Lúng túng triển khai trí tuệ nhân tạo trong trường học

Thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030” do UBND TPHCM ban hành, từ năm học 2022-2023, TPHCM thí điểm giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) tại các trường phổ thông. Qua 2 năm thực hiện, AI đã thổi làn gió mới vào việc nâng cao chất lượng dạy học, song chưa thể triển khai đại trà ở các cấp học.

J1a.jpg
Học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) tham gia Ngày hội giáo dục STEM năm học 2023-2024. Ảnh: MINH THƯ

Trăn trở nguồn lực triển khai

Giờ học môn Lịch sử - Địa lý tại lớp 6A14, Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình) mới đây mang đến cho học sinh trải nghiệm mới lạ bằng việc ứng dụng công nghệ nhưng không yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại di động.

Cô Cao Thị Nguyệt, giáo viên phụ trách tiết học, cho biết, thay vì học sinh dùng điện thoại quét mã QR trả lời câu hỏi của giáo viên thì các em được phát những tờ giấy A4 in sẵn mã QR là số thứ tự học sinh trong lớp. Ở bốn góc của tờ giấy là các ký hiệu quy ước với các đáp án a, b, c, d của câu hỏi trắc nghiệm. Sau mỗi câu hỏi của giáo viên, học sinh chọn đáp án nào thì xoay tờ giấy và đưa góc đó lên.

Giáo viên đứng trên bục giảng sử dụng điện thoại di động có kết nối internet để quét mã QR câu trả lời của học sinh. Kết quả học sinh lựa chọn sẽ được tổng hợp và gửi về máy tính của giáo viên. Với cách làm này, giáo viên chỉ cần in các bộ mã một lần và sử dụng cho nhiều lớp học.

Tại tiết học Giáo dục công dân của học sinh lớp 9/1, Trường THCS Phan Sào Nam (quận 3) với chủ đề “Lòng biết ơn”, giáo viên hướng dẫn học sinh thiết kế thiệp tặng ba mẹ trên nền tảng công nghệ AI. Hoạt động này vừa giúp học sinh có thêm trải nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin vừa mang lại không khí học tập vui tươi, học sinh nhớ lâu kiến thức.

Các giáo viên cho biết, hiện nay nhiều ứng dụng dạy học đã được tích hợp AI để tăng tính năng hỗ trợ giáo viên. Theo đó, công cụ AI có thể giúp giáo viên soạn thảo bài giảng, xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, thiết kế trò chơi, tạo video, vẽ tranh, chuyển đổi văn bản thành lời nói…

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến các thầy, cô giáo ngại sử dụng các phần mềm công nghệ là phải mất phí khi sử dụng các ứng dụng. Để gỡ “nút thắt” về chi phí, theo cô Cao Thị Nguyệt, giáo viên có thể khai thác các phần mềm miễn phí như Quizizz, ClassDojo, Padlet…, hoặc nhiều người dùng chung một tài khoản đối với các ứng dụng có thu phí để tiết kiệm hơn.

Ngoài ra, thầy Nguyễn Trường Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức) nêu thực tế, trường học đang lúng túng triển khai AI trong dạy học là do thiếu giáo trình và giáo viên được đào tạo bài bản về AI.

Tuy nhiên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng AI vào dạy học, đội ngũ nhà giáo phải chủ động tiếp cận, hiểu biết về AI chứ không thể đợi các chuyên gia AI làm về giáo dục.

Khắc phục tâm lý ngại thay đổi

TS Ngô Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm đào tạo tài năng Cotai - đơn vị phối hợp triển khai thí điểm môn học AI tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), bày tỏ: “Hiện nay học sinh rất nhanh nhạy về công nghệ, trong khi một bộ phận giáo viên ngại thay đổi nên không theo kịp sự phát triển của công nghệ. Nếu trường học chờ cơ chế, chính sách rồi mới thực hiện thì sẽ trở thành lạc hậu. Thay vào đó, các thầy, cô giáo hãy mạnh dạn làm, sai ở đâu thì rút kinh nghiệm ở đó”.

J4a.jpg
Học sinh tham gia Ngày hội giáo dục STEM năm học 2023-2024 do Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, TPHCM tổ chức. Ảnh: MINH THƯ

Cùng quan điểm, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý học sinh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện tại, giúp mở rộng không gian lớp học, tăng tính tương tác giữa học sinh và giáo viên, qua đó cá nhân hóa quá trình giảng dạy. “AI không thay thế giáo viên mà chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ.

Và vì không có công cụ hỗ trợ nào hoàn hảo nên cần vai trò dẫn dắt của người thầy. Làm tốt được việc này, các thầy, cô giáo không còn lo ngại học sinh thụ động lệ thuộc vào công cụ, đối phó vì điểm số”, ông Phạm Đăng Khoa nêu ý kiến.

Trong điều kiện cơ sở hạ tầng của trường học còn hạn chế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc gợi ý, tùy vào điều kiện thực tế, trường học có thể đưa AI vào giảng dạy trong chương trình nhà trường, hoạt động chuyên đề, ngoại khóa, câu lạc bộ, sân chơi học thuật…

Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã “đặt hàng” Trường Đại học Sài Gòn xây dựng chương trình giảng dạy AI cho học sinh ở các bậc học. Đây được xem là một trong những cơ sở quan trọng để đẩy mạnh việc triển khai chương trình một cách đại trà tại các trường học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Tin cùng chuyên mục