Manga - không chỉ là truyện tranh

Manga - không chỉ là truyện tranh

“Nhật Bản có một thế hệ Manga. Đó là những học sinh từ tiểu học đến trung học đọc Manga như đọc sách giáo khoa vậy, và tôi là một trong những người thuộc lớp đầu của thế hệ Manga”, ông Shiozaki Osamu – Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM đã nói như vậy trong hội thảo giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản. Truyện tranh Nhật Bản không chỉ hút hồn độc giả trong nước mà còn nổi tiếng khắp thế giới, đến mức thế giới đã gọi thể loại truyện tranh này bằng cái tên tiếng Nhật của nó: Manga.

  • Quy mô thị trường truyện tranh Nhật Bản

Người Nhật có thói quen tận dụng thời gian trống để đọc sách và truyện tranh là thứ sách dễ đọc nhất. Vì vậy, chẳng có gì lạ khi người Nhật đọc truyện tranh mọi lúc, mọi nơi. Manga được bày bán trong các hiệu sách và tại các cửa hàng tạp hóa 24/24 giờ (convenience store), những tạp chí truyện tranh dày hàng trăm trang, đăng tải đủ loại truyện tranh được bán với giá rất rẻ. Một quyển tạp chí như thế giá chỉ bằng giá của 4 lon nước ngọt nên ai cũng có thể mua được.

Manga - không chỉ là truyện tranh ảnh 1

Hình tượng mèo máy Doraemon xuất hiện trên các toa xe.

Tính riêng năm 2004, có 10.431 đầu sách Manga ra đời, trong đó, cuốn truyện có lượng phát hành nhiều nhất là tập 35 của bộ truyện One Piece với 2.350.000 bản. Có 297 loại tạp chí truyện tranh, trong đó 9 tạp chí phát hành hơn 1 triệu bản mỗi số. Đối tượng độc giả của tạp chí truyện tranh rất rộng, từ 6 đến 60 tuổi.

Ngoại trưởng Nhật Bản Asao Taro, ở tuổi 65, vẫn đặt mua định kỳ 8 loại tạp chí truyện tranh khác nhau. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Khoa học xuất bản, quy mô thị trường của các ấn phẩm truyện tranh năm 2004 là 504,7 tỷ yen. Có nhà kinh tế cho rằng, nếu tính cả hiệu quả kinh tế của truyện tranh trong các hoạt động của doanh nghiệp hay địa phương thì quy mô của thị trường truyện tranh Nhật Bản vượt qua con số 1.000 tỷ yen.

Một trong những đặc điểm của thị trường truyện tranh Nhật Bản là một tác phẩm thường được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi một truyện tranh được yêu thích, người ta lập ngay kế hoạch chuyển thể thành phim hoạt hình. Khi phim hoạt hình được chiếu trên truyền hình thì tác phẩm càng ăn khách và người ta dựng thành phim truyện.

Ngoài ra, hình tượng nhân vật sẽ trở thành hình mẫu cho hàng loạt sản phẩm ăn theo như đồ dùng học tập, đồ trang sức, trò chơi, thức ăn… Và khi xuất hiện ào ạt khắp nơi như thế thì các sản phẩm này lại có tác dụng khiến cho hình ảnh nhân vật trở nên quen thuộc với đông đảo công chúng, từ đó lại thu hút thêm nhiều người tìm đọc truyện tranh nguyên bản. Chính sự tác động qua lại này đã tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa tác giả truyện tranh- nhà xuất bản- công ty phim hoạt hình- đài truyền hình- các doanh nghiệp.

  • Một số ảnh hưởng của Manga với xã hội Nhật Bản

Truyện tranh thâm nhập đời sống hàng ngày của người dân Nhật Bản và một cách tự nhiên cũng thâm nhập vào các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp. Hầu hết các địa phương của Nhật Bản đều có kế hoạch hoạt động quảng bá cho địa phương thông qua các nhân vật hay tác giả truyện tranh.

Vì vậy nên chú mèo máy Doraemon đã xuất hiện trên các quyển sổ tiết kiệm, trên toa xe; thám tử nhí Conan được lấy tên đặt cho một con đường ở Tottori; tỉnh Hyogo có Nhà kỷ niệm Tezuka Osamu (cha đẻ của Astro Boy)… Hay như bộ truyện tranh về các nữ tuyển thủ bóng chày thi đấu rất thành công của tác giả Mizushima Shinji đã góp phần thay đổi điều lệ bóng chày (vốn có mục quy định chỉ cho phép nam giới tham gia).

  • Hội chợ truyện tranh - Nơi ươm mầm cho các tài năng trẻ

Manga - không chỉ là truyện tranh ảnh 2

Astro Boy, một nhân vật truyện tranh quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 1975, Hội chợ truyện tranh được tổ chức 6 tháng một lần, dành cho cá nhân và những nhóm họa sĩ nhỏ trưng bày tác phẩm tự in của mình. Lần đầu tiên được tổ chức trong một hội trường nhỏ ở Tokyo, hội chợ chỉ quy tụ được 32 tác giả và không tới 700 lượt người đến xem. Gần 30 năm sau, con số này đã tăng một cách đáng kinh ngạc: 36.000 tác giả và gần 500.000 khách tham quan.

Trong 3 ngày diễn ra hội chợ, Tokyo Big Site, một trung tâm hội nghị có diện tích gấp 12 lần sân bóng đá, đông nghẹt người. Truyện tranh và những thứ sản phẩm khác bắt nguồn từ truyện tranh như phim hoạt hình, trò chơi điện tử… được trưng bày trên các dãy bàn xếp đầy trung tâm. Hầu hết khách tham quan đều là những người sành truyện tranh. Một số người say sưa đọc truyện, một số khác sôi nổi bàn luận với các tác giả.

Đây đó, xuất hiện cả những người hóa trang thành các nhân vật truyện tranh. Mỗi kỳ hội chợ đều tạo thêm số người hâm mộ truyện tranh và cũng là nơi để các tác giả trẻ thử thời vận của mình. Nhiều tác giả từ nghiệp dư đã trở thành chuyên nghiệp nhờ vào các kỳ hội chợ như thế.

Tác giả của Inuyasha là Takahashi Rumiko thời sinh viên đã từng bày bán truyện trong hội chợ. Ngày nay, Rumiko đã là một tác giả nổi tiếng thế giới. Tại Việt Nam, phim hoạt hình của bộ truyện tranh Inuyasha đang được VCTV1 trình chiếu dài kỳ với tựa tiếng Việt là Khuyển dạ xoa.

Điều này chứng tỏ hội chợ đã trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống của những người yêu thích truyện tranh. Cứ thế, luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ Manga Nhật Bản. Và Manga đã sẵn sàng cho thời kỳ phát triển mới, trở thành một phương tiện truyền thông mang tính toàn cầu.

Bí quyết khiến Manga hấp dẫn người đọc:

- Cốt truyện phong phú, phức tạp, xen lẫn nhiều yếu tố hài hước bất ngờ, nét đặc trưng của nhân vật được tô đậm.

- Lối vẽ phóng khoáng, nhiều chi tiết cường điệu mang tính quy ước. Tạo hình nhân vật đơn giản để người đọc có thể bắt chước vẽ theo, nhờ đó khắc sâu hình ảnh nhân vật vào tiềm thức người đọc.

- Tranh nhiều hơn chữ, vận dụng tối đa từ tượng thanh, tượng hình để tạo hiệu ứng kéo người đọc hòa nhập vào câu chuyện.

- Tính văn hóa, lịch sử được lồng ghép khéo léo trong những trang sách.

BẢO TRÚC (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục