70% giá trị xuất khẩu thuộc doanh nghiệp FDI
Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nêu trên, xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% và nhập khẩu ước tính 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính thặng dư 3,39 tỷ USD. Mặt hàng điện thoại, máy vi tính các loại và linh kiện điện tử vẫn dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu với 24,92 tỷ USD, tăng 11% - 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là hàng dệt may ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7%; hàng giày dép đạt 4,54 tỷ USD, tăng 6,4%. Riêng sản phẩm gỗ, thủy sản, nông sản, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng 0,2% - 13%. Còn lại là các sản phẩm khác.
Tình trạng mất cân đối tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giữa khối doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp trong nước thể hiện rõ ở từng ngành hàng. Theo đó, với ngành có giá trị gia tăng cao như hàng điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, linh kiện… tỷ trọng xuất khẩu khối ngoại chiếm từ 90% - 99,7%. Ở một số mặt hàng vốn được xem là lợi thế xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước như dệt may, giày dép… thì tỷ trọng xuẩt khẩu của khối doanh nghiệp ngoại cũng đang chiếm từ 60% - 70%. Chỉ những mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy hải sản là doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế về tỷ trọng xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng lại khá khiêm tốn.
Bộ Công thương cũng thừa nhận, tính chung hiện nay có hơn 70% giá trị xuất khẩu nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Trước đó, trong năm 2017 cũng ghi nhận, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI thặng dư gần 25 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp khối nội lại thâm hụt dưới 20 tỷ USD.
Doanh nghiệp nội đuối sức
Đánh giá về tỷ trọng xuất khẩu trên, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, xuất khẩu đầu năm 2018 có sự bứt phá ngoạn mục nhờ các doanh nghiệp (nói chung) đã thâm nhập sâu và tận dụng khá tốt lợi thế các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Riêng với doanh nghiệp FDI do đã ổn định sản xuất sau thời gian đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phản ánh, việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua có nhiều cải thiện, tạo động thái tích cực, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, thu hút đầu tư nhưng thiếu tính toán trong việc tận dụng nguồn lực đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất trong nước, đã đặt doanh nghiệp trong nước vào môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, không chỉ thị phần trong nước mà còn cả thị phần nước ngoài.
Các doanh nghiệp FDI đầu tư tại nước ta chủ yếu tận dụng nhân công trong nước giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Rất ít doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ tại Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành nên giá trị gia tăng không cao, cơ hội phát triển nội lực theo đó cũng không nhiều.
Đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do cho phép doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam hưởng nhiều lợi thế ưu đãi về thuế suất. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nước đặt ra hạn ngạch ưu tiên cho mặt hàng xuất khẩu. Vậy khi doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh hạn ngạch ưu tiên thuế suất thì doanh nghiệp nội không có cơ hội để tận dụng được lợi thế ưu đãi. Đó là chưa kể, tại các thị trường vốn là truyền thống xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp nội cũng chật vật cạnh tranh với chính doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam.
Trên thực tế, với thực lực yếu cả về vốn và công nghệ, doanh nghiệp nội đang thực sự đuối sức. Chỉ tính riêng ngành da giày, trong 5 năm qua, tỷ trọng xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp khối nội liên tục bị nới rộng. Từ mức tỷ trọng xuất khẩu đạt 60% (doanh nghiệp FDI) và 40% (doanh nghiệp khối nội) thì đến nay, tỷ trọng xuất khẩu đã nới rộng hơn ở mức 75% (doanh nghiệp FDI) và 25% (doanh nghiệp khối nội).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mất cân đối tỷ trọng xuất khẩu giữa doanh nghiệp khối ngoại và khối nội hiện nay khiến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nước ta thiếu ổn định. Đơn cử, khi kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của các mặt hàng như sắt thép, điện thoại và linh kiện, điện tử (chủ yếu là sản phẩm điện thoại Galaxy S9 và S9 Plus được Samsung tập trung xuất khẩu trong tháng 3) giảm mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của cả nước cũng giảm so với tháng 3-2018. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 năm nay ước đạt 18,20 tỷ USD, giảm 13,9% so với tháng trước.
Để giải quyết khó khăn này, theo các chuyên gia kinh tế, cần tăng cường quản trị nội bộ, tăng cường đầu tư hệ thống kiểm soát, đặc biệt là phải tự tính toán đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh, phải có chiến lược đầu tư dài hạn và chủ động kết nối doanh nghiệp nước ngoài đầu cuối để nắm bắt nhu cầu của họ. Về phía cơ quan chức năng, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ nghiên cứu thiết kế và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng trí tuệ lớn, tận dụng lợi thế về thiết kế, tích hợp hệ thống và khả năng lập trình.
Bên cạnh đó, các bên liên quan cần hoàn thiện công trình hạ tầng phát triển ngành như trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, khu công nghệ cao... Riêng với việc thâm nhập thị trường, tham tán thương mại các nước cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong tiếp cận, tìm hiểu và đánh giá xu hướng thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngoài ra, cần chú trọng đến phát huy tiềm năng xuất khẩu những ngành hàng, sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam để khai thác tối đa giá trị gia tăng của hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường thế giới.