Mài ngọc cho sân khấu

Sân khấu TPHCM năm 2019 khép lại với nhiều thành quả nổi bật, hàng loạt chương trình cải lương, kịch nói, hát bội... sáng đèn liên tục, nội dung, phong cách trình diễn đa sắc, thu hút sự ủng hộ của công chúng TPHCM và khán giả các tỉnh thành lân cận. Đó chính là động lực giúp các sân khấu có thêm tinh thần để tiếp tục duy trì hoạt động và nâng chất. Đặc biệt, lĩnh vực này vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật.
Các nghệ sĩ trẻ tài năng của sân khấu cải lương luôn khát khao cơ hội làm nghề
Các nghệ sĩ trẻ tài năng của sân khấu cải lương luôn khát khao cơ hội làm nghề

Vị thế đội ngũ trẻ

Không thể phủ nhận, bên cạnh dàn nghệ sĩ kỳ cựu vẫn đang gắn bó với hoạt động nghệ thuật, ở lĩnh vực sân khấu, nhiều lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ đang là một lực lượng hùng hậu, góp sức cho sự vận động và phát triển nghệ thuật truyền thống. 

Ở sân khấu kịch, rảo một vòng các sân khấu sẽ thấy rõ có một đội ngũ người trẻ theo đuổi kịch nói. Công tác đào tạo diễn viên trẻ cho sân khấu kịch cũng được các sân khấu xã hội hóa quan tâm. Nổi bật với công việc truyền nghề là Sân khấu kịch Hồng Vân, từ khi mở lớp đào tạo diễn viên mới, sân khấu này đã đón nhận hơn 500 bạn trẻ tham gia, trong đó có một vài gương mặt nổi bật như: Xuân Nghị, Lạc Hoàng Long, Tiến Dũng, Lê Lộc, Đinh Mạnh Phúc... có đủ khả năng đảm nhận các vai đa tính cách, từ chính diện đến phản diện, hài. Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cũng giúp một loạt gương mặt trẻ định hình phong cách diễn xuất, tạo được sức thu hút rất riêng như: Quang Tuấn, Diệu Nhi, Puka, Hoàng Phi, Diễm Phương, Khả Như, Phương Lan... Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh góp phần đưa tên tuổi các gương mặt: Hoàng Vân Anh, Quốc Thịnh, Thanh Tuấn, Đoàn Thanh Tài, Công Danh, Ngọc Duyên, Ngọc Tưởng, Thái Quốc... đến gần hơn với khán giả yêu kịch tâm lý xã hội. Sân khấu kịch Idecaf nuôi dưỡng thành công một lớp diễn viên như: Lê Khánh, Đình Toàn, Quốc Tuấn, Tuấn Khôi, Dương Cường... Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng quy tụ được dàn diễn viên trẻ: Lê Vinh, Thái Kim Tùng, Hồng Đào, Thanh Thúy, Lê Hoàng Giang..., thể hiện nhiều tác phẩm sân khấu ý nghĩa.

Sân khấu cải lương hôm nay tuy gặp nhiều khó khăn, ít điều kiện để nghệ sĩ trẻ làm nghề, nhưng vẫn có những lớp nghệ sĩ trẻ tài năng bám trụ và góp mặt trong rất nhiều tác phẩm sân khấu cải lương, phục vụ khán giả mộ điệu như các NSƯT Trọng Phúc, Lê Tứ, Tấn Giao, Lê Trung Thảo, Tú Sương, Quế Trân, Mỹ Hằng, Lê Hồng Thắm, Quỳnh Hương; các nghệ sĩ Trinh Trinh, Võ Minh Lâm… Trong khi đó, sân khấu hát bội dù hiếm hoi người theo nghề nhưng hiện vẫn giữ chân được một số ít gương mặt trẻ có năng lực như: Thanh Bình, Bảo Châu, Kiều My, Anh Thi, Ngọc Giàu, Minh Khương. Các diễn viên này có chuyên môn vững vàng, là thế hệ trẻ tiếp nối giỏi nghề và đam mê nghệ thuật.

Các nghệ sĩ trẻ của sân khấu hát bội


Ngọc phải mài mới sáng

Nhiều năm qua, điều kiện làm nghề dành cho lớp nghệ sĩ kế thừa quá ít ỏi, cơ sở vật chất yếu và thiếu, tác phẩm hay của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiếm hoi, nên đầu ra của các sản phẩm chưa đạt được chất lượng cao. Công tác tổ chức biểu diễn gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó, vấn đề kinh tế đóng vai trò rất quan trọng. Các ông bà bầu do chịu thua lỗ có lúc cũng chùn tay đầu tư, làm nghề trong hoang mang. Chưa kể, sự ảnh hưởng quá lớn của gameshow, truyền hình thực tế, đã cuốn không ít diễn viên trẻ lao vào công cuộc mưu sinh, lơi lỏng chuyện làm nghề. Một khi thường xuyên không chui rèn tay nghề, không chịu khó nuôi dưỡng cảm xúc, thì rất nhanh chóng, các diễn viên trẻ sẽ lụt nghề, chai cảm xúc. 

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lo lắng: “Nghệ sĩ trẻ hôm nay thiếu thời gian với sân khấu, bám sân khấu quá ít. Khi các hoạt động giải trí khác đẩy các em lên cao, thấy dễ nổi tiếng nên nhiều em có suy nghĩ không cần sân khấu nữa. Sự nổi tiếng của sân khấu luôn buộc người nghệ sĩ phải yêu nghề, trải qua một quá trình rèn luyện vất vả trong thời gian dài, mới đúc kết được các kinh nghiệm, có được những vai diễn hay, độc đáo để thăng hoa. 

Như vậy, dù sân khấu ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, có được sự rèn giũa dưới ánh đèn sân khấu, qua từng vai diễn nặng - nhẹ, chính - thứ - phụ, đa tính cách thì diễn viên mới có thể nuôi dưỡng tốt nhất cảm xúc. Ngoài ra, các điều kiện để góp phần dưỡng nuôi thế hệ trẻ làm nghệ thuật vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng. Bên cạnh sự nỗ lực duy trì sáng đèn của các ông bà bầu sân khấu xã hội hóa, hay hoạt động tổ chức biểu diễn theo kế hoạch của các đơn vị nghệ thuật công lập, ngành quản lý văn hóa thành phố cũng cần thể hiện sự quan tâm sâu sát hơn đối với lĩnh vực sân khấu, để giúp các sân khấu có điều kiện được “mài ngọc”, được sáng đèn; để nghệ sĩ trẻ sống được và gắn bó với nghề.

Tin cùng chuyên mục