Miền đất hiếu khách

Trong thế giới phẳng, các nền kinh tế phải mở cửa hội nhập, hợp tác chia sẻ để cùng phát triển. Song các nhà đầu tư dài hạn, khách du lịch có đến với anh hay không phụ thuộc vào tài nguyên, vốn mà anh đang có. Tài nguyên không chỉ là đất đai, khoáng sản, khí hậu, địa lý mà còn cả vốn xã hội. 
Du khách nước ngoài thưởng thức nghệ thuật múa rối nước
Du khách nước ngoài thưởng thức nghệ thuật múa rối nước

Sự thân thiện, mến khách, sẵn sàng làm bạn với tất cả các dân tộc được coi là một trong số các ưu thế quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư. Không ai muốn đến, dù chỉ là ngắn hạn nếu người dân nơi đó tỏ thái độ kỳ thị, tẩy chay, lạnh lùng vô cảm. Do vậy, trong xã hội hiện đại, “thân thiện, hiếu khách” là một trong số các chỉ báo quan trọng nhất của một nền kinh tế có đẳng cấp toàn cầu hóa. Sài Gòn - TPHCM cũng đang sở hữu loại tài nguyên xã hội vô giá này.

Đa dạng về tôn giáo, dân tộc và văn hóa

Tuổi đời hình thành của nước Mỹ và của vùng đất Nam bộ xấp xỉ bằng nhau. Hơn 300 năm trước, hai nơi này đều là những vùng đất mới, còn rất ít bóng dáng con người và hai vùng đất đều tỏa ra sức hút kỳ lạ. Mọi người khắp nơi trên thế giới kéo đến Bắc Mỹ vì đất đai ở đây cực kỳ thuận lợi cho canh tác, tài nguyên giàu có bậc nhất thế giới với dầu mỏ như vô tận, than đá lộ thiên và nhất là những hầm vàng khối miền Viễn Tây. Sự hình thành nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trải qua những trang sử rất hào hùng nhưng lại rất tàn khốc. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 đã nhuốm máu của biết bao nhiêu người da trắng, da đỏ, da đen, da vàng qua các cuộc nội chiến, thanh trừng lẫn nhau. Các xung đột không chỉ xuất phát từ các phe nhóm, đảng phái chính trị mà còn chính từ các nhóm dân cư do bất đồng về lợi ích, văn hóa và tôn giáo. 

Trong lịch sử dịch cư của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đã xảy ra nhiều bi kịch, rất ít cuộc di cư được chào đón và thân thiện mà phần nhiều là thấm đầy máu và nước mắt. Lịch sử ở một số nước Đông Nam Á ghi nhận ở một số thời điểm đã có những cuộc thanh trừng, tàn sát, tẩy chay người Nhật Bản, người Hoa và người châu Âu. Nhà cầm quyền thì dùng chính sách “bài ngoại” đẩy người nhập cư ra khỏi thành thị và quốc gia, còn người dân bản địa tỏ thái độ ghẻ lạnh, bất hợp tác với họ. 

Hơn 300 năm qua, việc hình thành nên cộng đồng đa dạng về tôn giáo, dân tộc và văn hóa của người dân Nam bộ nói chung và người Sài Gòn - TPHCM nói riêng, xét trong mối quan hệ công dân và quan hệ cộng đồng dân cư với nhau, lại trải qua khá êm ả và thuận thảo.

So với cả nước, TPHCM là địa phương đa dạng nhất về văn hóa, tôn giáo và tộc người. Nơi đây, ngoài người Việt (Kinh) còn có người Chăm, người Khmer, người Hoa, người Ấn... Nếu kể cả các tộc người nhỏ, tất thảy có gần 40 tộc người khác nhau trong danh mục 54 dân tộc anh em đang định cư nơi đây. TPHCM là nơi rất sớm có người nước ngoài đến sinh sống, làm ăn và ngày một đông hơn như người Ấn, Mã Lai, Thái Lan, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Đức…

Nơi “đất lành” với nhiều sự tử tế

Ngay từ thời mở cõi, người nơi khác đến đây, bất cứ là ai, đều được chào đón, miễn là họ không mang vũ khí, không có mưu đồ chiếm đất, làm chuyện xấu xa. Chuyện người này không thích người kia, sự xung đột cá nhân thì ở đâu cũng có, nhưng những cộng đồng này gây sự, kiếm cớ nhằm tẩy chay, xua đuổi nhóm người khác, cộng đồng khác không cho định cư, triệt đường sống, không cho làm ăn, thì hầu như không thấy có ở xứ này. Khái niệm “dân ngụ cư” rất ít người biết đến bởi nói cho cùng thì hầu như tất cả chúng ta đều là dân nhập cư. Người đến trước lâu năm thành cố cựu, người đến sau ban đầu là dân mới rồi riết lại thành cố cựu.

Miền đất hiếu khách ảnh 1 Du khách nước ngoài tham quan TPHCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Người Việt, Hoa, Khmer, Chăm và nhiều sắc dân khác sống với nhau thân thiện như anh em. Thấy người khác làm ăn được thì mừng, không ganh ghét theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” hay “giàu thì ghét, nghèo thì khinh”; thấy người khác khó khăn thì giúp đỡ, chia sẻ không toan tính thiệt hơn theo lối “hòn đất ném đi hòn chì mới ném lại”; thấy người khác giỏi hơn mình thì học hỏi, coi họ là thầy; thấy người khác không biết thì chỉ bảo tận tình, không khinh khi, cạnh khóe.

Người Hoa chỉ cho người khác biết cách buôn bán, lập chợ bán sỉ, mua bán gối đầu. Người Việt chỉ cho người Khmer, người Chăm biết làm nhà, làm ruộng, chăn nuôi. Người Khmer chỉ cho mọi người cách làm các loại mắm. Họ gả con cho nhau mà không phân biệt gốc gác từ đâu. Nhà thờ, thánh thất, chùa, miếu, hội quán, nghĩa trang, chợ của ai cũng được tôn trọng, không có chuyện đốt phá, đập bỏ.

Lễ hội của ai cũng được xem trọng; phong tục ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, đình đám của ai cũng được thực hành, nếu không thích vì sự khác lạ quá mức thì im chứ không hạ nhục nhau. Những người quá đáng, làm ăn không đàng hoàng, sống không tử tế thì mọi người không chơi nữa, không mua bán với nữa: cái sự ấy làm cho họ hoặc tự thay đổi cách sống hoặc âm thầm dời đi nơi khác.

Ngay cả trong những năm chiến tranh, những người Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc đến đây làm ăn, giao thương và làm công chức cũng được người dân địa phương chào đón thân thiện. Rất nhiều người chọn nơi này làm quê hương định cư lâu dài, không về cố quốc nữa. 

Chuyện ở Hội An nhưng cũng là chuyện của xứ mình. Mới đây, ông Gusoku Takeshi, cháu nội đời thứ 21 của thương gia Banjiro, kinh ngạc đến sửng sốt khi tận mắt thấy ngôi mộ cụ tổ của ông ta vẫn được giữ gìn nguyên vẹn như xưa sau hơn 400 năm; hơn thế nữa, hàng ngày vẫn được quét dọn sạch sẽ và hương khói đầy đủ. Những di sản kiến trúc, lịch sử của người Nhật như chùa Cầu, nhà ở, đồ gốm vẫn được giữ gìn, trân trọng. 

Người nước ngoài định cư ngày một đông tạo nên các cộng đồng ngoại kiều mới (sau 1990), hình thành nên các khu phố đặc trưng như người Nhật tập trung ở khu vực các đường Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Thái Văn Lung, Ngô Văn Năm (quận 1); người Hàn Quốc ở An Phú, An Khánh (quận 2), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình); người Đài Loan tập trung đông ở Phú Mỹ Hưng; người châu Âu, Bắc Mỹ cư trú nhiều ở quận 2, Bình Thạnh…

Tinh thần hòa hiệp, trọng nghĩa, hiếu khách được tạo dựng và truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành một truyền thống và đặc trưng của người dân Sài Gòn - TPHCM. Ngày nay, dẫu còn có những chuyện chưa hài lòng, nhưng TPHCM vẫn được coi là nơi “đất lành” với nhiều sự tử tế.

Tin cùng chuyên mục