Bà con các dân tộc ở miền núi phía Bắc thường dùng khái niệm “con dao quăng” để chỉ khoảng cách. Nó được người Kinh du nhập và sử dụng khá thường xuyên nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận.
Ngược dòng lịch sử, Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, Thái Tổ hoàng đế, có chép một việc phi thường. “Lê Phụng Hiểu người hương Băng Sơn, thuộc châu Ái, lúc trẻ tuổi khỏe lắm. Hai thôn Cổ Bi và Đàm Xá tranh nhau địa giới, đem đồ khí giới để đánh nhau. Phụng Hiểu bảo người làng Cổ Bi rằng: “Một mình tôi có thể đánh được bọn họ”. Các phụ lão mừng lắm, làm cơm rượu để thết. Phụng Hiểu ăn một bữa vài đấu gạo, uống cũng quá mức, rồi đến khiêu chiến với thôn Đàm Xá. Phụng Hiểu dún mình nhổ cây lên đánh bừa, làm bị thương nhiều người. Thôn Đàm Xá sợ quá phải trả lại ruộng cho thôn Cổ Bi. Thái Tổ nghe tiếng ấy, dùng làm tướng, thăng vũ vệ tướng quân. Đến đây có công dẹp nạn, cho làm đô thống thượng tướng quân, tước hầu. Trong đời Thiên Cảm thánh vũ, theo Thái Tôn đi đánh miền Nam, làm tiên phong, phá tan quân giặc, danh tiếng rung động nước Phiên. Khi thắng trận về định công, Phụng Hiểu nói: “Tôi không thích thưởng tước, chỉ xin đứng ở núi Băng quăng con dao lớn đi xa, xem con dao rơi xuống chỗ nào trong đất công thì ban cho làm thế nghiệp”. Vua bằng lòng cho Phụng Hiểu lên núi cầm dao quăng một cái xa đến hơn mười dặm, dao rơi xuống hương Đa Mi, vua lấy ruộng đấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném dao ấy. Vì vậy ở châu Ái thưởng công có tên là ném dao”.
Bà con các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có câu quang mịt là ném dao, quang mịt họt có nghĩa là ước lượng khoảng cách gần từ nơi đang đứng đến vị trí nào đó bằng cách ném (quăng) con dao về hướng đó. Tiếng Thái, quang nghĩa là ném, mịt là dao, họt là đến.
Nhưng trong cuộc sống, ý nghĩa của khái niệm “dao quăng” cũng không hẳn thế. Ông Nguyễn Đình Thắng, nhớ lại: “Năm 1983, khi tôi vừa nhập ngũ, có lần đi vào Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), gặp đồng bào dân tộc Tày, chúng tôi hỏi như ở xuôi vẫn hỏi là đường vào chỗ ấy, chỗ nọ còn xa không. Bà con trả lời: “Còn một con dao quăng nữa thôi”. Lúc bà con đi rồi, chúng tôi động viên nhau: “Cứ cho họ khỏe đi cũng không thể quăng dao nổi 1km, còn gần đây thôi”. Ấy vậy mà chúng tôi đi khoảng chục cây số mới đến. Mấy anh em đều thắc mắc nhưng không biết hỏi ai. Sau này khi tôi sang Hà Giang ở với đồng bào dân tộc Tày thì họ lại không có khái niệm ấy”.
Từ thôn Nà Lồm, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, tôi hỏi đi lên núi chỗ có nhiều cây trà cổ thì mất khoảng bao lâu, đồng bào người Tày trả lời: “Xa đấy, phải hai con dao quăng”. Nhưng cách tính ở đây lại khác kiểu của ông Lê Phụng Hiểu xưa. Chả là con đi đâu cũng đeo bao dao ở thắt lưng. Con dao rựa dùng để phát quang cành cây lòa xòa trước mặt, phát cỏ rậm rạp dưới chân để lấy lối đi, hoặc để đánh dấu đường đi trong rừng rậm, cũng có khi là để tự vệ. Vì con dao nặng đến trên dưới 1kg nên khi đeo nó bên hông lâu sẽ thấy mỏi, họ sẽ quăng con dao đeo từ bên hông này sang bên hông kia. Khoảng thời gian giữa hai lần chuyển như thế được tính là một con dao quăng. Như vậy khoảng cách một con dao quăng tùy vào sức khỏe của từng người. Nó cũng tùy vào thời gian đi: lúc mới đi thì một quăng dao sẽ xa hơn khi đã đi mệt. Những hôm khỏe thì quăng dao cũng xa hơn. Những người lớn, người khỏe, người đi rừng quen thì một quăng dao cũng xa hơn. Thế nên một con quăng với người này có thể là 10km, với người khác có khi chỉ dăm cây số.
Truy tìm ý nghĩa lớp lang của những lời ăn tiếng nói chính là đối tượng nghiên cứu của từ nguyên học. Và đó là công việc thật thú vị.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG