Miền Bắc ráo riết chống hạn

Miền Bắc đang khô hạn nặng, ước tính có khoảng 650.000ha lúa đông xuân sẽ thiếu nước tưới (tăng 2 lần so với năm trước). Trước tình hình thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức cuộc họp khẩn với các địa phương để bàn bạc các giải pháp chủ động chống hạn, đảm bảo mùa vụ gieo trồng diễn ra suôn sẻ.
Miền Bắc ráo riết chống hạn

Miền Bắc đang khô hạn nặng, ước tính có khoảng 650.000ha lúa đông xuân sẽ thiếu nước tưới (tăng 2 lần so với năm trước). Trước tình hình thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức cuộc họp khẩn với các địa phương để bàn bạc các giải pháp chủ động chống hạn, đảm bảo mùa vụ gieo trồng diễn ra suôn sẻ.

  • Lo cho cây lúa

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, hiện miền Bắc đang bị khô hạn ở mức nặng. Do không có mưa, lũ ở thượng nguồn cũng không về nên nhiều hồ chứa thủy điện chỉ đạt trên dưới 50% dung tích. Nhiều địa phương như Hà Nội, Sơn La, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ… nhiều tháng liền không có mưa, ruộng đồng bắt đầu khô nứt nẻ. Hiện đang bước vào vụ thu hoạch rau nhưng ở nhiều nơi, nông dân không tìm được nguồn nước tưới. Trong khi chỉ còn 1-2 tháng nữa là bước vào vụ đông xuân 2011, vụ gieo trồng lúa chủ lực trong cả năm nhưng do khô hạn kéo dài, nhiều nông dân không khỏi lo ngại về việc có nên bỏ hoang ruộng đồng.

Người dân ở thôn Phú Lãm (Hà Đông - Hà Nội) sử dụng máy xúc để nạo vét, xây dựng thêm hệ thống kênh mương tưới nước nội đồng.

Người dân ở thôn Phú Lãm (Hà Đông - Hà Nội) sử dụng máy xúc để nạo vét, xây dựng thêm hệ thống kênh mương tưới nước nội đồng.

Tính toán của Tổng cục Thủy lợi, nếu cứ kéo dài tình trạng không có mưa như hiện nay thì miền Bắc sẽ có khoảng 650.000ha lúa đông xuân 2010-2011 rơi vào tình cảnh khô hạn, trong đó khoảng 30% sẽ khô hạn nặng. Các địa phương ở miền Nam, đặc biệt là ĐBSCL mức độ ảnh hưởng bởi khô hạn ít hơn vì khoảng tháng 3-4 trở đi là sẽ có mưa. Tuy nhiên nơi đây lại chịu tác động của mặn xâm nhập vào tháng 1 và 2.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ở miền Bắc hiện nông dân đang đứng trước khó khăn, là trong khi khô hạn diễn ra ngày càng gay gắt trên diện rộng thì việc gieo trồng lúa chiêm lại triển khai đúng vào thời kỳ rét đậm, rét hại. “Thiếu nước thì cây lúa không thể đương đầu với rét đậm, rét hại được”- ông Ngọc lo ngại.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, thời tiết từ nay cho tới cuối năm càng ít có mưa xảy ra. Do đó, dòng chảy các sông ở Bắc bộ sẽ càng giảm nhanh và có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm từ 20%-40%. Từ thượng nguồn tới hạ du các con sông đều khô hạn rõ. Bởi vậy, hạn hán không chỉ xảy ra ở vùng núi cao mà còn lan xuống tận các tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình... là những vựa lúa chính của miền Bắc.

Bên cạnh đó, mùa đông năm nay miền Bắc sẽ xảy ra 3 - 4 đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ dưới 15°C. Đợt rét đậm đầu tiên sẽ xuất hiện sớm vào đầu tháng 12 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 2-2011.

  • Điện - lúa sẻ chia nguồn nước hiếm

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa có chỉ thị gửi các địa phương yêu cầu tập trung cho việc chống hạn để giúp nông dân ổn định sản xuất. Giải pháp đưa ra là phải chủ động tích trữ, khai thác nguồn nước một cách tiết kiệm.  Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các địa phương cần điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển dịch mạnh sang cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có thời gian sinh trưởng ngắn…

Bên cạnh đó, nông dân nên lùi thời hạn gieo trồng sang vụ xuân muộn để lúa trổ bông đúng vào thời kỳ tháng 3-4 là lúc có mưa trở lại. Ngoài ra cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới trên các hồ chứa. Tuyệt đối không được tháo nước để đánh bắt cá, sử dụng các máy phát điện nhỏ trên các hồ chứa thủy lợi.

Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, để chủ động ứng phó với hạn, các địa phương đang gấp rút bảo dưỡng máy bơm, nạo vét kênh mương. Hiện có gần 10.000 máy bơm ở khu vực phía Bắc cần phải sửa chữa.

Ngoài ra, các địa phương cũng có kế hoạch lắp đặt khoảng 1.200 máy bơm điện và 3.800 máy bơm dầu dã chiến, đến tháng 12-2010 sẽ hoàn thành 25%, còn lại sẽ lắp đặt khi cần. Tới tháng 1-2011 sẽ hoàn thiện việc nạo vét toàn bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, các bể chứa nước với khoảng 20 triệu m³. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy lợi khẳng định, giải pháp quan trọng vẫn là các hồ chứa thủy điện phải xả nước để cung ứng nguồn nước tưới cho việc gieo trồng lúa ở hạ du.

Do đó, mới đây giữa Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có cuộc họp bàn bạc về lịch cũng như dung lượng nước cần xả cho hạ du để vừa đảm bảo hài hòa việc trồng trọt cũng như nhu cầu nước cho phát điện.

Theo đó, EVN khẳng định trong vụ đông xuân năm nay sẽ có 2 đợt xả nước từ ba công trình hồ thủy điện là Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà để đảm bảo nguồn nước tưới cho miền Bắc. Đợt một sẽ diễn ra từ ngày 27-1 đến 2-2 và đợt hai từ ngày 8-2 đến 14-2-2011. Tổng lượng nước xả khoảng 2,6 tỷ m3. Trong đó hồ Thác Bà xả 336,9 triệu m³, hồ Tuyên Quang xả 712,8 triệu m³ và hồ Hòa Bình xả 1.542,2 triệu m³.

Tính ra, năm nay EVN xả ít hơn 1-2 đợt vì do khô hạn kéo dài, các hồ chứa thủy điện hiện cũng không tích đủ nước nên phải hạn chế đợt xả để đảm bảo việc phát điện không bị ảnh hưởng. Còn để xả đủ lượng nước cho hạ du đồng bằng Bắc bộ, theo tính toán của EVN sẽ phải xả tổng lượng nước khoảng 3,5 tỷ m³ (để duy trì mực nước sông Hồng tại trạm Hà Nội ở mức 2,2m)

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục