Mehico tuyên chiến với tội phạm ma túy

Mehico tuyên chiến với tội phạm ma túy

Mehico đang trong chiến dịch diệt trừ bọn tội phạm ma túy. Từ sau khi đắc cử, Tổng thống Felipe Calderon nhiều lần kêu gọi và huy động toàn lực quốc gia chống tội phạm ma túy. Sự lũng đoạn của bọn buôn ma túy đang phá hoại an ninh quốc gia. Chiến dịch xem ra khá gian nan bởi phần lớn các thống đốc và thị trưởng đều tránh né vấn đề, che giấu sự sợ hãi, thậm chí đồng lõa với bọn tội phạm có tổ chức…

Huy động toàn lực chống tội phạm ma túy

Mehico tuyên chiến với tội phạm ma túy ảnh 1

Tổng thống Felipe Calderon nỗ lực tấn công ma túy.

Tổng thống Vincente Fox (nhiệm kỳ năm 2001-2006) đã giao lại cho người kế nhiệm Felipe Calderon một nền an ninh… gần như không có.

Mấy ngày sau khi nhậm chức từ 1-12-2006, vị tân tổng thống cho biết đang sử dụng “Toàn bộ lực lượng quốc gia để bứt rời không gian công cộng ra khỏi bàn tay của bọn tội phạm và “giải phóng” đất nước Mehico!”.

Một câu nói thể hiện quyết tâm cao độ. Quân đội được triển khai ra 8 tiểu bang – trong đó có 6 ở trong vùng chiến lược phía Bắc – trên vùng đất rộng 763.000 km2 bao gồm 24 triệu dân. Huy động quân đội là giải pháp sau cùng, bởi sự tham nhũng, bất lực và đồng lõa với tội phạm ma túy của hàng trăm ngàn cảnh sát, vốn được trả lương rất thấp.

Hành động đó cho thấy quyết tâm của vị tổng thống nhằm giành giật những khu vực gần như bị lũng đoạn bởi các tổ chức tội ác. Thoạt đầu, theo kế hoạch, quân đội sẽ tuần tra trên đường phố, thu thập tin tức tình báo và được phép bắt giữ bọn capos (tội phạm ma túy) cũng như giải giới các biệt đội sát thủ của chúng. Chiến dịch được dân chúng hoan nghênh. Họ đã quá chán ngán cảnh bắt cóc, tấn công bằng vũ khí và giết người.

Khi chính phủ liên bang gởi 7.000 quân đến Michoacán, quê hương của tổng thống Felipe Calderon, nơi hai băng đảng Golfe và Sinaloa đang tử chiến với nhau để tranh giành lãnh thổ, mọi người rất hy vọng.

Theo chiến dịch Tijuana, chính phủ cho biết 3.000 lính bộ binh và thủy quân lục chiến, thuyền máy cao tốc và xe tăng được gởi đến thành phố tiếp giáp giữa Hoa Kỳ, Mehico và Thái Bình Dương. Dân chúng thở phào, nhẹ nhõm. Cứu tinh đã đến.

Phải mất 20 năm và hàng chục ngàn người chết hay mất tích, nay Chính phủ Mehico mới xem mối đe dọa của các tổ chức tội ác là điều nghiêm trọng, sau khi chúng áp đặt luật lệ của mình trên… 40% lãnh thổ! Cuộc chiến chống bọn tội phạm có tổ chức suốt quá trình hoạt động lâu dài như thế hẳn không dễ dàng.

Gian nan cuộc chiến

Mehico tuyên chiến với tội phạm ma túy ảnh 2

Osiel Cardenas, trùm băng đảng vùng vịnh Mehico bị bắt giữ.

Từ 10 năm qua, để bảo đảm cho các chuyến hàng vận chuyển trót lọt, các ông trùm ma túy Mehico chỉ tuyển mộ thuộc hạ trong hàng ngũ… xuất sắc nhất của quân đội! Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mehico, việc binh lính gia nhập hàng ngũ bọn tội phạm này phát triển từ cuối thập niên 1990.

Chính thời kỳ đó, khi quân đội tuyên chiến với vấn nạn buôn lậu ma túy, đã ra đời một băng đảng có vũ trang khủng khiếp nhất có tên gọi là Los Zetas – Bọn Z.

Với lực lượng nhân sự, vũ trang, và thái độ ngày càng hung hãn, chúng có mặt khắp nơi: từ phi trường, cho đến hải quan, cửa khẩu, và các vùng nông thôn. Chúng đã biến đất nước Mehico thành một bãi… chiến trường!

Điều có vẻ như chỉ là một tin đồn đáng báo động, phổ biến trên các phương tiện truyền thông đã trở thành… sự thật, khi vào ngày 24-5-2007 Bộ trưởng Tư pháp Eduordo Medina Mora công nhận trước cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Liên bang rằng: Chính phủ đã mất khả năng kiểm soát toàn bộ những vùng đất nằm dưới tay buôn lậu ma túy.

Ông Bộ trưởng đã tóm lược vấn đề như sau: Những thành phần tinh túy của quốc gia bị thối rữa trong một số vùng. Nơi đây, các tổ chức tội phạm kiểm soát lực lượng cảnh sát bằng hối lộ. Chúng đã tước đoạt lực lượng cảnh sát của chúng ta.

Mehico tuyên chiến với tội phạm ma túy ảnh 3

Tướng quân đội Jesus Gutierrez Rebollo, đồng đảng của bọn buôn ma túy đã bị bắt thời Tổng thống Ernesto Zedillo (1994-2000).

Câu chuyện về bọn Zetas khởi đầu năm 1997, khi tổng thống Ernesto Zedillo (nhiệm kỳ 1994-2000 ) quyết định sử dụng quân đội để chống ma túy.

Việc bắt giữ tướng Jesus Gutierrez Rebollo, đồng đảng của ông trùm Amado Carrillo Fuentes (biệt danh “Đức Chúa trời”, cầm đầu băng đảng Juarez, chết năm 1997), khiến chính phủ và quân đội đã quyết tâm tận diệt buôn lậu ma túy.

Khi đó Chính phủ liên bang lập ra Hệ thống an ninh quốc gia và gởi quân đội chi viện cho cảnh sát, với các tướng lãnh cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng, nhất là vùng biên giới.

Cùng lúc đó thủ lĩnh băng đảng Vùng Vịnh Mehico đã lập ra một kế hoạch thâm độc tại bang Tamaulitas, vùng đông bắc Mehico, lãnh địa của mình: tuyển mộ quân đội phục vụ buôn lậu ma túy! Osiel Cardenas tuyên bố sẽ tuyển mộ người xuất sắc nhất trong quân đội. Đó là bối cảnh ra đời của thế hệ Los Zetas đầu tiên (phần lớn là chuyên gia sửa máy bay của Lực lượng đặc biệt-GAFE).

Trong khoảng từ năm 1997-1999, Chánh biện lý quốc gia Jorge Madrazo Cuellar đã điều động các tướng lãnh và sĩ quan cấp cao đến vùng biên giới. Chẳng bao lâu sau đó, nhằm quân sự hóa lực lượng cảnh sát, quân đội đã gởi nhóm GAFE đến chi viện. Nhóm này được gia nhập Văn phòng chống tội phạm y tế – FEADS.

Với chiến lược “binh vận”, băng đảng Vùng Vịnh đã bắt đầu móc nối với các thành viên của GAFE. Bọn này lần lượt rời khỏi quân đội, trong lúc một số khác vẫn còn ở lại để làm việc cho cả hai phía. Trong một thời gian ngắn, có gần 40 binh sĩ thuộc đủ mọi cấp bậc, trong đó có nhiều trung úy và đại úy gia nhập vào băng đảng.

Bằng cách đó, Osiel Cardenas đã trở thành một ông trùm lớn của vùng Vịnh Mehico. Bọn người này bảo vệ cho hắn và cung cấp mọi thông tin về hoạt động của quân đội Mehico.

Ngày nay, một số thành viên ban đầu của Los Zetas đã chết hay vào tù. Nhưng thế lực vẫn còn rất mạnh. Hiện nay chính phủ đang điều tra 27 tên thủ lãnh của Zetas. Mặc dù Osiel Cardenas đã bị dẫn độ sang Hoa Kỳ và nhiều thiệt hại trầm trọng khác, băng đảng Vùng Vịnh vẫn còn rất mạnh.

Theo Chánh biện lý quốc gia, Los Zetas kiểm soát phần lớn các bang Tamaulipas và Nuevo Leon. Tại nhiều thành phố lớn của hai bang này, bọn Los Zetas công khai gây chiến tranh, tấn công các đối thủ, bắt cóc và đòi tiền chuộc mạng các chủ xí nghiệp, đánh thuế các động mãi dâm và quán rượu. Tình trạng kinh tế rất khó khăn của binh sĩ là nguyên nhân chủ yếu để họ đầu quân vào các băng đảng.

Theo tạp chí El Pais (Tây Ban Nha), Proceso (Mehico) 

ĐINH CÔNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục