
- Đã có 26 người chết và mất tích

Thị trấn Tiên Yên thuộc huyện vùng cao Tiên Yên (Quảng Ninh) chìm ngập trong nước lũ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 6 huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh chìm trong nước lũ. Nặng nề hơn cả là “rốn lũ” huyện Tiên Yên có 10 xã bị chìm trong nước. Khu vực ngã ba Yên Than, nơi được coi là “giao lộ” của 3 tuyến quốc lộ lớn là 18A đi cửa khẩu Móng Cái, 18C đi cửa khẩu Bình Liêu và 4B đi TP Lạng Sơn, đến sáng nay, mặc dù đã được thông xe tạm thời nhưng việc đi lại rất khó khăn. Nhiều đoạn đường đã bị nước lũ cuốn trôi.
Đặc biệt, một cây cầu ở Yên Than đã bị lũ cuốn phăng. Giao thông tê liệt. Hiện tại, nước lũ đã rút nhưng không đáng kể.
Trên tuyến đường 18C đi cửa khẩu Bình Liêu, cầu Khe Lánh bị lũ cuốn trôi. Cách đó không xa là cầu Pắc Coóc bị sạt lở, có khả năng bị trôi. Còn đoạn chân dốc Lục Ngà-Khe Tráp trôi toàn bộ mặt đường dài 40m, rộng 4m. Cho đến sáng nay, từ ngã ba Yên Than không thể lên được cửa khẩu Bình Liêu.
Theo thông tin nhanh và sơ bộ đến sáng nay của Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Giang… thì mưa lũ đã làm 26 người chết và mất tích. Trong đó, Sơn La có 14 người, Bắc Giang 7 người, Lạng Sơn 4 người, Quảng Ninh 1 người. Hàng ngàn ngôi nhà đang ngâm trong nước lũ đỏ ngầu. |
Chiều qua, một ô tô chở gần 40 khách du lịch Trung Quốc đang trên đường từ Hạ Long về Móng Cái cũng đã bị kẹt tại rốn nước Tiên Yên. Khách phải bỏ xe sơ tán lên núi. Hiện tại, lực lượng cứu hộ của tỉnh Quảng Ninh đã giải cứu họ về nơi trú lánh an toàn.
Tại huyện Ba Chẽ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cứu hộ phải buộc dây cáp vào cây bên đường, sau đó men theo dòng nước lũ vào cứu các cháu học sinh của Trường Tiểu học xã Nam Sơn đang bị mắc kẹt. 60 học sinh đã nhanh chóng được đưa lên tầng 2 của trường để lánh nạn, có lương thực, nước uống đầy đủ. Sáng sớm nay, toàn bộ các cháu học sinh đã được đưa ra khỏi khu vực bị nước bao vây.
Ông Đặng Duy Lữ, cán bộ trực ban Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, cho biết, anh em trực ban ở TP Hạ Long để chờ thông tin từ các huyện bị ngập lụt cũng đang “mất ăn mất ngủ” suốt từ chiều qua cho đến sáng nay bởi không thể liên lạc được với những người đang ở “đầu sóng ngọn gió”.
Mưa lũ đã làm hệ thống thông tin, điện thoại, điện lưới giữa Hạ Long và các huyện miền Đông bị cắt đứt. Điện thoại di động cũng không thể liên lạc. Đêm qua, mưa lũ cũng đã làm TP Hạ Long bị mất điện.
Từ chiều qua, các đơn vị cứu hộ đã phải sử dụng hàng loạt xe đặc chủng lội nước của hải quân và xe gầm cao của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam để tiếp cận những vùng bị ngập. Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang tìm mọi cách để ứng cứu, sơ tán dân đang bị kẹt.
* Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tình hình đang thêm căng thẳng. Bởi theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 1g sáng nay, lũ trên sông Kỳ Cùng đã trên báo động 3 là 1,2m và còn có thể tăng lên do mưa vẫn đang rất lớn.

Một chiếc xe tải bị lũ cuốn trôi ở xã Yên Than (Tiên Yên-Quảng Ninh)
* Tại tỉnh Bắc Giang, việc cứu dân, sơ tán nhà cửa, đồ đạc đang rất khẩn trương. UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu đưa 110 xe ô tô và 1.700 bộ đội vào các xã bị cô lập để sơ tán, di dời dân khỏi nước lũ.
Sáng nay, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bắc Giang đã đưa hơn 5.000 bao tải và 500m2 bạt chống sóng xuống gia cố đập. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang cũng đã điều động 3 xuồng, 2 xe Zin 131, 110 bộ đội, 3 máy bộ đàm tham gia ứng cứu ở huyện Sơn Động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh đưa 3.000 thùng mì tôm, 2.500 chai nước uống, 500kg thuốc phòng tả, tập trung ưu tiên cho Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn, nơi đang có 170 bệnh nhân nằm điều trị và bị cô lập bởi mưa lũ, việc đi lại rất khó khăn
* Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã cử 3 đoàn công tác đi các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Sơn La để phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác đối phó với lũ, lụt. Hiện nay, do giao thông bị chia cắt bởi nước lũ nên việc tiếp cận các “ốc đảo” rất khó khăn.
Ủy ban quốc gia TKCN cũng đã huy động hơn 5.000 bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ, 6 xe đặc chủng lội nước, 50 phương tiện các loại khác, 22 xuồng cao tốc để tham gia ứng cứu cho các địa phương.
Văn Phúc Hậu
Trưa nay, lũ tại sông Lục Nam tương đương mức lịch sử Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, sáng nay, 27-9, lũ trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục lên nhanh. Mực nước lúc 10g sáng nay, tại Lục Nam là 7,90m, trên mức báo động 3 là 2,1m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 6,3m, trên báo động 3 là 0,5m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,3m và hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,66m, xấp xỉ mức báo động3. Dự báo lũ trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục lên. Trưa, chiều nay, mực nước tại Lục Nam sẽ đạt đỉnh ở mức 8m, trên mức báo động 3 là 2,2m, tương đương lũ lịch sử (8,04m) tháng 7-1986. Lũ trên các sông Thương và Cầu sẽ đạt đỉnh: mực nước tại Phủ Lạng Thương là 6,6m, trên báo động 3 là 0,8m; tại Đáp Cầu là 5,8m, ở mức báo động 3. Sáng mai (28-9), mực nước hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại sẽ lên 5,5m, ở mức báo động 3. Lê Văn ĐBSCL: Lũ lên nhanh từ 3-5cm/ngày * Báo động trẻ em chết đuối mùa lũ (12G).- Sáng nay, 27-9, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang cho biết, mực nước lũ đầu nguồn trên sông Tiền, sông Hậu đang lên nhanh. Tại Tân Châu, mực nước đo được là 3,69m; tại Châu Đốc là 3,07m, đều vượt báo động 2. Dự báo, mực nước lũ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP 12 Giờ vào sáng nay, ông Đỗ Vũ Hùng, Thường trực Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh An Giang lo ngại, hiện tại trên 90.000ha lúa vụ 3 chỉ mới thu hoạch được hơn 2.000ha. Lũ lên cộng với mưa nên nhiều diện tích lúa bị ngập. Lo ngại nhất hiện nay là đã có 6 trẻ em chết đuối do lũ. Ban chỉ huy đang phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức những điểm giữ trẻ và vận động các bậc cha mẹ tăng cường trông coi trẻ. * Trước tình hình lũ lên nhanh, Ban chỉ huy PCLB - TKCN Tiền Giang đã đắp trên 800 cống, đập bảo vệ khoảng 50.000ha vườn cây ăn trái. Song song đó, xử lý trên 30 điểm sạt lở ở Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước… nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục lan rộng. * Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt tại các xã Long Khánh A, Long khánh B, Phú Thuận A, Long Thuận (huyện Hồng Ngự); xã Tân Quới, Tân Bình (huyện Thanh Bình); xã An Hiệp (huyện Châu Thành) làm 1 người chết. Hiện tại, toàn tỉnh có 42 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh xảy ra sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 74km, diện tích đất bị sạt lở mất khoảng 28ha, có 2.172 hộ nằm trong vành đai sạt lở phải di dời khẩn cấp. Nguyễn Duy - Hồng Ngự |