Ngày 13-5, thẩm phán Alfredo Sanchez tại tòa án phía Tây tỉnh Mendoza, Argentina, đã yêu cầu mạng xã hội Facebook đóng cửa tất cả những diễn đàn của trẻ em tham gia trên mạng xã hội này, sau vụ việc 11.000 học sinh trung học cơ sở thông qua trang mạng xã hội này để rủ nhau… bỏ học không phép trên Facebook, cùng nhau tụ tập tại một quảng trường. Sự kiện này đã gây chấn động tại Argentina.
Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, trang web chia sẻ hình ảnh You Tube, bởi nó đáp ứng được khát khao cập nhật kiến thức và chia sẻ với người khác của cư dân mạng. Vì thế, mạng xã hội tuy không phải là các kênh chính thống đối với các vấn đề kinh tế và chính trị nhưng nó lại là kênh dễ tạo ra trào lưu và thu hút người đọc.
Tại Mỹ, các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 đều khai thác và tận dụng các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, để quảng bá hình ảnh cá nhân, thu hút cử tri và gây quỹ tranh cử. Điều này cũng được ứng dụng trong cuộc bầu cử vừa qua tại Anh. Đối với kinh doanh, mạng xã hội được xem là hình thức marketing mới. Xu hướng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông dần chuyển sang mạng xã hội.
Tuy nhiên, sau thời gian cả thế giới cùng sốt với các mạng xã hội, giờ đây người ta đang bắt đầu trở nên dè chừng, đặt câu hỏi về những lợi ích thật sự sau khi những kẻ cuồng tín, tội phạm sử dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích cá nhân xấu xa.
Sự kiện xảy ra gần đây nhất là tại Anh. Ashleigh Hall, một thiếu nữ Anh 17 tuổi đã tìm đến cái chết vì bị một kẻ trên mạng Facebook lừa đảo. Vụ rủ nhau “tự tử tập thể” lôi kéo 200 người sử dụng Facebook tại Hồng Công, Trung Quốc, vào cuối năm ngoái khiến các nhà chức trách nước này buộc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm rình rập trên mạng. Nước Mỹ giờ đây đã bắt đầu cảm nhận được sự nguy hiểm của sự “quá cởi mở” trên các mạng xã hội và đang hối hả tìm cách chữa cháy.
Lợi ích là điều không thể phủ nhận song mặt trái của mạng xã hội hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều, xuất phát từ xu hướng tự do hóa trên mạng. Nếu không quản lý chặt, không nghiêm khắc xử lý sẽ tạo ra những kẽ hở để những kẻ trục lợi tha hồ thao túng và điều khiển một lượng đông đảo cư dân mạng để phục vụ cho những mục đích xấu, tạo nên một trào lưu sống không lành mạnh hoặc thậm chí một vài nước lợi dụng để can thiệp công việc nội bộ các nước khác.
Sự xuất hiện của một cộng đồng mạng bất ổn trong một xã hội đang phát triển ổn định sẽ kìm hãm chính sự phát triển của xã hội đó.
THANH HẰNG