Mỗi ngày dành ra một ít thời gian lên Facebook để tìm hiểu những thông tin mới đang được nhiều người quan tâm, hay giao lưu với bạn bè trên mạng là một cách nắm bắt hơi thở cuộc sống, tiếp nhận thông tin và dư luận xã hội, đồng thời cũng giảm căng thẳng hiệu quả. Tuy nhiên, đang có nhiều người hàng ngày bị Facebook “nuốt” khá nhiều thời gian. Thậm chí, có những bạn trẻ bị “nghiện” Facebook đến nỗi bỏ ăn, bỏ ngủ.
Tôi có cháu trai, học sinh lớp 9, kỳ thi sắp đến vẫn không lo ôn bài mà đêm nào cũng mải miết “lang thang” trên Facebook đến tận 4 giờ sáng. Gia đình cháu phát hiện phải cắt luôn internet để cháu tập trung chuyện thi cử. Một cô sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM chia sẻ với tôi: “Ngoài những giờ trên lớp, hầu như thời gian còn lại ở nhà là tụi em toàn lên Facebook. Một ngày không thể ghé thăm Facebook là em cảm thấy bứt rứt, khó chịu!”.
Được biết, để cho trang cá nhân của mình có nhiều lượt kết nối, nhiều bạn trẻ đã phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Có cô sinh viên mặc dù chưa có thu nhập gì cũng mạnh tay chi gần 2 triệu đồng đi chụp bộ ảnh để đăng lên Facebook. Có anh suốt ngày bỏ thời gian để lên mạng tìm những câu nói “độc”, sau đó dùng Photoshop ghép những câu nói này vào các tranh của truyện Đoremon, rồi đăng lên trang Facebook của mình chỉ để được nhiều lượt truy cập và kết nối.
Ngoài chuyện mất quá nhiều thời giờ cho Facebook, không ít bạn trẻ không ngần ngại lạm dụng diễn đàn này để công kích, nói xấu người khác. Có khi chỉ là chuyện đáng tiếc, xích mích nhỏ, đã qua rồi, nhưng lại được đưa lên Facebook để thu hút nhiều người bàn tán, gây nên những hiềm khích căng thẳng không thể nào hòa giải. Ngoài ra, có nhiều người cố tình lập hội và lấy chuyện vùng miền ra tranh luận, nói xấu, chửi nhau, gây chia rẽ vùng miền, làm mất tình đoàn kết dân tộc.
Hiện nay trên Facebook xuất hiện một số trang cá nhân thường hay đăng tải những hình ảnh, video, truyện khiêu dâm, cũng nhằm thu hút được nhiều người xem, bất cần tác hại xã hội và không hay đó là hành vi tuyên truyền, phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy, vi phạm pháp luật. Điều đáng lo ngại là những trang này có rất đông người truy cập. Hàng ngày, những video clip như “Nữ sinh đánh nhau lột đồ”, “Cảnh làm chuyện người lớn của học sinh cấp hai”… liên tục được bổ sung phát tán, khiến người ta dần xem những hành vi thô tục, đồi trụy, phạm pháp… thành chuyện quen thuộc, gây lệch lạc tâm lý của các em tuổi mới lớn.
Người tham gia Facebook cần biết chọn lọc và suy xét khi giao tiếp, phổ biến và tiếp nhận thông tin. Các bậc phụ huynh nên chú ý nhắc nhở con em mình ý thức và cẩn trọng với mặt trái của Facebook.
KIM CHI