Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta: tiến dần tới mục tiêu toàn dân tham gia bảo hiểm y tế là hoàn toàn đúng đắn và có lẽ việc bắt buộc học sinh, sinh viên phải tham gia bảo hiểm y tế từ năm học 2010-2011 trở đi là một bước đi của tiến trình này. Nghị định 62/2009/NĐ-CP ban hành ngày 27-7-2009 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế” cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các trường là thu BHYT.
Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện không phải không có những chuyện đáng bàn. Nguyên nhân là từ việc ngành GD-ĐT coi việc thu BHYT là một trong những nội dung thi đua của ngành thế là các trường bằng mọi cách để đạt cho được chỉ tiêu 100% HS-SV mua BHYT bằng cách đưa tiền BHYT vào các khoản thu ngay từ đầu năm học. Đặc biệt không ít trường yêu cầu nộp đủ các khoản - trong đó có BHYT - thì mới nhận hồ sơ nhập học của học sinh các lớp đầu cấp. Điều này khiến không ít phụ huynh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ có con đang đi học phải bấm bụng mua BHYT theo yêu cầu của nhà trường trong khi con em họ đã có thẻ.
Thực tế, Luật Bảo hiểm y tế đã quy định rõ HS-SV và thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là 2 trong 25 đối tượng bắt buộc mua BHYT. Chỉ có điều thẻ BHYT của đối tượng này được Nhà nước mua bằng ngân sách. Nhưng dù mua bằng nguồn nào thì thẻ BHYT của các đối tượng này vẫn có giá trị như nhau và cũng chưa có quy định nào cho phép người cùng lúc có 2 thẻ thì được cơ quan bảo hiểm thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh gấp đôi người có 1 thẻ khi “đụng sự”.
Thiết nghĩ, ngành GD-ĐT cần có quy định cụ thể về vấn đề này và cần thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh để không chỉ các em học sinh là con của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ mà tất cả học sinh, sinh viên có thẻ BHYT bắt buộc thuộc nhóm đối tượng khác như: thân nhân của cán bộ chiến sĩ công an, hộ nghèo, hộ cận nghèo v.v... không bị mất một khoản tiền oan.
THANH TÙNG (Quận 9, TPHCM)