Cuối tuần qua, Ban quản lý Công viên Văn Lang, quận 5, TPHCM đã phải tiến hành đốn hạ gần 10 cây dầu chết khô trong công viên. Đó là những cây dầu có tuổi đời gần 100 năm với đường kính - như mô tả của một người dân là “phải 2 người ôm mới hết”. Nhiều người dân sống xung quanh đấy đã đến chụp hình như muốn lưu luyến chia tay những người bạn cây đã một thời gắn bó, tỏa bóng mát che chở cho họ.
Tất nhiên, ban quản lý Công viên Văn Lang có lý do để đốn hạ những cây ấy, bởi “chúng chết nên không còn cách nào khác”. Đúng là không còn cách lý giải nào chính xác hơn. Thế nhưng, vì sao những cây dầu này chết? Ngay khi Công viên Văn Lang được bắt đầu cải tạo, Báo SGGP đã nêu ý kiến khuyến cáo về tình trạng bê tông hóa ở đây có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cây xanh.
Đáng nói, Sở GTVT TPHCM, đơn vị nhiều năm nắm trách nhiệm “quản lý nhà nước” ngành công viên cây xanh, có hẳn một báo cáo đánh giá cũng như đưa ra các khuyến nghị cần lưu ý khi thi công các công trình có cây xanh hiện hữu. Các đơn vị thi công cải tạo công viên đã được khuyến cáo, được giám sát thi công và thi công như thế nào để giờ đây cả chục cây dầu hàng trăm năm tuổi phải chết tức tưởi? Ban quản lý Công viên Văn Lang cho biết sẽ trồng cây khác thay thế vào chỗ những cây dầu bị chết. Không ai nghi ngờ về kế hoạch này, nhưng liệu những cây ấy, chắc chắn là nhỏ, thì có đủ sức tỏa bóng mát, làm chức năng “lá phổi”… tốt như những cây dầu cổ thụ?
Thật đáng lo về công tác bảo vệ môi trường ở TPHCM. Trong khi sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, nguồn gây ô nhiễm không khí chính, tác nhân lớn gây hiện tượng đảo nhiệt khiến TPHCM có mưa dông sấm sét nhiều hơn, vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu, thì mảng xanh có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm, làm mát môi trường… ngày càng teo tóp. Ngành chức năng luôn đưa ra những con số “khủng” về hàng ngàn cây xanh được trồng mới mỗi năm và số lượng cây bị chặt thường ít hơn rất nhiều. Phép đếm này không sai, nhưng họ chưa đánh giá đúng mức về chất lượng cây trồng mới và cây bị đốn đi. Các cây bị đốn hạ thường là cây lớn, cây cổ thụ có độ phủ xanh và điều tiết không khí hơn hẳn cây được trồng mới, vốn chủ yếu là cây nhỏ. Và như vậy, dù có cây xanh khác thay thế nhưng rõ ràng việc đốn hạ những cây to, cây cổ thụ đã làm cho mảng xanh bị teo tóp đi rất nhiều.
Những năm gần đây, diện tích mảng xanh của thành phố chủ yếu phát triển theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, chiếm khoảng 77% tổng diện tích mảng xanh mới phát triển được. Để đảm bảo an toàn giao thông cũng như đảm bảo an toàn cho các công trình kỹ thuật, hầu hết cây xanh trồng ở đây luôn trong tình trạng bị “húi cua”, cắt gần như trọc hết. Mảng xanh được kỳ vọng có thêm, vì thế không nhiều. Việc phát triển công viên cây xanh tại nhiều dự án phát triển bất động sản theo quy định của Nhà nước, không được thực hiện nghiêm. Không ít chủ đầu tư các dự án này không chấp hành hoặc chỉ chấp hành chiếu lệ. Công viên cây xanh ở nhiều dự án chủ yếu là cây cảnh nhỏ, tác dụng điều hòa không khí không lớn. Chưa kể, nhiều công viên còn bị bê tông hóa làm cho cây xanh khó phát triển và ngăn không cho nước thoát tự nhiên mà việc cải tạo Công viên Văn Lang nêu trên là một điển hình.
Cái nguy hiểm của ô nhiễm môi trường là không gây ra cái chết ngay lập tức. Chính vì vậy, nhiều người đã chủ quan, chấp nhận đánh đổi môi trường với những lợi ích kinh tế trước mắt bằng lý lẽ “không có ăn mới chết liền, chứ hít bụi… còn từ từ hên, xui”. Họ không hiểu rằng, ô nhiễm môi trường ăn mòn dần sức khỏe của con người…; những cái chết từ từ không hề nhẹ nhàng, ngược lại sẽ tạo ra những tổn thất về tinh thần và gánh nặng rất lớn về tài chính (cho chữa bệnh) mà trong nhiều trường hợp có thể cuốn phăng tất cả những tài sản tích cóp được.
TPHCM vừa tổ chức hội nghị quốc tế về phát triển mảng xanh cho thành phố. Điều này cho thấy, thành phố hiểu và rất quyết tâm trong vấn đề này và điều còn lại là hãy biến quyết tâm thành việc làm cụ thể, thiết thực.