
Người sáng lập Cơ sở may ráp áo len xuất khẩu Nắng Mai (60B Hùng Vương, Đà Lạt) là anh Nguyễn Như Đại, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Tricot. Sau khi tham dự một số buổi sinh hoạt của những người khuyết tật, cảm thông với những số phận không may trong xã hội, anh đã bỏ vốn để thành lập cơ sở này vào năm 2002.

Dây chuyền may ở cơ sở Nắng Mai.
Thông qua sự giới thiệu của CLB Người khuyết tật TP Đà Lạt, 35 người khuyết tật (NKT) đã tìm đến với cơ sở ngay từ những ngày đầu. Đến cơ sở Nắng Mai, NKT được lo nơi ăn chốn ở và đào tạo nghề miễn phí. Sau khóa đào tạo, họ được bố trí công việc phù hợp ngay tại cơ sở và ăn lương theo sản phẩm. Công việc của những công nhân khuyết tật ở đây là lắp ráp, hoàn tất sản phẩm áo dệt kim theo đơn đặt hàng của Công ty Đà Lạt Tricot.
Khi mới thành lập, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện sinh hoạt đặc thù của NKT và do NKT vốn quen làm những công việc rất tự do như bán vé số hoặc không có công ăn việc làm. Phải sống trong điều kiện lao động gò bó theo giờ giấc, khuôn phép và ăn ở tập thể đối với họ là một khó khăn. Nhưng cuối cùng họ cũng vượt qua được để gắn bó với cơ sở.
Anh Nguyễn Hoàng (33 tuổi, quê ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết: “Trước đây, tôi đi bán vé số, long đong mưa nắng mà thu nhập lại thất thường. Từ năm 2002, tôi vào làm tại cơ sở, công việc ổn định, thu nhập cũng khá hơn”.
Hiện nay, mức lương của công nhân bình quân khoảng 450 - 600 ngàn đồng/tháng; có người lên đến 1,2 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định, được bố trí chỗ ở và bữa cơm trưa miễn phí nên nhiều công nhân còn dành dụm được tiền để gửi về giúp đỡ gia đình.
Không những ở tỉnh Lâm Đồng mà nhiều NKT ở tận Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tây… cũng tìm vào cơ sở Nắng Mai làm việc. Chị Nguyễn Thị Túy, quê ở Hà Tây, bị sốt bại liệt teo cơ một chân từ nhỏ, tâm sự: “Từ hơn một năm nay vào làm tại cơ sở này, thu nhập của tôi được 400 - 500 ngàn đồng/tháng…”.
Hiện nay, cơ sở đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 50 NKT trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Bá Tánh, người trực tiếp quản lý cơ sở, trăn trở: “Người tìm đến với cơ sở ngày một nhiều nhưng cơ sở không có đủ mặt bằng để mở rộng nhà xưởng. Mong muốn của chúng tôi là được tỉnh giúp đỡ bố trí mặt bằng để mở rộng sản xuất, giải quyết thêm công ăn việc làm cho người khuyết tật”.
Không những quan tâm đến đời sống vật chất, cơ sở Nắng Mai còn chú ý đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Vào các ngày cuối tuần, công nhân của cơ sở thường được dự các buổi họp mặt, sinh hoạt, giao lưu văn hóa. Mối quan hệ giữa mọi người trong cơ sở vì vậy càng thêm thân mật.
Nam Viên