Lương “người trẻ”

Lương “người trẻ”

Vấn đề mà nhiều bạn trẻ như tôi quan tâm khi ra trường và kiếm việc làm là chuyện lương bổng. Không thể phủ nhận thực tế, nhiều người cố chọn cho mình một chỗ làm việc thật tốt. Mối quan hệ với đồng nghiệp, môi trường và tính chất công việc, khả năng thích nghi, thời gian… là những điều kiện quan trọng, nhưng tiên quyết hơn cả vẫn là lương.

Minh họa: P.S.

Minh họa: P.S.

Nhiều người hay quan niệm rằng, chỉ ai đã trưởng thành về sự nghiệp mới quan tâm đến lương bổng, còn sinh viên mới ra trường hay đi làm được vài năm thì không quan trọng vấn đề này. Trong cuộc gặp mặt lớp cũ hồi cấp 3 mới đây, đề tài được bàn tán nhiều nhất của lớp tôi là chuyện công việc, là lương bổng. Mọi người so sánh với nhau về mức lương, rồi họ đùa nhau về chuyện lương thấp - lương cao.

Một cậu bạn hồi còn học cùng cấp 3, khi ấy nếu so ra thì tôi và hắn là “đồng sàng”, nhưng sau khi ra trường thì hai đứa lại “dị mộng”. Mơ ước làm giàu, đổi đời thôi thúc bạn tôi học ngành quản lý ngân hàng, còn tôi đi theo con đường công nghệ khô khan với những thứ máy móc. Sau gần 6 năm gặp lại, bạn tôi thông báo mức lương cứng cho cả lớp biết, tất nhiên là đã lên chức quản lý nhóm một ngân hàng nổi tiếng. Tôi nhẩm lại so sánh: mức lương gấp hơn 10 lần của mình và đã lên làm quản lý, còn mình vẫn mãi lèn quèn, không biết bao giờ ngước mặt lên nổi. Tôi còn nhớ mãi câu nói của mấy đứa bạn cùng lớp trước khi chia tay: “Mày sống an phận quá. Như thế thì biết bao giờ mới đổi đời?”.

Tôi tốt nghiệp ra trường thuộc khối khoa học kỹ thuật, về quê nhà trầy trật làm ba bốn chỗ. Không hẳn là đứng núi này trông núi nọ, vấn đề chỉ là… lương. Người ta trả lương quá thấp, sao sống nổi. Mà nơi tôi đang làm là một cơ quan hành chính nhà nước, mức lương thật chẳng đủ chi tiêu. Mỗi đợt tăng bậc lương 3 năm một lần, mỗi lần tăng không quá 200.000 đồng. Giá cả leo thang không chờ lương, mà lương mỗi lần tăng thì phải chờ các bộ, ngành ở Trung ương.

Có đôi lần, tôi làm một cuộc thăm dò những người trẻ tuổi xung quanh và thu được kết quả: hầu hết thanh niên đều không hài lòng về mức lương của mình. Chính vì thế mà chị tôi - chuyên viên của một cơ quan, sau 8 giờ làm mỗi ngày trên cơ quan, tối về lại cặm cụi ngồi tô vẽ, cắt dán giấy để dạy thêm cho các bé lớp… mầm non, gia sư một tháng chỉ được 500.000 đồng để cải thiện thu nhập. Những người còn lại, cũng nhấp nhổm ý tưởng muốn nhảy việc, hoặc không ngồi chờ “sung rụng” từ chính đồng lương của mình. Cậu bạn thân của tôi thời nối khố cũng tập tò làm thêm ngoài giờ, khi thì hùn vốn chơi cây cảnh, lúc thì mở quán cà phê… đều thất bại. Đau nhất là đợt thế chấp con xe để “chung lưng” mua bán đất cùng một cò bất động sản, miếng đất nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, thế là đi tong.

Tôi không hình dung với mức lương hiện tại, trong tương lai tôi sẽ có được gì? Chưa gia đình, chưa con cái, lương tháng bay cái vèo, đôi lúc còn về ngửa tay xin tiền gia đình. Ra ngoài bây giờ, đụng cái gì cũng tiền, nhiều lúc tôi tự “hãm” mình vào cái khuôn nhỏ bé của những mối quan hệ xã hội, nhưng chẳng cải thiện được là bao. Tôi cũng đang tính năm bảy đường tìm thêm công việc, cái gì cũng được, miễn có tiền và không vi phạm pháp luật. Nghĩ thì dễ nhưng làm mới thấy khó làm sao.

Mộc Lan (Quy Nhơn - Bình Định)

Tin cùng chuyên mục