Có lần Lưu Quang Vũ nói với tôi: “Không có cái chết. Đám ma chỉ là một cuộc diễu hành, đi qua cánh cổng của chiều không gian khác. Sống như đang còn sống, mình sẽ ở bên nhau”.
Lưu Quang Vũ mắt nâu, tóc mượt, cười tủm tỉm, một buổi sớm mai ghé thăm, ôm một chồng thơ đến tặng: “Đây là những tập thơ mới in. Trong mấy tập thơ của tôi, ông thích tập nào?”.
1. “Mây trắng của đời tôi”
Trong những tập thơ của Vũ, tôi thích tập Mây trắng của đời tôi, in năm 1988, gồm 30 bài, viết trong khoảng thời gian 20 năm. Những năm chúng mình làm thơ, không nghĩ đến kịch, không nghĩ đến phim, không nghĩ đến một thứ gì khác. “Dành cho em, thao thức của đời anh/Ngọn đèn sáng trên mặt bàn anh viết/Những đôi cánh mơ hồ ẩn hiện/Cả mũi tên không tới đích bao giờ”.
Tôi nói với Vũ: “Tôi thích Mây trắng của đời tôi, bởi nó đúng là ông, bởi nó sẽ tan biến đi, giống như ông, là toàn bộ sự tồn tại, sự bí ẩn, là mũi tên không tới đích bao giờ. Bởi vậy, nó cũng chính là tôi, tan biến như một đám mây…”.
Còn những tập thơ khác? Rất tuyệt vời! Cả tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Ở đời có những cái thích và những cái tuyệt vời. Cái tuyệt vời là để chiêm ngưỡng. Còn cái thích là của mình. Nó thuộc về mình.
2. “Ta cùng nhau đi hết ánh trăng này”
Lưu Quang Vũ có vài cuộc tình, những người đàn bà đẹp đã yêu Vũ. Cho đến mối tình của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, trải qua 15 năm cho đến khi tai nạn xảy ra ở chân cầu Phú Lương. Cả Vũ, Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ đã sang một chiều không gian khác. Họ vẫn mãi mãi ở bên nhau: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/Ta đã có những ngày vui sướng nhất/Đã uống cả men nồng và rượu chát/Đã đi qua cùng tận của con đường/Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt…”.
Cánh cổng để đi vào những chiều không gian vô tận đã mở. Tạm biệt Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ! Chiếc thuyền buồm cổ xưa bay lên không trung, trong ánh trăng, qua những vì sao, đưa các bạn về với hành tinh nhỏ ở cuối thiên hà: “Ta cùng nhau đi hết ánh trăng này/Một thành phố khác một bờ biển khác”. Hôm nào trở lại xin hãy nhắn tin!
3- “Mùa hè đang đến” và “Người kép đóng hổ”
Đó là hai tập truyện ngắn của Lưu Quang Vũ thấm đượm những hồi ức, những xao động của một đời người. Những nhân vật trong chuyện như những người quen biết trở về từ những kiếp nào xa xưa của Vũ. Đêm giao thừa năm ấy, Người kép đóng hổ, Đứa con, Anh Thình, Đào Như … đứng bên nhau như một giấc mơ, mơ về một cuộc đời hạnh phúc. Nhà văn Đỗ Chu, một người bạn chân tình, nói về truyện ngắn của Lưu Quang Vũ: “Những mất mát, cay đắng cuộc đời, không dập tắt được những gì tốt đẹp, những ước mơ hạnh phúc”.
4- Những vở kịch giữa cuộc đời
Ngày 21-2-1981, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, thân sinh Lưu Quang Vũ, mất ở Nhà hát lớn TP Hà Nội vào đúng giờ mở màn khi ông và bà đến xem trình diễn một vở kịch.
Từ năm 1981 - 1988, chừng 7 năm, Lưu Quang Vũ viết trên 50 vở kịch, được trình diễn trên khắp đất nước, gây chấn động cho hàng chục vạn khán giả. Tôi và chúng ta, Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá, Chết cho điều chưa có, Khoảnh khắc và vô tận, Vụ án 2.000 ngày, Điều không thể mất…
Năm cuối đời 1988, Vũ nói: Muốn viết Cái chết của con chim sâm cầm và nhiều vở kịch khác nữa. Vũ mong muốn làm thơ trở lại như ngày xưa. Nhưng tất cả đã không còn kịp nữa rồi! Rất nhiều hoa tiễn đưa con người “Luôn mắc nợ những chuyến đi/Những giấc mơ điên rồ/Những ngọn lửa không có thật!”.
5- Vĩ Thanh - Đón Vũ từ chiều không gian khác trở về
Vũ trụ có nhiều chiều không gian. Và thời gian cũng vậy. Người ta có thể quay trở lại… Vũ thường nói về tình bạn: “Nếu không có bạn thì buồn lắm, mà buồn nhiều thì sẽ chẳng làm được cái gì”. Vũ có nhiều bạn, ở khắp mọi miền. Hải Phòng - thành phố nơi tôi ở, Vũ thân với “những nhà thơ cửa biển”, ngày xưa cũng như bây giờ, bao giờ cũng yêu mến Vũ. Có một cơn mưa rào không - thời gian, đưa Vũ trở về. Đây là một cảnh tượng thực, tôi chỉ thuật lại, chứ không sáng tác, cũng như tất cả những gì tôi đã viết từ xưa…
Mùa hè, Lưu Quang Vũ xuống Hải Phòng. Thành phố những năm chiến tranh, những chụp đèn phòng không sũng nước. Ánh sáng soi vào những lá cây sáng lên như vàng, trong đôi mắt to buồn bã của Vũ: “Con tàu về cảng đêm mưa/Ngã tư ngô đồng rụng lá/Con sông mờ, thân cầu đổ/Dãy nhà hoang ống khói âm thầm”.
Những bạn bè thân thiết từ chiến trường trở về cùng mấy người bạn nữa đợi Vũ ở quán ăn đêm của công nhân bốc xếp cảng. Cái quán ăn dã chiến ồn ào, chen chúc những tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi vây quanh nồi nước dùng to tướng, ngùn ngụt khói, đặt ở góc nhà. Những người thủy thủ bạn tôi cầm cốc lại bàn chuốc rượu. Mừng các nhà thơ, mừng Vũ xuống Hải Phòng! Mừng các thủy thủ phá lôi của ta mở luồng Nam Triệu! Có đủ lý do để uống cho say. Rượu Đồng Tháp đỏ như lửa, tưởng như không bao giờ cạn. “Hắn không có vẻ gì là thủy thủ nhưng hắn gợi cho người ta nhớ đến biển”. Một câu tả chân dung trong cuốn “Đảo giấu vàng” của Xtivensơn, giống như Vũ.
Ngày đó, ngồi ở đây, dù không là thủy thủ nhưng nhìn nhau người ta cũng thường liên cảm tới một cái gì vừa gần gũi vừa dữ dội, như thể là biển, là những ngọn sóng trào đang vây quanh bàn rượu, như lời một bài hát: “Giữa hai ta là một biển sóng cồn/Từ những ngày xưa cũ/Biển gầm giữa hai ta/Vì những ngày xưa cũ/Bạn thân yêu ơi/Xin hãy cùng nhau cạn chén ân tình”…
Vậy mà đã nhiều năm trôi qua, không quên được bạn bè, không quên được những cơn mưa rào ngoài biển, không quên được Vũ.
“Bỏ phố phường bỏ dòng sông anh tìm đến biển/Dù muộn mằn dù tê dại bàn chân/Trước mắt ta là khoảng vô cùng/Mặt trời như cốc rượu nhớ mong/Ta gửi lại muôn đời trên mỏm đá”.
Vũ đã đi rồi, cơn mưa cũng đã về với biển. Bạn bè rồi ai cũng sẽ thành sóng bạc đầu. Chỉ có chén rượu nhớ mong trên mỏm đá ngày xưa sao vẫn còn mãi mãi!
Kỷ niệm ngày sinh Lưu Quang Vũ (17-4-1948).
NSND ĐÀO TRỌNG KHÁNH