Tại cuộc tọa đàm xoay quanh Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và có hiệu lực từ ngày 5-12-2017, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc ghi tên các thành viên gia đình trong sổ đỏ không căn cứ vào sổ hộ khẩu gia đình. Chỉ người thực sự có quyền sử dụng đất mới được ghi tên vào sổ đỏ.
Theo ông Phấn, Luật Đất đai hiện nay có 17 hình thức ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc ghi tên hộ gia đình chỉ là một trong số 17 hình thức này”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ. Để đảm bảo chặt chẽ, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai đã đưa ra những quy định nhằm đảm bảo thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất được ghi nhận vào sổ đỏ, nhằm để pháp luật bảo hộ, không phát sinh mâu thuẫn giữa nội bộ hộ gia đình với tổ chức tín dụng, cơ quan thi hành án. Thông tư 33/2017 hướng dẫn thực hiện Luật, đi vào bản chất hơn là ghi thành viên có quyền sử dụng đất vào giấy chứng nhận (sổ đỏ) mà thôi.
Bản chất của việc ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ là xác định chính xác thành viên nào trong gia đình là chủ thể, là người có quyền sử dụng đất. Đảm bảo tính chặt chẽ trong pháp lý, giảm thiểu việc tranh chấp, đảm bảo quyền minh bạch trong giao dịch, việc hỗ trợ trong đề bù GPMB.
Phân tích một ví dụ điển hình, ông Phấn nhấn mạnh, trường hợp nhà nước giao đất cho hộ gia đình cá nhân, tại thời điểm giao hộ có 4 người gồm ông bố, bà mẹ và 2 người con. Sau đó phát sinh thêm 2 nhân khẩu mới thì hai nhân khẩu này không có quyền gì cả, không thể đòi được ghi lên sổ đỏ hộ gia đình. Cần phải rạch ròi ở chỗ hộ khẩu là để quản lý thường trú của người dân, còn giấy chứng nhận - sổ đỏ là ghi quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất.