Phú Thọ

Mất khoáng sản, tăng hiểm họa

Mất khoáng sản, tăng hiểm họa

Nạn khai thác cao lanh, mi ca, quặng sắt… trên diện rộng tại hai xã Giáp Lai và Thạch Khoán của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống của dân. Hiện địa phương vẫn chưa có những biện pháp quản lý, ngăn chặn hiệu quả.

  • Khai thác, vận chuyển công khai

Cảnh đào bới ở khu đội 5 thuộc dãy đồi Kho Mìn thật náo nhiệt, hàng trăm người tấp nập, người kéo gầu, người đóng bao… Chủ lò tên Mạnh cho biết, trên địa bàn này có 5 khu chuyên khai thác cao lanh, mỗi khu có 6-7 hầm lò đang hoạt động. Các hầm móc sâu vào lòng các quả đồi, theo vỉa cứ thế mà đào, đào đến hết thì thôi.

Mất khoáng sản, tăng hiểm họa ảnh 1

Một kho hàng cao lanh lậu.

Cao lanh đào lên được cho vào bao, chờ các ông chủ như: ông Th.C, bà Ng “lác”… trong xã, hoặc người ở thị trấn Thanh Sơn, Thanh Thủy đến mua. Đào lên bán dễ lắm, không thích bán cho người này thì bán cho người kia, mặc cả thoải mái như ở chợ.

Giá từ 700.000 - 800.000đồng/tấn, khi nào gom đủ một xe 25 - 30 tấn hàng, chủ hàng khắc trả tiền và bốc hàng đi. Nhà anh Mạnh có 5 người làm thuê, mỗi người được trả 30.000đ/ngày. Được biết, người đào bới chủ yếu là dân sở tại, họ đào bới trong vườn rừng nhà mình, người không có đất chung với người có đất để cùng đào, cùng chia nhau.

Kỹ thuật “thả lò” không có nên rất sợ sập hầm. Cứ theo mạch, họ đào xuyên ngách, lò nhà nọ đào mãi lại thông sang nhà kia khiến cho các quả đồi ở đây rỗng ruột hết.

Điểm nóng về khai thác hiện nay chủ yếu tập trung ở các đồi: Mỏ Chè, Ba Bò, Giếng, Đá Cóc… Ông Vệ ở đồi Mỏ Chè phát hiện đồi rừng bạch đàn nhà mình có mica, liền rao bán cho những ai muốn đào với giá 10 triệu đồng/lò, rộng chừng 2m2, sâu “vô biên” vào lòng đất. Nhà ông đã bán được 7 lò cho người dân xung quanh đến khai thác.

Trên địa bàn hai xã Giáp Lai và Thạch Khoán có hơn chục công ty TNHH chuyên khai thác khoáng sản, nhưng chỉ có giấy phép kinh doanh, không có giấy phép khai thác khoáng sản, hoặc giấy phép đã hết hạn. Có công ty đặt trụ sở ngay tại địa bàn, có công ty đăng ký một nơi, hoạt động một nơi.

Chính quyền cấp xã đã báo cáo lên cấp huyện, đoàn kiểm tra về lập biên bản nhưng khi đi khỏi lại đâu vào đấy. Tháng 9-2004, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đã về kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH H.Đ có trong kho 40 tấn cao lanh không có giấy phép nên lập biên bản đình chỉ kinh doanh, nhưng gần một năm nay họ vẫn công khai hoạt động.

Để đưa được khoáng sản ra ngoài khu vực khai thác trái phép, xe tải phải đi qua 2 trạm kiểm soát Thanh Sơn và Thanh Thủy.

  • Hiểm họa được báo trước

Mất khoáng sản, tăng hiểm họa ảnh 2

Một xe hàng ngang nhiên chở cao lanh lậu.

Ông Đinh Thái Học, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán, cho biết: “Thanh niên ở đây đi khai thác khoáng sản, một số có tiền sinh hư. Làm lụng cả tuần, được vài trăm ngàn lại thuê xe ôm lên phố Vàng chơi bời, kể cả ma túy. Từ năm 2004 đến nay công an xã đã phá được 9 ổ nhóm buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Có 2 thầy giáo dạy ở trường THCS Thạch Khoán cũng bị bắt quả tang, đưa đi cải tạo khi đang tiêm chích ma túy”. Theo thống kê của công an hai xã, hiện nay số con nghiện trên địa bàn đã lên đến 70. Chỉ lên phía dãy đồi Đá Cóc, ông Học kể: Cũng vì khoáng sản mà một người cha 67 tuổi phải đi hầu kiện hai “quý tử”.

Mảnh đất ở khu đồi Đá Cóc rộng 6,6 ha là của ông Trần Đức Nghĩa và bà Đinh Thị Lân. Thấy mình không còn khả năng làm rừng nữa, ông Nghĩa thông báo với các con muốn bán mảnh đất với giá 13 triệu đồng để lấy tiền dưỡng già. Thấy các con không có ý kiến gì, lại được anh Thiều Quang Đào ở Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy lên mua với giá 15 triệu đồng, ông bán.

Trong lúc hai bên đang làm thủ tục giấy tờ thì người làng tình cờ phát hiện dưới lòng đất có mica. Ngay lập tức 2 trong 5 người con của ông là Trần Văn Đoàn và Trần Đức Lệ phát đơn kiện cha ra tòa đòi quyền chia đất với lý do ngày còn nhỏ cũng tham gia khai phá.

Mảnh đất 6,6 ha bỗng chốc bị xâu xé, người biếu tiền cho ông Nghĩa để xin được khai thác mica, người biếu tiền cho hai “quý tử”, người lại biếu tiền cho chủ mới cũng để xin khai thác. Cuối cùng, chẳng chờ được phán xử của tòa án, mạnh ai nấy đào. Từ đầu năm 2003 đến nay, có 9 người chết, hàng trăm người bị thương do sập hầm, lò… Nhà bà Dự, con gái đã chết vì sập hầm, người mẹ vẫn không bỏ nghề, vài tháng sau chính bà cũng tử nạn do đào cao lanh.

Tầng địa chất đồi rừng trên địa bàn 2 xã Giáp Lai và Thạch Khoán đã ở mức báo động. Cơn bão số 7 vừa rồi đã làm cho nửa quả đồi đổ ập xuống cánh đồng của các xóm Trung Thành, Rộc Cày và Nhà Thờ (Thạch Khoán) khiến cho mấy chục héc ta lúa giờ chỉ còn là bãi đất lở. May không có gia đình nào ở đây, nếu không hậu quả khó lường. 

PHẠM ĐỨC HẢI

Tin cùng chuyên mục