(SGGP).- Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, đến chiều 20-9, lũ trên hầu hết các sông từ Nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và xuống chậm. Tuy nhiên, lũ từ khu vực Bắc Quảng Bình đến Thanh Hóa đang lên ở mức báo động 2 - báo động 3; nhiều nơi bị ngập từ 1 - 1,5m, hàng trăm hộ gia đình vùng trũng thấp bị cô lập.
Đến ngày 20-9, có thêm 1 trường hợp ở Đà Nẵng bị lũ cuốn trôi vẫn chưa tìm được thi thể. Hiện còn 12 người mất tích. Các cấp chính quyền địa phương tiếp tục huy động mọi phương tiện cùng với người dân tìm kiếm những người mất tích này.
Sáng 20-9, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đánh giá thiệt hại và bàn biện pháp khắc phục đợt lũ lụt vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 5 người chết. Chiều 20-9, các lực lượng cứu hộ tỉnh Đắk Lắk đã tìm thấy tiếp thi thể 3 người dân xã Cư K’bang (huyện Ea Súp), nạn nhân vụ lũ cuốn trôi nhiều người dân xã Cư K’bang khi đi làm rẫy vào ngày 17-9. Thi thể 3 nạn nhân gồm: Đào Văn Dinh (58 tuổi), Đào Thị Thúy (4 tuổi) và Đào Thị Nhình (8 tuổi) được tìm thấy ở gần khu vực làm rẫy. Trước đó, vào ngày 19-9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể ông Đào Văn Lý (49 tuổi) và bà Hầu Thị Mỵ (44 tuổi, cùng ở xã Cư K’bang) đưa về mai táng, đưa 3 mẹ con bà Lý Thị Pằng (47 tuổi, vợ ông Lý), Đào Thị May (16 tuổi) và bé Đào Thị Thủy (16 tháng tuổi) về nhà an toàn. Hiện vẫn còn 3 người dân xã Cư K’bang bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy là Lý Thị Di, Dương Thị Hoa và Đào Thị Pình.
Ngày 20-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 8 nên trong các ngày qua, tại huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), khu vực giáp ranh vùng biên giới với tỉnh Gia Lai liên tục có mưa lớn, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt nhiều vùng tại huyện Ozadao, trong đó có Đồn 703 và Chốt 43 của BĐBP Campuchia. Trước nguy cơ bị lũ quét, trong lúc không có phương tiện để di chuyển, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn 703 đã đề nghị sự hỗ trợ của BĐBP tỉnh Gia Lai, Đồn Biên phòng Ia Lốp (xã Ia Mơr, huyện biên giới Chư Prông). Ngày 18-9, do địa bàn khá phức tạp, lại có nhiều suối lớn nên công tác cứu hộ diễn ra trong gần 7 giờ đồng hồ, đã giải cứu thành công 19 người dân Campuchia trong vùng lũ về nơi an toàn, trong số đó có 7 trẻ em, 5 phụ nữ. Đồn Biên phòng Ia Lốp bố trí cho người dân nơi ăn, ở tạm, chờ nước rút. Ông Ta Bun, Chốt trưởng Chốt 43 (thuộc BĐBP Campuchia) cho hay, nước lũ lên nhanh quá, vùng Ozadao, tỉnh biên giới Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) ngập hết, may có cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Gia Lai cứu giúp.
Chiều 20-9, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, huyện Nam Đông đang nỗ lực kiểm tra và tìm cách liên lạc với 72 người dân đi rừng trong thời gian xảy ra mưa bão số 8 chưa về nhà. Trong đó, xã Hương Lộc 10 người; Hương Hòa 2 người; Thượng Nhật 31 người và xã Thượng Lộ 29 người.
| |
NHÓM PV
Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn Trung ương:
Các địa phương chuẩn bị quá đà!
* Biển Đông lại có siêu bão
(SGGP).- Chiều 20-9, tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn Trung ương tổ chức họp báo tổng kết công tác dự báo cơn bão số 8 đồng thời cho biết, hiện ở khu vực ngoài khơi Philippines lại đang xuất hiện một “siêu bão” hoạt động, có tên quốc tế Usagi. Dự báo, khoảng trưa 21-9, bão Usagi sẽ vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào biển Đông. Chiều 21-9, vị trí tâm bão sẽ ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc và 120,2 độ kinh Đông, cách Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17.
Do ảnh hưởng của bão từ sáng sớm 21-9, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh dần. Biển động dữ dội. Theo dự báo ban đầu từ các đài khí tượng thủy văn trong khu vực, bão Usagi nhiều khả năng sẽ đi vào khu vực Quảng Tây (Trung Quốc), không loại trừ khả năng bão Usagi sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ. Phó Giám đốc trung tâm Lê Thanh Hải cho hay, dù bão Usagi còn khá xa, dự báo ban đầu nhận định có khoảng 50% khả năng bão sẽ gây ảnh hưởng đến Bắc bộ.
Liên quan đến công tác dự báo bão số 8, đại diện một số tỉnh khu vực miền Trung cho rằng, có sự “cường điệu” đối với bão số 8. Thực tế tại các tỉnh miền Trung, bão không mạnh đến vậy, trong khi các tỉnh, thành phải dồn lực phòng bão như cho học sinh nghỉ học, dừng, hoãn mọi cuộc họp, hội nghị, cấm thuyền bè… gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Ghi nhận cũng cho thấy, các đài dự báo khu vực như đài Nhật Bản, Hồng Công, Bắc Kinh và Mỹ đều chỉ cảnh báo áp thấp nhiệt đới, duy nhất Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn Trung ương phát bão số 8.
Giám đốc trung tâm Bùi Minh Tăng giải thích, có rất nhiều cơ sở để trung tâm phát tin bão số 8, việc trung tâm phát tin bão là hoàn toàn chính xác. Đến 23 giờ ngày 18-9, trung tâm đã phát đi bản tin bão suy yếu thành ATNĐ, dù trước đó lúc 21 giờ 30, trung tâm vẫn phát đi bản tin bão. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB Trung ương do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì vào 13 giờ ngày 17-9, ông Bùi Minh Tăng cũng khuyến cáo các địa phương phải hoàn tất công tác chuẩn bị trước 18 giờ ngày 18-9. Vậy, 23 giờ đêm 18-9, trung tâm mới phát đi bản tin thông báo bão suy yếu thành ATNĐ, nên công tác chuẩn bị của các địa phương xem như quá đà. Về vấn đề này, Giám đốc Bùi Minh Tăng cho hay, trung tâm chỉ làm kỹ thuật, công tác chuyên môn, còn các địa phương khuyến cáo người dân ra sao, như thế nào, cho học sinh nghỉ học… là việc tùy vào lãnh đạo địa phương! Hơn nữa, rất khó để xác định được bão sẽ suy yếu thành ATNĐ trước khi vào bờ.
Lý giải về việc, tất cả các đài khí tượng trong khu vực đều chỉ phát tin áp thấp, thậm chí là vùng thấp, riêng đài Việt Nam phát tin bão số 8, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn Trung ương cho rằng, trong dự báo, việc tham khảo các đài quốc tế là cần thiết nhưng phải đưa ra quyết định cuối cùng một cách độc lập, không phụ thuộc hoàn toàn vào đài dự báo nước ngoài.
VĂN PHÚC
- Tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ