Mất hàng trăm triệu đồng vì nhấn vào link “lạ”

Dù công an và các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách nhấn vào các đường link liên kết, hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp… Thế nhưng nhiều người vẫn dễ dàng sập bẫy các đối tượng lừa đảo, mất số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tin nhắn gửi đến số điện thoại của chị Ng. nhằm lừa đảo. Ảnh: C.T
Tin nhắn gửi đến số điện thoại của chị Ng. nhằm lừa đảo. Ảnh: C.T

Người phụ nữ mất gần 626 triệu đồng vì nhấn vào link hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 24-11, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, đã tiếp nhận đơn trình báo, tố giác tội phạm của chị N.T.Ng.. (SN 1988, ngụ tỉnh Quảng Bình, trú quận Gò Vấp) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt gần 626 triệu đồng sau khi nhấn vào đường link liên kết, hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Ng. cho biết, chiều 23-11, chị nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung “Ông (Ba) da du d!en NHAN’TIEN ho tro tu quy-BHTN. Bam’ vao www.vnbomo.icu de’lay. QUA_HAN SE KHONG_CHAP’NHAN!”.

Sau đó, chị Ng. nhấp vào đường link để truy cập thì chuyển tới 1 trang web có thiết kế giống với ứng dụng “Smart Banking” của ngân hàng BIDV, yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản. Vừa hoàn thành đăng nhập thì đường link yêu cầu chị Ng. tiếp tục cung cấp mã OTP được tổng đài ngân hàng chuyển về.  

Mất hàng trăm triệu đồng vì nhấn vào link “lạ” ảnh 1 Trang web có thiết kế giống với ứng dụng “Smart Banking” của ngân hàng BIDV. Ảnh: C.T

Chị Ng. vội làm theo yêu cầu thì trong vòng vài phút, số tiền trong tài khoản của chị bị trừ 2 lần. Lần đầu là 499,6 triệu đồng và lần 2 là 126 triệu đồng. Một lúc sau, chị Ng. nhận được 1 số cuộc điện thoại lạ nên biết bị lừa đảo, chị đã tới ngân hàng để khoá tài khoản và tới công an trình báo sự việc.

Chị Ng. cho biết, vẫn hay đọc những thông tin lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện, nhắn tin… từ báo chí và truyền hình. Hôm qua chị có đăng ký nhận thất nghiệp cho người lao động, có đăng nhập vào trang của bảo hiểm và chờ xác nhận. Đúng lúc này, chị Ng. thấy tin nhắn tới nên không đề phòng và đăng nhập dẫn tới mất số tiền nói trên…

Mất hàng trăm triệu đồng vì nhấn vào link “lạ” ảnh 2 Trong vòng vài phút, chị Ng. đã mất gần 626 triệu đồng. Ảnh: C.T

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, hiện cơ quan này liên tục nhận được nhiều phản ánh về việc có các đầu số khác nhắn tin, gọi điện và gửi đường link đăng nhập vào một số ứng dụng, trang web xấu nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thông tin cá nhân của người dân.

Cụ thể, tin nhắn từ các đầu số: +84563…; +84528…; +84582… với nội dung "[T.B] BHXH: Ong (Ba) da du d!eu k!en NHAN T1EN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao www.mvndc.icu de lay. QUA HAN SE KH0NG_DUOC CHAP NHAN! oZGa" hoặc "Ban da du d!eu k!en NHAN TIEN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao N85k.smkbid.icu) de lay. QUA HAN SE KHONG_DU0C CHAP NHAN!"….

Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo.

Khi người dân mất cảnh giác, đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng. Sau đó, các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900.... gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN. Thủ đoạn này thường đánh vào tâm lý người nghe, hướng dẫn kê khai tài sản, chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng.

BHXH Việt Nam khẳng định, các tin nhắn, cuộc gọi trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân của người lao động.

Cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên. Người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tổng đài gửi không có chữ "BHXHVN" hoặc "BHXHTPHCM" hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn.

Người dân cần nâng cao cảnh giác đề phòng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng

Trước đó, Công an 21 quận huyện, TP Thủ Đức (TPHCM) cùng các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân về các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng như: mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa đảo; mạo danh app cho vay của ngân hàng để lừa đảo; lừa đảo qua hình thức đặt cọc tiền mua hàng online…

Với hình thức mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa đảo thì các đối tượng mạo danh ngân hàng gửi trước 1 tin nhắn với nội dung cảnh báo lừa đảo nhằm lấy lòng tin của khách hàng. Sau đó vài ngày, các đối tượng tiếp tục gửi 1 tin nhắn để lừa khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn. Từ đó, các đối tượng đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Với hình thức mạo danh cho vay của ngân hàng để lừa đảo thì các đối tượng gọi điện cho khách hàng giới thiệu cho vay với nhiều ưu đãi. Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng tải app để được hướng dẫn thủ tục vay.

Khi khách hàng vào ứng dụng để rút tiền thì báo lỗi và kẻ gian gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin để sửa giúp. Chúng gửi đến khách hàng 1 bản điều khoản thay đổi số tài khoản (chuyển khoản tới số tài khoản của kẻ lừa đảo) và hứa số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, chúng đã không chuyển lại và cắt liên lạc.

Mất hàng trăm triệu đồng vì nhấn vào link “lạ” ảnh 3 Hình ảnh một ngân hàng bị các đối tượng hack, gửi tin nhắn Brand Name

Với hình thức lừa đảo qua việc đặt cọc tiền mua hàng online thì các đối tượng xâm nhập vào các nhóm Zalo, Facebook đăng tin bán các sản phẩm với giá trị thấp hơn thị trường và nhận ship đến địa chỉ của khách hàng, rồi yêu cầu người mua phải chuyển khoản đặt cọc trước. Tuy nhiên, sau khi đã nhận được tiền, chúng cắt liên lạc, không giao hàng như thoả thuận ban đầu.

Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không truy cập và thực hiện giao dịch thanh toán, mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email… Không cung cấp các thông tin như mật khẩu, số thẻ, mã Pin, mã OTP cho bất kỳ ai. Không nạp tiền, chuyển khoản cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi vấn.

Khi người dân gặp các nghi vấn trên thì báo cho Công an phường, quận, huyện, TP Thủ Đức gần nhất, các điểm giao dịch ngân hàng hoặc liên hệ để được hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục