Máy tính nhỏ nhất thế giới chỉ bằng một góc hạt gạo

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Michigan (UM) của Mỹ đã chế tạo được chiếc “máy tính” nhỏ nhất thế giới, một thiết bị mỗi chiều chỉ có 0,3 mm, chỉ bằng một góc hạt gạo. Chiếc máy tính này đã phá kỷ lục chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới dài 1 mm của hãng IBM trước đó hồi tháng 3. 

Chiếc máy tính siêu nhỏ của Trường Đại học Michigan bị "áp đảo" khi đặt cạnh một hạt gạo. Ảnh: Deccan Herald

Không giống các máy tính truyền thống luôn có chương trình và dữ liệu bất kể khi cắm vào hay rút ra khỏi nguồn điện, thiết bị nhỏ mới được chế tạo sẽ mất toàn bộ chương trình và dữ liệu ngay khi mất điện. 

Ngoài RAM và pin quang học, thiết bị máy tính mới còn có các bộ vi xử lý và các bộ thu và phát không dây.

Được thiết kế như một cảm biến nhiệt độ chính xác, thiết bị mới này biến đổi nhiệt độ thành những khoảng thời gian, được xác định bằng các xung điện tử. Các khoảng thời gian này được đo trên một vi mạch so với một khoảng thời gian đều đặn được gửi đi bởi trạm cơ sở và sau đó được biến đổi thành nhiệt độ. Kết quả là máy tính này có thể thông báo nhiệt độ ở những phạm vi rất nhỏ như một cụm tế bào với sai số vào khoảng 0,10C.

Các nhà nghiên cứu hy vọng thiết bị mới này có thể sử dụng để ứng dụng hiệu quả hơn nữa trong công cuộc chẩn đoán và điều trị ung thư. Một nhóm nghiên cứu đang sử dụng cảm biến nhiệt độ này để nghiên cứu các biến đổi nhiệt độ bên trong một khối u so với mô thông thường. 

Các nhà nghiên cứu cũng đang hy vọng tìm được những mục đích ứng dụng khác cho thiết bị máy tính siêu nhỏ được đặt tên là Michigan Micro Mote này.

Tin cùng chuyên mục