Mãi mãi xứng danh Thành phố anh hùng

Mãi mãi xứng danh Thành phố anh hùng

Tết Bính Tuất 2006 này, tôi xin phép bắt đầu bài viết về TPHCM khi còn gọi là Sài Gòn bằng trích một số đoạn chủ yếu trong một bài viết khác của tôi vào Tết Ất Tỵ 1965 - cách nay đúng 41 năm. Bài viết đó đăng trên báo Giải Phóng xuất bản ở chiến khu và được Thông tấn xã Giải phóng cùng Đài Phát thanh Giải phóng truyền tải, với tựa “Một thành phố đặc biệt”

Cái đặc biệt của thành phố Sài Gòn không chỉ ở chỗ nó có những thời kỳ oanh liệt trong quá khứ mà chính ở chỗ nó đang có một hiện tại đáng ca ngợi.

Người dân Sài Gòn không an ủi mình bằng những truyện thần kỳ trong truyền thuyết, không mượn anh linh của người xưa để hãnh diện. Ra đời cách đây vài trăm năm, Sài Gòn được xếp vào lứa thanh niên trong hàng ngũ các thành phố lớn trên thế giới. Nhưng, quả thật đó là một thành phố “tuổi trẻ mà tài cao” và Sài Gòn không phải chờ nhiều thế kỷ mới tạo nên cho mình sự nghiệp hiển hách.

Sài Gòn là một thành phố lớn, không phải vì những lâu đài tráng lệ, những công trình văn hóa kỳ cựu mà ở đây không có, càng không phải vì dân số hai triệu người. Sài Gòn lớn vì những người dân bình thường của nó. Nhân dân Sài Gòn rất tự hào vì quá khứ và nhân dân Sài Gòn còn tự hào hơn nữa vì hiện tại. Quá khứ và hiện tại của Sài Gòn không bị gãy khớp. Hôm nay tiếp tục và phát huy một cách sáng tạo và phong phú hôm qua. 

Mãi mãi xứng danh Thành phố anh hùng ảnh 1

Ngày xuân ở chợ Bến Thành. Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Có người nói Sài Gòn là một thành phố ăn chơi. Thậm chí có người rất thành kiến với dân Sài Gòn. Đó là quan điểm xét Sài Gòn qua những “buyn đinh” Mỹ, qua xe Huê-kỳ, qua tiệm nhảy phực đèn xanh đèn đỏ, qua các rạp hát chuyên trình diễn điệu “tuýt” dậm dật, qua các quán ăn, qua những cuộc đâm chém, cướp giật. Nhưng Sài Gòn đâu phải chỉ có bao nhiêu thứ đó và bao nhiêu thứ đó đâu phải tiêu biểu cho Sài Gòn.

Ai cũng biết những cuộc đấu tranh trước đây của công nhân Ba Son, Xi-mắc, Pha-xi, Hỏa xa, ai cũng biết tại Sài Gòn đã có hàng ngàn cuộc biểu tình, đình công, bãi khóa, mít tinh trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ nổ ra có tính cách quyết định tại Sài Gòn và nhân dân cả nước Việt Nam bắt đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp cũng tại Sài Gòn. Sài Gòn có Lê Văn Tám, có phong trào Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, có những vụ trừng trị giặc Pháp xuất quỷ nhập thần nổi tiếng, có các phong trào quần chúng chống thực dân Pháp quyết liệt.

Từ 1954, Sài Gòn đã viết tiểu sử của mình bằng các cuộc đấu tranh trong những ngày 1-5 và 20-7, bằng phong trào hòa bình và phong trào cứu tế. Gần đây Sài Gòn làm cho thế giới kính phục vì phong trào nhân dân mượn hình thức là phong trào Phật giáo, vì phong trào học sinh, vì cuộc biểu dương lực lượng của hàng chục vạn công nhân mà dải hoa xanh Vimytex - trang phục của nữ công nhân - đi đầu, bằng tiểu đội Lê Quang Vịnh, bằng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang.

Sài Gòn lớn, chính vì nó có những ngõ hẻm tối, có những xóm nhà lá lụp xụp, có Bàn Cờ, Ngã Sáu, Máy Đá, Vườn Lài, có chợ chồm hổm Năng- xi, có những người thợ thất nghiệp, có những gia đình quanh năm sống dưới gầm cầu. Sài Gòn lớn vì những cuộc đấu tranh đến đổ máu chống áp bức, chống khủng bố, chống bọn cầm quyền cướp nước và bán nước, vì những hành động ly kỳ của Biệt động quân Giải phóng, vì những lá cờ, những tờ truyền đơn có mặt đột ngột ở những nơi hiểm hóc nhất. Nó càng lớn hơn nữa, vì dân Sài Gòn đánh giặc bằng tay không, lấy trái tim cự lại chiến xa, xe vòi rồng, lưỡi lê tại đầu não của kẻ thù. Thế mà bao nhiêu tên giặc và Việt gian bạc râu, bạc tóc vì dân Sài Gòn!

Sài Gòn lớn vì sự trinh trắng của dân Sài Gòn trước bao nhiêu cám dỗ, đe dọa không lung lay nổi ý chí sắt đá thì những tà khí làm sao mờ ám nổi những con người tuy suốt mấy trăm năm mà trải qua vỏn vẹn có 29 ngày dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa nhưng rất nặng tình nặng nghĩa với cách mạng, mong đợi ngày cách mạng trở về và bản thân nỗ lực làm cho ngày về đó đến nhanh chóng! Trong cảnh nô lệ triền miên, người dân Sài Gòn hiểu bằng trái tim sự thiêng liêng của những ngày ngắn ngủi ấy.

Giặc Mỹ thi hành chánh sách thực dân mới ở Sài Gòn. Nhưng người Sài Gòn thì hiểu sự việc theo lối cũ.

Quả thật Sài Gòn có nhiều nhà lầu cao và to hơn trước, có nhiều xe - nghe đâu có 300 ngàn xe tự động. Nhưng nếu bóng những cái buyn-đinh không khuất nổi mặt trời và bụi đường không che nổi mặt thật của thành phố thì những sản phẩm Hoa Kỳ dầu hết sức hào nhoáng, cũng chỉ có thể là bằng chứng buộc tội gắt gao chủ nghĩa thực dân Mỹ, dầu được hiện đại hóa theo kiểu nào đó.

Hoa Thịnh Đốn từng mơ ước biến Sài Gòn thành tủ kiếng trưng bày lối sống Mỹ ở tại Đông Nam Á. Lối sống đó quả đã được trưng bày, nhưng nó có thể hấp dẫn được người ta hay không - chưa nói Đông Nam Á vội, chỉ nói Sài Gòn thôi - thì lại là việc khác. Tất nhiên, không phải không có những kẻ lạc loài, nhưng xét Sài Gòn một cách trung thực, phải đứng từ phía nào, từ phía những nhúm bơ vơ, xưa kia chuyên bợ đít Tây, bây giờ vẫy đuôi với Mỹ, hay từ phía đông đảo những người lương thiện? Đứng về phía sâu lắng bên trong của con người hay qua cái vỏ sơn son thếp vàng bằng đồ mã của những cái nhà giàn chuyên chở thây ma mướn?...

Một số người có thói quen nhắc đến Sài Gòn với những tên Mỹ ngậm kẹo cao su, đụng ai cũng gây sự và ngông nghênh. Tất nhiên có việc đó thật. Nhưng, nếu nghĩ rằng Mỹ bằng lòng với cảnh “ngoan ngoãn” của người dân Sài Gòn thì lầm to. Những chiếc xe buýt cồng kềnh chở toàn lính Mỹ đều có mang sau đít, bên hông hàng chữ: “Cấm đi gần, nguy hiểm”. Nhà Mỹ ở được bảo vệ bằng những nùi kẽm gai, những thùng xăng đựng cát, những bao cát như những cái đồn thực sự, lúc nào cũng có những tên Mỹ tay lăm lăm khẩu AR15, chỉ ló cái đầu qua lỗ châu mai nhỏ xíu. Vẫn chưa yên tâm, nó còn che thêm cả một lưới kẽm đến tận lầu 2, lầu 3 để ngăn lựu đạn. Trước cửa các cơ quan dân sự và quân sự quan trọng, Mỹ chặn cả hai phần ba mặt đường, không cho xe cộ chạy gần và viết luôn hàng chữ vôi đậm trên mặt đường: “Không được ngừng, nếu ngừng sẽ bị bắn”.

Một lần, tôi chứng kiến cảnh một đoàn xe Mỹ kẹt trên xa lộ, ngay dốc cầu Phan Thanh Giản. Vì xe đi đầu “ăng banh”, tất cả phải ngừng lại. Bọn quân cảnh Mỹ chận xe cộ ở hai phía, buộc phải chờ chúng chữa chiếc xe hư. Đến cả tiếng đồng hồ, khi chữa xong, bọn quân cảnh thổi còi, đi lùi từng bước, ghìm cò súng, như sợ bị đối phương xung phong!

Mỹ sợ Sài Gòn, chứ không phải nó tung hoành theo ý muốn. Biết bao nhiêu thằng Mỹ không dám đi lẻ, đi các đường hẻo lánh? Biết bao nhiêu đứa bị đánh đổ máu, đổ mủ ở các xóm?

Sài Gòn bị chiếm đóng. Nhưng, đâu phải bất cứ thành phố nào hễ bị chiếm đóng là kẻ thù có quyền làm trời? Sài Gòn cho thấy trước sau nhân dân Sài Gòn vẫn là chủ của thành phố.

Ngụy quyền vừa rồi phải dùng xe vòi rồng. Mấy tiểu đoàn dù và cảnh sát chiến đấu cắm lưỡi lê, bom cay và bom miểng, súng trung liên và cả trực thăng nữa không phải để chọi với Giải phóng quân, mà để đàn áp những học sinh 15, 17 tuổi đưa đám tang em Lê Văn Ngọc bị chính Trần Văn Hương giết! Người ta còn nhớ cách đây ít lâu, bọn cầm quyền phản động ở Sài Gòn bao vây và khủng bố Trường tiểu học Bình Đông. Các em nhỏ từ 7 đến 12 tuổi này có cách trả lời với chế độ tiểu nhân một cách rất độc đáo: các em viết khẩu hiệu phản đối trên các bảng đen nhỏ, mang ra đường và tất cả đều cởi truồng!

Ta yêu Sài Gòn qua khí thế hừng hực của thành phố. Ta yêu Sài Gòn vì ở đây có những thanh niên dám ưỡn ngực đón lưỡi lê như một bức ảnh nghệ thuật đã ghi được. Ta yêu Sài Gòn vì ở đây từng nổi lên ngọn lửa hồng, trong đó Hòa thượng Thích Quảng Đức bình tĩnh hiến thân cho khát vọng hòa bình của dân tộc...

Mãi mãi xứng danh Thành phố anh hùng ảnh 2

Ngày xuân ở chợ Bến Thành. Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Bài báo được viết vào lúc Mỹ đổ thực binh lên đất nước chúng ta, giữa trung tâm Sài Gòn, mọi người dân đều nghe được những tràng bom B52 rung chuyển từ đủ hướng, nghe được pháo phản lực tầm xa bắn vào đất Củ Chi, Bến Cát, thấy được những đàn trực thăng đông như quạ bay qua vùng trời thành phố, đã ngửi được mùi chất độc hóa học theo gió thổi vào thành phố, gặp được trên đường phố những thiết đoàn, những toán quân cả Mỹ lẫn chư hầu, đến nước sông Sài Gòn cũng cảm nhận sự vẩn đục của lô lốc chiến hạm Mỹ...

Mười năm sau ngày bài báo xuất hiện, nhân dân ta đã giành toàn thắng vào tháng 4-1975. Và, điểm biểu trưng cho toàn thắng là giải phóng thành phố Sài Gòn - một hiện tượng giải phóng thành phố thủ đô của quân xâm lược và tay sai theo cách cực kỳ độc đáo: nội thành không đổ nát, không đẫm máu..., trong khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ thuộc loại chiến tranh lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời cũng là cuộc chiến tranh xâm lược loại lớn nhất thế giới hiện đại.

Dẫu sao, bài báo cũng chỉ dừng lại ở trạng thái chiến tranh. Hôm nay, chúng ta bước sang năm thứ 31, ngày Sài Gòn thuộc về nhân dân Việt Nam.

Nhà nước phong tặng cho thành phố Sài Gòn - nay là TPHCM - danh hiệu “Thành phố anh hùng”. Chúng ta hiểu sự phong tặng này là sự công nhận khí phách của thành phố kể từ ngày thành phố thay mặt cho cả nước nghênh chiến với quân xâm lược Pháp vào giữa thế kỷ XIX. Nghĩa là, thành phố xứng đáng với danh hiệu “anh hùng” 145 năm, diễn đạt cách khác, từ nửa thế kỷ XIX, suốt thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Có lẽ trên thế giới không có nhiều thành phố lắm giữ trọn bản sắc anh hùng suốt ngần ấy thời gian, liên quan đến hàng chục thế hệ.

“Anh hùng” toàn diện: anh hùng trên đấu trường gươm súng, trong đọ sức bằng các hình thức chính trị, trên lĩnh vực văn hóa, trong khả năng quy tập và phát huy sức mạnh - không phải tất cả đều sản sinh ngay tại thành phố, mà được chi viện của cả nước; anh hùng trong sáng tạo phương thức đấu tranh, trong sáng tạo công nghệ kỹ thuật, trong sáng tạo văn học nghệ thuật... “Anh hùng” có lớp trẻ, lớp già, nam và nữ, người có và không có tín ngưỡng tôn giáo, người Kinh và những nhóm dân tộc hợp thành cộng đồng thành phố. “Anh hùng” ở chỗ gây cảm tình và tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận thế giới, cảm hóa được những thế lực chống cách mạng quyết liệt nhất, cảm hóa được số người cầm đầu lực lượng xâm lược và chính quyền do đế quốc thiết lập, cảm hóa được công chức hạng cao, tướng lĩnh, nhà kinh doanh cỡ lớn, trí thức đầu đàn.

“Anh hùng” ngay trong thời kỳ bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới trên đất nước đã hoàn toàn giải phóng: ăn bo bo, khoai sùng để có cuộc sống khấm khá như ngày nay. “Anh hùng” nhận được sự đồng tình, góp sức của đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai, Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên. Chúng ta sẽ không đi vào những mặt dù hết sức nổi bật của thành phố bởi nó quá đa dạng, quá phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng, thường đạt độ cao về tư tưởng, tình cảm. Nhân vật tiêu biểu cho thành phố tính bằng con số ngàn, vạn, trên chiến hào, ngoài đường phố, trong nhà tù, trước tòa án, ngay tại nghị viện của chế độ thống trị…

Đổi mới, điểm đặc sắc của nước ta từ Đại hội Đảng lần VI đến nay, mà TPHCM là đội xung kích, đội mở đường, đội dám đặt ra những vấn đề thuộc cục diện chung để xử lý và đẩy đất nước tiến lên. Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII vừa rồi, Tổng Bí thư Đảng nói rõ: Thành phố là đầu tàu phát triển của cả nước và sẽ là trung tâm tài chính, kinh tế, khoa học hàng đầu của Việt Nam. Về điều này, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã từng trao cho thành phố trách nhiệm như thế.

Cái hết sức đúng và cực kỳ cần thiết đối với TPHCM từ nay trở đi là không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên bình độ ngày mỗi cao, không chỉ tự hào với quá khứ, mà muốn tự hào với hiện tại, đặc biệt, với tương lai. Đây cũng là một khía cạnh “anh hùng”, thậm chí khía cạnh chủ chốt: luôn sáng tạo, luôn tìm cái mới, luôn tự đặt cho mình những mục tiêu để vươn lên, tạo sự khác biệt trông thấy giữa ngày mai với ngày hôm nay - sáng tạo lâu dài, bền bỉ. TPHCM là trung tâm của Nam bộ, không chỉ trung tâm về kinh tế, mà chủ yếu trung tâm về vận dụng đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh theo phong cách bác bỏ cái gì lỗi thời, trì trệ, xây dựng những tiêu chí xã hội công bằng, bình đẳng, thoáng mở, trọng hiền tài… như Đảng chủ trương.

Lịch sử chứng nhận thành phố đối lập với chủ nghĩa giáo điều, với khuôn sáo. Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước qua thành phố Sài Gòn đã có nghĩa thành phố công nghiệp với giai cấp công nhân sớm ra đời, với sự tiếp xúc nền văn minh thế giới, tạo cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành vào tuổi 21 những cơ sở của niềm tin chuyển đổi nước Việt Nam.

Trong thử thách mới, không phải thành phố, con người thành phố chẳng vấp váp điều gì đáng trách, trái lại, còn quá nhiều vấp váp, quá nhiều sai sót, có những sai sót nguy hiểm ở bộ phận này, bộ phận khác, có sai sót của người cầm quyền, của đảng viên và của người dân, ở nhiều lứa tuổi. Chẳng mới mẻ gì về những sai sót và sai sót không phải là “đặc sản” của thành phố vào thời kỳ Đảng ta cầm quyền. Cái quan trọng bậc nhất là biết sai sót và nhìn nó một cách trực diện, quắc mắt trước những ngang trái và dũng mãnh tấn công nó.

Thành phố anh hùng vì dân thành phố vốn cuồn cuộn máu anh hùng. Thành phố anh hùng vì không lấy cái nhãn hiệu anh hùng để khoe mẽ, để ẩn náu óc địa phương, mà làm tất cả, tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần vì cả nước, cho cả nước - một cách đền ơn cả nước đã vun đắp cho thành phố thành anh hùng.

Thành phố sẽ mãi mãi xứng danh anh hùng trong những phẩm chất mà tôi vừa nhấn mạnh...

Xuân Bính Tuất 2006 

TRẦN BẠCH ĐẰNG 

Tin cùng chuyên mục