Thông tin về Google - nhà cung cấp công cụ tìm kiếm trên mạng của Mỹ - có thể dừng hoạt động tại Trung Quốc từ ngày 10-4 tới đang xôn xao dư luận những ngày qua. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Google nhiều lần nói rằng sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc, gây sốc không nhỏ trong các phương tiện truyền thông thế giới.
Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đã đổ lỗi vụ việc này là do chế độ giám sát, quản lý và kiểm duyệt Internet của Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc nhận định rằng, đây hoàn toàn là một mánh khóe thương mại của Google đồng thời kêu gọi cả Google và Mỹ không nên chính trị hóa vấn đề này.
Giáo sư Zhu Feng Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh cho biết: “Bản chất của vụ việc Google không phải là do chế độ giám sát quản lý Internet của Chính phủ Trung Quốc, vì chế độ giám sát quản lý này không phải là nhằm vào Google, mà nhằm vào sự quản lý Internet trong nước. Google cố ý gây đối đầu với Chính phủ Trung Quốc để đạt được mục đích thương mại, gây chú ý của công chúng, tăng cường vị thế và hình ảnh thương mại của mình”.
Rất nhiều nhà quan sát khác cũng có quan điểm tương tự như Giáo sư Zhu Feng. Họ cho rằng với sức cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Baidu - một công cụ tìm kiếm trên mạng “made in China”, Google khó có thể chiếm lĩnh phần lớn thị trường hơn 400 triệu người sử dụng Internet tại Trung Quốc một cách dễ dàng.
Giới phân tích còn cho rằng Google sẽ không hoàn toàn rời bỏ Trung Quốc mà họ có thể chỉ thu hẹp hoạt động, giảm xuống mức tối thiểu số nhân viên của họ ở Trung Quốc, chỉ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới.
Cùng với rất nhiều tờ báo Trung Quốc lên tiếng phản đối Google trong ngày 21-3, mạng tin China Daily cho rằng, các hành động của Google chứng tỏ công ty này đã từ bỏ những nguyên tắc trong kinh doanh của mình và thay vào đó chính trị hóa hoàn toàn vấn đề này.
China Daily dẫn chứng: ban đầu, Google chỉ trích nhưng không có bằng chứng việc Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các tin tặc tấn công Google. Tiếp theo công ty này đe dọa rút khỏi thị trường Trung Quốc nếu như Bắc Kinh không thỏa hiệp các nguyên tắc Internet. Cuối cùng, các chính trị gia và các cơ quan Chính phủ Mỹ lên tiếng ủng hộ Google, biến vấn đề này thành trò hề trên thế giới.
Về vấn đề này, theo Giáo sư Zhu Feng, các phương tiện truyền thông không nên nhìn xì-căng-dan Google từ góc độ chính trị, công chúng hóa hành vi doanh nghiệp. Lý do Google nêu ra khiến họ phải rút khỏi thị trường Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở, vì theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp vốn nước ngoài phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại và chế độ kiểm duyệt Internet không phải là do Trung Quốc sáng lập ra, rất nhiều nước trên thế giới đặc biệt là Mỹ cũng có quy định kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với Internet.
Ông nói: “Tôi cho rằng một tập đoàn thương mại lớn sẽ không mặn mà với chính trị, bởi vì làm như vậy, chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận bất kể ở Trung Quốc hay ở Mỹ. Điều quan trọng là phải làm thế nào để sự ảnh hưởng hay tác động tiêu cực của vụ việc Google không bị chính trị hóa, bị thổi phồng”.
Theo Giáo sư Zhu Feng, Trung Quốc là thị trường mà bất cứ nhà cung cấp công cụ tìm kiếm trên mạng nào cũng không dám coi nhẹ. Việc Google có rút khỏi cũng không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế-thương mại Trung Quốc-Mỹ, mà ngược lại chính bản thân doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại to lớn. Nếu đúng như những gì mà giới phân tích nêu ra, phải chăng Google đã “hớ” nặng với toan tính của mình?
ANH VĂN
- Thông tin liên quan:
>> Google rút khỏi Trung Quốc - Có lợi cho chủ nhà