Chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ 15 và hạ cánh xuống sân bay Kuala Lumpur lúc 18 giờ nhưng đồng hồ của tôi chỉ 19 giờ, tức lệch với múi giờ ở nước ta đúng 1 giờ. Trời quang, nhờ ngồi ghế sát cửa sổ nên tôi quan sát thấy rõ màu xanh của khu rừng cọ trải dài tít tắp từ đồng bằng đến tận chân núi ngút ngàn. Đến khi máy bay hạ độ cao đáp xuống sân bay Kuala Lumpur, tôi vẫn thấy màu xanh của núi rừng và cây cọ. Tôi chợt nghĩ: giá như rừng ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ của dãy Trường Sơn được giữ gìn như nước bạn sẽ quý biết dường nào?
Đền tháp Hồi giáo được xây dựng tại thủ đô mới
Thủ phủ Kuala Lumpur
40 phút đi xe buýt từ sân bay về tới thủ đô Kuala Lumpur, trời nhá nhem tối nhưng vẫn nhìn rõ quang cảnh. Hai bên đường, trước sau cũng thấy cây xanh và rừng cọ tới sát khu nội ô. Hôm trở ra sân bay vào buổi sáng, tôi tranh thủ quan sát một lần nữa nên không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, ở khu vực không gian quanh sân bay Kuala Lumpur vẫn có những khối cây xanh đan xen.
Một điểm nữa của thủ đô là ban ngày rất ít người ra đường, không có cà phê quán cóc; trên đường chỉ có xe ô tô tay lái nghịch, hiếm thấy xe hai bánh và cảnh sát giao thông. Công nhân đi làm bằng xe hơi và ở những khu chung cư rộng thoáng, nhà xây một tầng đồng dạng, có chỗ để xe trước sân nhà.
Đêm xuống, bên ngoài trời se lạnh. Chúng tôi đi từ những khu nhà mới xây cao tầng lộng lẫy đến những khu phố cổ… ở đâu cũng thấy yên tĩnh, không có ai bày bán trên vỉa hè. Nhà phố cũ của người Hoa có lối kiến trúc như khu vực Chợ Lớn, còn người bản địa xây theo kiểu đền đài của Hồi giáo. Một nét văn hóa tương đồng không lẫn vào nhau; chỉ khác, ở phố người Hoa buôn bán sầm uất, còn phố người Mã đóng cửa im lìm. Trước khi dạo phố, chúng tôi dùng cơm ở quán gắn biển hiệu tiếng Hoa, tuy chủ quán gốc người Hoa nhưng nhân viên hầu hết là người bản địa, các món ăn đều có gia vị thực vật (giống như các vị thuốc Nam, thuốc Bắc bên mình) và không bán rượu bia, thuốc lá. Đó là luật bất thành văn của người Hồi giáo bản địa.
Sáng hôm sau, chúng tôi tham quan thủ phủ mới kiến thiết của Malaysia và nhận thấy những khối nhà cao tầng mới xây tương phản với những cụm dân cư ở phố cũ rất rõ. Khoảng không đan xen những khối nhà cao tầng là công viên, cụm cây xanh, có nơi còn nguyên trạng khối rừng nguyên sinh. Vì thủ phủ Kuala Lumpur cũ đã quá tải nên Chính phủ cho xây dựng thủ đô mới cách đó khoảng 50km về hướng Tây Nam và quy hoạch xây dựng tối đa không quá 40% quỹ đất đô thị.
Thủ phủ đang kiến tạo nằm bên cạnh một dòng sông. Gần đó có một đền thờ Hồi giáo to gấp 10 lần đền thờ chính ở thủ đô Kuala Lumpur do một doanh nghiệp xây tặng. Đứng trên cây cầu dây văng có thể quan sát thủ đô mới trong khoảng không rộng ngút ngàn đến tận dãy núi xa xa. Những ngôi nhà cao tầng nhô lên bên cạnh rừng cây xanh, giống hệt TP Đà Lạt vào những năm 50 - 60 của thế kỷ trước.
Trên cao nguyên Genting - Convennience
Những tưởng ở các nước Đông Nam Á, chỉ có TP Đà Lạt của Việt Nam là nơi nghỉ mát tốt nhất, ai ngờ ở bán đảo Mã Lai này cũng có khu rừng nguyên sinh đã hình thành một khu nghỉ mát từ thập niên 60 và nay vẫn giữ được sắc thái thuở ban đầu. Đó là cao nguyên Genting - Convennience ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Sau hơn một giờ đi xe buýt từ Kuala Lumpur (thủ đô cũ), chúng tôi có mặt dưới chân cao nguyên Genting - Convennience khoảng 6 giờ chiều, gửi hành lý rồi theo cáp treo chạy một mạch tới đỉnh để nhận phòng ở. Bên ngoài vẫn còn ánh sáng mặt trời, song hơi sương đã bốc lên từ rừng cây lan tỏa bao trùm cả khu nghỉ mát rộng hàng ngàn hécta.
Sau giấc ngủ dài trong phòng khách sạn không có máy lạnh, quạt điện nhưng vẫn đắp mền như ở Đà Lạt, 7 giờ sáng hôm sau thức dậy, bên ngoài sương mù vẫn đan kín không thấy mặt trời. Cái se lạnh thấu vào người như có cảm giác mình đang đứng trên đỉnh Langbian ở Tây Nguyên.
Cao nguyên Genting - Convennience khoảng 60.000ha (Đà Lạt gần 50.000ha) nhưng Chính phủ Malaysia chỉ cho doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ mát 1.600ha, toàn bộ diện tích còn lại là rừng nguyên sinh không được phép khai thác, xây dựng, khai hoang dưới bất cứ hình thức nào. Trong 1.600ha, mật độ xây dựng cũng chỉ được phép 40%, bao gồm cơ sở hạ tầng, đường giao thông, văn phòng, cáp treo… phần còn lại là rừng nguyên sinh và trồng bổ sung cây xanh vào chỗ trống, có nhiều cây tùng, cây thông 3 lá mới trồng chừng vài ba năm.
Theo anh hướng dẫn viên du lịch, nơi đây vốn là khu rừng hoang dã, vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, một người Mã Lai gốc Hoa đi tìm cây thuốc phát hiện và sau đó làm nơi nghỉ dưỡng. Sau thời gian phát triển thành khu nghỉ mát, những năm 70, ông chủ gốc Hoa cho xây dựng sòng bài như một Las Vegas thu nhỏ và từ đó đến nay nơi đây phát triển liên tục với quy mô một khu nghỉ dưỡng hàng đầu của châu Á.
Thương hiệu hàng đầu châu Á có thể có nhiều tiêu chí: Ngoài việc làm khu nghỉ mát, không có khu dân cư, rừng không bị xâm hại, nhưng bên trong là một thành phố hiện đại thu nhỏ. Hiện nơi đây có 5 cụm khách sạn, cụm nhiều nhất có 6.000 phòng, ít nhất 4.000 phòng và đang tiếp tục xây thêm. Các dịch vụ kèm theo như khu trưng bày, mua sắm, ăn uống, giải trí… không thiếu thứ gì và giá cả cũng ngang với giá ở chợ bình dân tại Kuala Lumpur và Bangkok (Thái Lan). Các khu mua sắm, giống như siêu thị ở Việt Nam, nhưng không phải gửi túi xách; người mua tự giác trả tiền, nếu không trả tiền (lấy cắp) sẽ bị xử lý ngay qua sau khi quan sát qua hệ thống camera.
Nhà nước đa sắc tộc
Malaysia là Nhà nước Liên bang thống nhất với 13 bang và 3 lãnh thổ liên bang. Trong đó 2 bang và 1 lãnh thổ liên bang nằm ở phía Đông Malaysia. Chính phủ quản lý thống nhất các bang và liên bang dựa trên nền tảng Vương quốc Mã Lai lịch sử, có 9 trong 11 bang trên bán đảo vẫn duy trì các vương triều gia tộc. Quốc vương được tuyển cử từ 9 bang với nhiệm kỳ 5 năm, tức 9 vị đứng đầu các bang điều có thể được làm vua xoay vần 5 năm một lần. Liên bang Malaysia thành lập từ những năm 1946 - 1948, bao hàm thuộc địa Anh. Chính phủ Malaysia hiện nay là chính phủ quân chủ lập hiến. Quốc vương là nguyên thủ quốc gia, còn thủ tướng điều hành nhà nước trên nền tảng bầu cử tự do gồm nhiều chính đảng; có thượng viện và hạ viện và gần 70% dân số theo đạo Hồi, ngôn ngữ chính dùng tiếng Mã Lai theo mẫu tự Latin. Những bộ luật ra đời dựa trên nền tảng đạo Hồi, tuy có những đạo luật mới cởi mở hơn nhưng nhiều qui ước “bất thành văn” của đạo Hồi không thể bãi bỏ như đàn ông được quyền cưới 4 vợ, cấm uống rượu bia, thuốc lá, cờ bạc, mại dâm… vì thế trong khách sạn, nhà hàng không có dịch vụ massage, xông hơi, bán rượu bia, thuốc lá.
Lần đầu tiên tôi đến một nước Hồi giáo đa sắc tộc, trên 140 thổ dân bản địa, sinh sống nơi hàng trăm đảo và hai bán đảo lớn (cách nhau bởi phần biển Đông) với tổng diện tích trên 329.000km², dân số khoảng 28,5 triệu người, chưa bằng 1/3 dân số Việt Nam. Ngoài các sắc tộc bản địa với hàng trăm ngôn ngữ, còn có những người nhập cư đến từ các nước phương Tây, Tây Á, Đông Á, Ấn Độ, Trung Hoa… trong đó người Hoa chiếm khoảng 25% dân số, Ấn Độ trên 7%.
Điều đặc biệt tôi quan tâm là phần lớn diện tích tự nhiên của Malaysia là đảo và rừng núi, dường như không có đồng bằng ruộng lúa và thời tiết tương đồng với phía Nam của Việt Nam. Các thổ dân sinh sống nơi rừng thiêng nước độc nhưng họ vẫn khỏe mạnh nhờ cây trái trong rừng hoang, có những bộ tộc lạc hậu chưa tiếp cận với nền văn minh loài người. Hiện người dân Malaysia được hưởng quỹ phúc lợi xã hội tương ứng như ở một số nước phương Tây, đó là đi học, khám chữa bệnh, trợ cấp xã hội miễn phí.
Những ngày ở Malaysia tôi còn tìm hiểu và quan sát thấy đất đai thổ nhưỡng rất phù hợp với các loài cây ăn quả, cà phê, ca cao... Chính phủ quy hoạch khuyến khích người dân trồng cây, tham gia sản xuất nhưng rất ít thổ dân hưởng ứng, có lẽ họ quen sống với tập quán cũ, hơn nữa lại được Chính phủ tài trợ nên không có khái niệm nghèo đói, vấn nạn cờ bạc, mại dâm, cướp giật…
PHẠM THÁI