Mạng… không của riêng ai

Ngày mai 24-6, tòa án ở Clermont-Ferrand, thành phố chính của vùng Puy-de-Dome của Pháp sẽ bắt đầu xét xử tin tặc Francois Croll, 25 tuổi, kẻ đã tấn công tài khoản mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ B.Obama bị phát hiện hồi tháng 3 vừa qua. Sự kiện này được chính quyền Mỹ cho là giọt nước tràn ly, khi xu hướng tấn công trên mạng có dấu hiệu gia tăng. Và vì thế, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng chính phủ của mình đã đưa ra dự thảo về khả năng làm tê liệt hệ thống Internet thế giới trong trường hợp khẩn cấp.

Ngay lập tức, dự luật đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới. Một nhóm vận động hành lang của Australia bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ sẽ nắm giữ toàn bộ quyền hành đối với mạng Internet trong trường hợp dự thảo đi vào hoạt động. Một trong những chuyên gia truyền thông đầu ngành thuộc Trường Đại học Sydney (Australia), giáo sư Bjorn Landfeldt, phản đối kịch liệt ý tưởng này, ông cho rằng, trong trường hợp hệ thống Internet toàn cầu bị tê liệt, nó sẽ gây ra thiệt hại khôn lường cho tất cả các quốc gia.

Trong nỗ lực tổ chức vận động các tổ chức quốc tế nhằm giúp Tổng thống Obama giành quyền kiểm soát hệ thống Internet toàn cầu, thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman kiêm Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia nói rằng, bản dự luật dày 197 trang mà văn phòng ông soạn thảo khẳng định cần bảo vệ không gian Internet vì đó là tài sản quốc gia.

Có lẽ người Mỹ vẫn nghĩ Internet là tài sản của quốc gia mình, vì tiền thân của Internet là một dự án của Chính phủ Mỹ thập niên 1960 có tên ARPANET (Advanced Research Projects Agency Network - Mạng lưới cơ quan với các đề án nghiên cứu tân tiến) dùng để kết nối 4 máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, phòng khi xảy ra tấn công hạt nhân. Nhưng họ quên rằng, chính nhà khoa học người Anh là Tim Berners Lee mới là người công bố dự án World Wide Web (www), cho phép mọi máy tính có thể kết nối và tạo thành một hệ thống khổng lồ.

Đến ngày nay, công cụ www được xem là công cụ vạn năng. Berners Lee nhờ đó đã nhận được tước hiệu Hiệp sĩ cho phát minh của mình, nhưng ông vẫn khẳng định web là miễn phí và không nhận một đồng lợi nhuận nào từ những người khai thác làm giàu nhờ nó.

Mỹ là quốc gia thường xuyên chỉ trích các quốc gia khác khi họ kiểm soát Internet bởi lý do an ninh chính trị và văn hóa của họ. Bằng chứng mới đây nhất là vụ tranh cãi liên quan đến Google ở Trung Quốc, lúc đó Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton còn tuyên bố, quyền truy cập Internet là một trong những quyền cơ bản của con người.

Như vậy, rõ ràng chính quyền Mỹ đã lợi dụng Internet để phục vụ cho quyền lợi quốc gia cho riêng mình. Trong trường hợp Mỹ cần dùng tự do Internet để gây áp lực hoặc can thiệp công việc nội bộ nước khác thì họ cảnh cáo các nước không được kiểm soát Internet.

Giờ đây, khi chính quyền Mỹ cảm nhận được sức nóng của Internet đối với an ninh quốc gia, chính họ lại muốn ra tay “xử trảm” công cụ này khi cần thiết. Đó là tiêu chuẩn kép đối với tự do Internet mà nước Mỹ áp dụng cho mình cũng như trước đây họ áp dụng những tiêu chuẩn kép trong khái niệm dân chủ, hay định nghĩa về khủng bố… 

Xét về quyền sở hữu hay xét về lý do an ninh thì Mỹ cũng không có quyền thâu tóm mạng Internet vì Internet đâu phải của riêng nước Mỹ.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục