Mây đen quá khứ vẫn lơ lửng trên bầu trời Lebanon

Mây đen quá khứ vẫn lơ lửng trên bầu trời Lebanon

Ngày 14-5, Chính phủ Lebanon đã hủy bỏ các biện pháp chống phong trào Hezbollah theo yêu cầu của quân đội Lebanon nhằm bảo vệ hòa bình và thúc đẩy nỗ lực trung gian hòa giải của Liên đoàn Arab.

Quyết định trên là bước tiến đầu tiên hướng tới việc giải quyết bất đồng kéo dài 18 tháng qua giữa chính phủ của Thủ tướng Fouad Siniora và phe đối lập do Hezbollah đứng đầu. Tuy nhiên, bóng mây đen quá khứ về một cuộc nội chiến vẫn đang lơ lửng trên bầu trời Lebanon chừng nào quốc gia này chưa bầu được tổng thống. 

Ngòi nổ chiến tranh đã được tháo

Cuộc xung đột tồi tệ nhất tại Lebanon kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến 1975-1990 bùng phát ở thủ đô Beirut sau khi ngày 6-5, Chính phủ Lebanon quyết định đóng cửa hệ thống viễn thông của lực lượng đối lập do Phong trào Hezbollah đứng đầu với lý do mạng lưới được sử dụng với “những mục đích mờ ám, đe dọa an ninh quốc gia”. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngay lập tức gọi đó là một lời tuyên chiến. Chỉ trong 2 ngày, toàn bộ phần phía Tây thủ đô Beirut, vốn là căn cứ hùng hậu của người Sunni, ủng hộ chính quyền thân phương Tây, đã rơi vào tay lực lượng Hezbollah của người Shiite, vốn ủng hộ Syria và Iran. Mặc dù các lực lượng đối lập ở Lebanon do Hezbollah lãnh đạo đã rút tất cả các tay súng ra khỏi thủ đô Beirut theo yêu cầu của quân đội nước này, nhưng họ cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch “cản trở dân sự” cho tới khi yêu cầu được đáp ứng. 

Mây đen quá khứ vẫn lơ lửng trên bầu trời Lebanon ảnh 1

Quân đội Lebanon triển khai lập lại trật tự tại thành phố Tripoli ở miền Bắc.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Fouad Siniora gọi hành động của Hezbollah là một cuộc “đảo chính đổ máu” và sẽ không thay đổi quyết định điều tra mạng lưới viễn thông riêng của Hezbollah - nguyên nhân dẫn tới những hành động bạo loạn mới nhất của phong trào vũ trang này. Cuộc đối đầu bạo lực kéo dài 6 ngày giữa các phe phái đối địch đã làm ít nhất 81 người thiệt mạng và Liên đoàn Arab đã phải vào cuộc với vai trò trung gian.

Ngay sau khi Bộ trưởng Thông tin Ghazi Aridi đọc tuyên bố rút lại lệnh cấm mạng lưới viễn thông của Hezbollah và quyết định sa thải giám đốc an ninh sân bay Beirut, những người ủng hộ Hezbollah đã nã đạn vào không trung ở thủ đô Beirut để ăn mừng cái mà nhóm này coi là một thất bại lớn đối với chính phủ. 

Từ tình trạng “quyền lực chân không” 

Những gì diễn ra đã đẩy Lebanon lâm vào khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi nội chiến kết thúc cho tới nay, đặc biệt trong bối cảnh nước này ở trong tình trạng “quyền lực chân không” trong 5 tháng qua. Kể từ tháng 11-2007 đến nay, Lebanon không bầu được tổng thống và cơ cấu chính phủ mới vẫn còn treo lơ lửng. Theo Hiệp ước chia sẻ quyền lực TAIF ký kết sau khi nội chiến 1975-1990 kết thúc, vị tổng thống phải là một người thuộc phái Thiên Chúa giáo Maronite, còn thủ tướng là người Hồi giáo Sunni, phó thủ tướng là người Chính thống giáo, và chủ tịch Quốc hội là người thuộc Hồi giáo Shiite. Các vị trí khác sẽ được phân chia đồng đều theo kết quả bầu cử. Công thức này đã tồn tại hơn 3 nhiệm kỳ tổng thống nhưng đến nay dường như chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng. 

Kể từ sau vụ cựu Thủ tướng Rafik Hariri bị ám sát vào ngày 14-2-2005, tình hình Lebanon bắt đầu bất ổn trở lại với hàng loạt vụ ám sát liên tục xảy ra. Tổng thống Lebanon giải tán chính phủ và bổ nhiệm cựu thủ tướng Omar Karami, một nhân vật thân Syria, lên làm thủ tướng. Nhân vật thân Syria này lại thành lập một chính phủ toàn những khuôn mặt thân Syria, điều này gây phản ứng nơi các phe phái khác, đẩy đất nước vào một không khí chính trị nóng bức với khẩu hiệu chống Syria. Thế là, chưa đầy 2 tuần lễ, tân thủ tướng lại bất ngờ tuyên bố từ chức.

Kể từ đó, phe đối lập liên tục gây sức ép đòi chính phủ của Thủ tướng Fouad Siniora từ chức. Ngược lại, liên minh cầm quyền cũng mở chiến dịch đòi giải giáp phái Hezbollah. Tháng 11-2006, 5 bộ trưởng trong chính phủ là người của Hezbollah đồng loạt từ chức, những người ủng hộ Hezbollah tràn xuống đường tạo ra một thực thể chính trị vừa hữu hình vừa vô hình đối chọi với chính quyền Beirut. 

Đây là những gút mắc chính khiến cho cuộc bầu chọn tổng thống Lebanon lâm vào bế tắc suốt nhiều tháng qua. Và bế tắc này đang đặt Lebanon trước nguy cơ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, làm tăng lo âu các phái chính trị chống nhau sẽ thành lập hai chính phủ đối kháng với nhau. Hỗn loạn chính trị và nguy cơ nội chiến tái diễn là điều được tiên đoán do các bên sẽ sẵn sàng dùng bạo lực để giành phần thắng về mình. 

Đến Hezbollah đang dồn các đồng minh của Mỹ vào chân tường? 

Với việc nhanh chóng kiểm soát thủ đô Beirut, Hezbollah đã thể hiện sự sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại liên minh cầm quyền và có thể làm nhiều hơn thế trong cuộc chiến quyền lực ở Lebanon theo cách của họ. Thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, tuyên bố sẽ chống lại bất cứ người nào tìm cách giải giáp phong trào này. Tuyên bố trên đã làm thay đổi các quy luật trong cuộc chiến quyền lực giữa Hezbollah với liên minh cầm quyền. Nhà bình luận Suleiman Taqieddin của báo “as-Safir” cho rằng Hezbollah sẽ tiến hành một chiến dịch khác ở những khu vực khác “nếu các yêu sách chính trị không được đáp ứng”.

Việc Hezbollah nắm quyền kiểm soát thủ đô Beirut là một bước leo thang của chiến dịch 18 tháng chống lại chính phủ. Vì được nhiều quốc gia phương Tây và Arab ủng hộ nên chính phủ này đã không chịu nhượng bộ trước các yêu cầu của phe đối lập đòi có quyền phủ quyết thực sự trong nội các. Đối với Hezbollah, nội các của Lebanon chỉ là một công cụ thực thi chính sách của Mỹ, trong khi phái này muốn bảo vệ kho vũ khí của họ bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2004 (yêu cầu giải giáp tất cả các nhóm vũ trang Lebanon). Phong trào này cũng muốn tham gia điều hành các cơ quan an ninh của Lebanon, hiện do các chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền kiểm soát kể từ khi Syria rút quân.

Cuộc đấu tranh quyền lực giữa liên minh cầm quyền do phương Tây hậu thuẫn và phe đối lập, do Hezbollah thân Syria đứng đầu, đã làm chính phủ tê liệt trong một năm qua. Theo các nhà phân tích, Mỹ có thể tăng cường hậu thuẫn cho Chính phủ Lebanon, nhưng cả Mỹ và Syria, và có thể cả Iran đều đóng vai trò nhất định trong các diễn biến trên. Điều đó lý giải tại sao lại có cuộc khủng hoảng này và khả năng còn có những cuộc khủng hoảng khác nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, chỉ thỏa thuận về người kế nhiệm ông Lahoud và nội các do tổng thống mới thành lập được coi là quan trọng để tháo ngòi cho cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, Lebanon phải chia sẻ quyền lực và ngăn chặn bạo lực nhuốm màu tôn giáo như thế nào mới là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Bóng đen quá khứ 18 năm trước đang nhăm nhe quay lại bất kỳ lúc nào.

(Theo AP, Reuters)
HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục