đoàn thanh kiểm tra môi trường trong lần kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TPHCM.

Rõ ràng, đơn giản, hiệu quả xử lý cao

Đó là góp ý của ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM. Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, không cần phải phức tạp quy định của luật mà càng đơn giản càng tạo điều kiện để doanh nghiệp chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường. Vấn đề còn lại là thắt chặt quy định cũng như biện pháp xử lý hậu kiểm. Biện pháp này phải đủ mạnh để răn đe doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Hiện luật quy định doanh nghiệp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Hàng tháng, Sở TN-MT phải phê duyệt rất nhiều báo cáo đánh giá này. Tuy nhiên, phải thấy rằng những báo cáo đánh giá rất hình thức, chung chung, thậm chí theo khuôn mẫu chung. Điều này không thiết thực. Chỉ cần đơn giản quy định lĩnh vực hoạt động ngành nghề và những biện pháp xử lý môi trường cần có phù hợp với những ngành nghề đó. Trường hợp doanh nghiệp sau khi đi vào hoạt động, nếu không thực hiện tốt quy định bảo vệ môi trường, để phát sinh ô nhiễm tại khâu nào thì có biện pháp, quy định xử lý hậu kiểm.

Ngoài ra, đại diện UBND quận 9 TPHCM cũng cho rằng cần thiết phải quy định rất rõ những ngành nghề nào không được phép tồn tại trong khu dân cư, nhất là những ngành nghề phát sinh tiếng ồn và mùi. Bởi thực tế, có nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư đảm bảo đạt tiêu chuẩn tiếng ồn, mùi hôi nhưng rất khó để giải thích thỏa đáng cho người dân sống khu vực xung quanh. Kết quả là khó tránh được những xung đột không đáng có giữa người dân với cơ sở sản xuất. Mặt khác, bản thân cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng không an tâm sản xuất và phát triển. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện TPHCM đang quy định cấm 17 ngành nghề không được phép hoạt động trong khu dân cư. Nên chăng quy định này cũng được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng có cơ sở áp dụng nhằm tránh những xung đột giữa khu dân cư với doanh nghiệp. Đồng thời, giúp doanh nghiệp xác định rõ địa điểm cần đến để ổn định sản xuất lâu dài. Bà Phan Thị Thu Nga, Phó chủ tịch Hội Nước và Môi trường khẳng định, cần thiết phải có quy hoạch bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch phải đặt ra những mục tiêu, giải pháp khắc phục, phòng ngừa ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các cơ quan quản lý môi trường tổ chức thực hiện. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần thiết bắt buộc các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải hàng hóa có nguy cơ gây sự cố môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường. Điều này giúp tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp khi gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện và bị phạt vẫn cố tình chây ì không nộp phạt. Song song đó, cần điều chỉnh biện pháp chế tài để khi doanh nghiệp bị phát hiện hành vi vi phạm môi trường vẫn cố tình không chấp hành quy định xử phạt mà phía các cơ quan chức năng cũng không có biện pháp xử lý tương thích.

Có thể thấy, Luật Bảo vệ môi trường hình thành từ năm 2003, sửa đổi năm 2005. Và đến nay dự kiến sẽ được sửa đổi tiếp theo. Việc sửa đổi là cần thiết để phù hợp với xu thế phát triển mới. Tuy nhiên, không ít đại biểu đã quan ngại khi cho rằng những ý kiến góp ý nhiều lần trước liên quan đến nhiều quy định môi trường chưa được ghi nhận và sửa đổi. Nếu tiếp tục duy trì thì Luật Bảo vệ môi trường mới rất khó khắc phục những bất cập vốn đang tồn tại nhức nhối hiện nay.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục