Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8

Cả ngày 18-9, bất chấp mưa bão số 8 tầm tã cộng sóng biển, người dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn gan lì sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận An ì ạch vác từng khối đá hộc hàn vá đoạn bờ biển sạt lở dài 200m. Một “cuộc chiến” không cân sức giữa người và biển nhưng cuối cùng sự kiên trì của con người đã hạn chế nguy cơ mở cửa biển mới thông vào phá Tam Giang.
Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8

(SGGPO). - Cả ngày 18-9, bất chấp mưa bão số 8 tầm tã cộng sóng biển, người dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn gan lì sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận An ì ạch vác từng khối đá hộc hàn vá đoạn bờ biển sạt lở dài 200m. Một “cuộc chiến” không cân sức giữa người và biển nhưng cuối cùng sự kiên trì của con người đã hạn chế nguy cơ mở cửa biển mới thông vào phá Tam Giang.

Đoạn bờ biển nói trên thuộc xóm Gềnh và xóm Cồn Đâu, thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương là khu vực trọng điểm bị biển xâm thực và sạt lở nhiều năm qua tại Thừa Thiên – Huế. Bờ biển xâm thực mạnh khiến tính mạng và tài sản của 160 hộ dân xóm Ghềnh và Cồn Đâu như lơ lửng treo miệng hà bá. Chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 60 hộ dân đến nơi tránh trú ẩn an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ.

Quan sát tại hiện trường vào sáng 18-9, ngoài những điểm sạt lở trước đây, khu vực này đang tiếp tục sạt lở và xâm thực từng giờ. Nếu không có giải pháp khắc phục khẩn cấp, một cửa biển thông vào phá Tam Giang sắp vỡ toang, đe dọa tính mạng người dân địa phương. Hiện chiều dài đoạn bờ biển sạt lở dài trên 200m, tình trạng xâm thực vào đất liền khoảng 13m, chỉ còn cách đường giao thông đi lại của người dân trong vùng khoảng 30m và cách nhà dân khoảng 50m.

Trong cơn mưa tầm tã và gió biển thổi mạnh, lực lượng tham gia khắc phục sạt lở bờ biển vẫn khẩn trương tích cực làm việc, để nhanh chóng hoàn thành kè chắn sóng. Xe cơ giới vận chuyển vật liệu phục vụ cho việc xây dựng kè chắn sóng, chống sạt lở. Theo đó, một ngàn mét khối đá hộc và đá đắp hỗn hợp đã được chèn vào vị trí sạt lở bằng 420 rọ thép… Ngoài đàn ông, thanh niên, thì hàng trăm phụ nữ cũng được huy động để tham gia chống sạt lở. Ông Nguyễn Hận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Dương nói, người dân quê tôi ai cũng ý thức, mình phải có trách nhiệm để tham gia công tác khắc phục sạt lở. Đó là cách bảo vệ tài sản, tính mạng bản thân.

Có mặt tại vị trí sạt lở, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Ngọc Thiện, chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, biểu dương tinh thần đoàn kết, khẩn trương, chủ động cùng chung sức việc khắc phục của người dân địa phương và các lực lượng quân đội tham gia vào công tác làm kè chắn sóng, chống sạt lở bờ biển xã Hải Dương. Các đơn vị và chính quyền địa phương không được chủ quan, đưa những người dân trong vùng sạt lở, xâm thực biển đến nơi an toàn, trước khi bão số 8 đổ bộ.          

*Đến trưa 18-9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế và người dân địa phương đã hoàn tất việc gia cố đoạn bờ biển dài 150m ở xóm Ghềnh, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị xâm thực sâu 13m có nguy cơ mở cửa biển mới.

Theo đó, tại vị trí sạt lở đã được gia cố bằng 850m³ đá hộc, 152 khối đá hỗn hợp, 420 rọ thép, 2.200m² vải tiếp địa kỹ thuật làm kè chống sạt lở. Tổng kinh phí chi cho công trình này là 600 triệu đồng do tỉnh Thừa Thiên – Huế và thị xã Hương Trà hỗ trợ.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều động các chiến sĩ xuống nhiều địa bàn xung yếu cùng người dân địa phương phòng chống bão. Ca nô cũng được sử dụng để hướng dẫn các phương tiện vào khu vực neo đậu an toàn. Hiện 100% phương tiện của Thừa Thiên – Huế đã vào bờ tránh trú bão. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chuẩn bị phương án sơ tán hàng ngàn hộ dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở và vùng ven biển đến nơi ở an toàn.

Trên tuyến QL 49 từ TP Huế dẫn lên huyện miền núi A Lưới đang thi công nhưng với tốc độ chậm do thiếu vốn, nhiều đoạn đường trơn trượt dễ gây nguy hiểm. Nếu bão lớn vào, nhiều khả năng sẽ bị sạt lở, chia cắt huyện này với miền xuôi. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông đang thi công phải bảo vệ công trình.

Theo dự đoán của Ban chỉ huy PCLB-TKCN Thừa Thiên - Huế, dự kiến vào khuya 18-9, bão số 8 sẽ đổ bộ đất liền, gây mưa to dẫn đến ngập lụt ở mức báo động 1-2.

Văn Thắng-Phong Huế

Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8 ảnh 1

Ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 8 trong sáng 18-9. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ghi nhận của PV SGGP online trong sáng 18-9, tại những vùng ven biển, gió thổi mạnh đã làm cho nhiều hàng quán, nhà tạm bị tốc mái, ngã đổ bảng hiệu. Người dân tại những vùng ven biển Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng đã chủ động đưa tàu thuyền lên bờ, nhằm tránh những thiệt hại do bão gây ra. Đến trưa ngày 18-9, hầu hết các tàu thuyền có công suất nhỏ đã được kéo lên bờ. Tại những âu thuyền trú tránh bão ở xã Phú Hải (Thừa Thiên Huế), âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), … lực lượng bộ đội biên phòng túc trực hướng dẫn cho các tàu thuyền vào neo đậu an toàn.

Cũng trong sáng 18-9, đã có trên 40 nghìn tàu thuyền các của các tỉnh, thành miền Trung vào trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của Trung tâm PCLB miềm Trung – Tây Nguyên, hiện vẫn còn 19 tàu/237 lao động (Đà Nẵng: 9 tàu/ 114 lao động; Quảng Nam: 5 tàu/67 lao động, Quảng Ngãi: 5 tàu/27 lao động, Khánh Hòa: 3 tàu/29 lao động) vẫn còn nằm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, không kịp  chạy vào bờ. Hiện các tàu này đang tìm cách vào trú tránh tại quần đảo Hoàng Sa và giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bộ đội biên phòng các địa phương. Cũng theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các tàu để ra ứng cứu một khi số tàu thuyền này gặp bất trắc.

Do ảnh hưởng của bão số 8, nên trong 2 ngày qua trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to. Chính vì vậy, đến sáng 18-9, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình định bắt đầu lên nhanh. Dự báo, trong ngày mai (19-9), lũ trên các sông ở miền Trung sẽ lên mức báo động 2, riêng lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có thể lên trên báo động 3. Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã gửi công điện yêu cầu các địa phương triển khai ngay phương án phòng, chống lũ tại các khu dân cư vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó; sẵn sàng phương án phòng chống lũ.

Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8 ảnh 2

Từ đầu giờ sáng ngày 18-9, một số hàng quán ven biển Đà Nẵng đã bị gió thổi tốc mái, hư hại. Ảnh: Nguyễn Hùng

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, kiểm tra an toàn hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.

Theo báo cáo của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, hiện các hồ chứa ở miền Trung đạt dung tích từ 60-80% thiết kế. Tuy nhiên, hiện có một số hồ đập nhỏ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ mất an toàn, như đập Ea Gin, Đập Buôn Thia, xã Cư Né, đập thủy điện xã Chứ Kbô. Ngoài ra, một số hồ thủy điện đã tiến hành xả lũ như: Ya Ly, PleiKrông (Kon Tum), Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai), Buôn Kuốp (Đắk Lắk).

NGUYỄN HÙNG


Đà Nẵng: Nhiều khu dân cư bị nhấn chìm do mưa lớn

Do ảnh hưởng của bão số 8, từ tối qua đến chiều nay, 18-9, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mưa to trên diện rộng và kéo dài, đã làm hàng chục tuyến đường ở trung tâm TP Đà Nẵng, như: Nguyễn Văn Linh, Đống Đa, Hoàng Diệu, Lê Duẫn.. bị ngập sâu từ 0,4-0,6m, giao thông bị ách tắc nhiều nơi. Riêng tuyến đường vào KCN Hòa Khánh, do hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn nên ngập sâu gần 1m, việc lưu thông ra vào KCN gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tại các khu dân cư ở phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường Hòa Thuận Tây (Hải Châu), Mỹ An (Ngũ Hành Sơn), mưa lớn đã nhấn chìm hàng trăm nhà dân. Nhiều gia đình do không kịp dọn đồ lên chỗ cao ráo đã bị ướt và hư hại.

Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8 ảnh 3

Mưa lớn kéo dài đã khiến nước tràn vào nhà người dân ở phường Hòa Thuận Tây (Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) làm nhiều vật dụng bị hư hại. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, hiện thành phố có 67 điểm ngập úng chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước khu vực ngập úng bị tắc nghẽn, hư hỏng; hạ tầng thoát nước triển khai chưa đồng bộ, đấu nối không hợp lý từ cao trình dự án mới với khu dân cư hiện hữu hoặc không có hệ thống thoát nước. Từ năm 2010 đến nay, TP Đà Nẵng đã cấp trên 211 tỷ đồng để thực hiện chống ngập úng nhưng chủ yếu xử lý các điểm ngập nặng như khu vực Thuận Phước, đường Trương Chí Cương.

Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND thành phố sớm đầu tư xử lý ngập úng tại nội thành ở khu vực quận Hải Châu và quận Thanh Khê, gồm dọc đường Quang Trung - Đống Đa và hồ Thạc Gián.

NGUYỄN HÙNG


Quảng Ngãi: Mất liên lạc với tàu cá với 15 ngư dân

Sáng nay, 18-9, Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp khẩn để đối phó với bão số 8.

Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên trong đêm 17-8, trên địa bàn tỉnh này có mưa to đến rất to, với lượng mưa khoảng 130 mm. Dự báo trong ngày 18 và 19-9 sẽ tiếp tục có mưa to, với lượng mưa trên 150mm.

Theo Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện trên các vùng biển còn khoảng 773 phương tiện tàu thuyền, với trên 7.000 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động. Trong đó, tàu cá QNg 96084 của ông Nguyễn Chí Thạnh ở huyện Lý Sơn có 15 lao động đang ở khu vực vùng biển Hoàng Sa vẫn chưa liên lạc được.

Hiện các đài canh của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và huyện Lý Sơn đang tìm mọi cách để liên lạc với tàu này để hướng dẫn tránh trú bão an toàn. Đối với các phương tiện tại cảng Dung Quất, Cảng vụ Quảng Ngãi đã yêu cầu các tàu tại khu vực cảng Dung Quất vào nơi trú bão. Cấm các phương tiện tại cảng Sa Kỳ ra khơi. Riêng các phương tiện tham gia khai thác cát và thi công tại cửa Đại và cửa Mỹ Á đã được hướng dẫn vào nơi trú bão.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Hà Minh

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Hà Minh

Hà Minh


Quảng Nam: Chủ động đối phó với cơn bão số 8

Sáng 18-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, địa phương để nắm sát tình hình diễn biến và chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 8.

Dự kiến từ trưa nay đến chiều mai 19-9, bão sẽ đổ bộ vào khu vực phía Bắc của tỉnh, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to, mực nước trên các sông sẽ dâng cao và hình thành một đợt lũ có khả năng lên trên báo động II.

Để chủ động đối phó với cơn bão số 8, đến nay, Biên phòng đã đã kêu gọi được 480 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh tạm thời nghỉ học từ chiều nay 18-9. Các địa phương trong tỉnh cũng đã thông báo tình hình, diễn biến của bão cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư sinh sống ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn; đồng thời chuẩn bị dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm cần tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa hè thu. Đối với các địa phương thuộc vùng Đông khả năng triều cường là rất cao, vì vậy cần hết sức lưu ý, chủ động phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn. Cấm tuyệt đối các đò ngang, đò dọc lưu thông khi có bão, lũ; Biên phòng rà soát, kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi, hướng dẫn các tàu, thuyền vào tránh trú bão an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương xem xét, quyết định cho sinh viên, học sinh trên địa bàn được nghỉ học nhằm tránh bị tai nạn do đi lại trong bão, lũ; đề nghị Sở Công thương sớm có công văn yêu cầu ngừng phát điện đối với thủy điện A Vương, và Đak Mi 4.

Linh Chi


Phố cổ Hội An: Chèn chống các di tích xuống cấp trong mùa mưa bão

Chủ động ứng phó với cơn bão số 8, mấy ngày qua, Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã huy động lực lượng cán bộ phòng chống bão lụt cùng với người dân tiến hành chèn chống các di tích xuống cấp nghiêm trọng tại phố cổ Hội An.
 
Trung tâm đã chống đỡ bằng cột gỗ cho 9 di tích và đề nghị chủ 11 di tích tư nhân có biện pháp chống đỡ, gia cố và dặm mái ngói bị dột nát. 17 di tích xuống cấp nghiêm trọng với trên 50 hộ dân được đề xuất di dời cục bộ; 3 di tích phải di dời người đi nơi khác để đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8 ảnh 5

Chèn chống nhà cổ xuống cấp. Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung Tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết: “Đối với Khu phố cổ, việc quan trọng là tìm cách chấm dứt tình trạng hàng năm cứ mùa mưa bão đến là phải cứu nguy các di tích này, di tích khác. Thành phố đã chỉ đạo cương quyết hơn, những di tích nào xuống cấp thì buộc chủ di tích phải cùng với nhà nước tham gia tu bổ, với sự hỗ trợ của nhà nước cả về kinh phí, vay vốn…Còn những hộ nào có điều kiện kinh doanh mà không chịu sửa chữa thì sẽ có biện pháp khắc phục theo đúng Luật Xây dựng”.

Quốc Hải


Đắk Lắk: Mưa lũ làm ngập nhiều nhà, vỡ đập nhỏ

Sáng 18-9, UBND huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) cho biết: Mưa lũ trong những ngày qua đã cuốn trôi 6 nhà dân và khoảng 7 tấn cà phê nhân cùng nhiều vật dụng trong nhà của người dân trên địa bàn thị trấn Ea Đrăng. Tại xã Cư Mốt, đã có 19 nhà bị ngập trong nước, trong đó có 1 nhà bị sập.

Trên địa bàn xã Ea Wy và Cư Amung có 2 thôn nhà bị ngập hoàn toàn. Cầu Ea Wy nối liền với xã Cư Amung bị nước dâng ngập, chia cắt giao thông trong nhiều giờ; 1 cầu bị trôi.

Tại xã Ea Nam có 50 hồ, đập nhỏ do dân tự tạo để tưới cà phê đã bị nước lũ cuốn vỡ. Đập 86 ở xã Ea Ral cũng đã bị vỡ do nước lũ.

Miền Trung: Khẩn cấp ứng phó với bão số 8 ảnh 6

Mưa lũ trên địa bàn huyện Ea H’leo đã làm ngập nhiều nhà dân. Ảnh: Công Hoan

Trong khi đó, mực nước các hồ thủy lợi Ea Đrăng (thị trấn Ea Đrăng), Ea Tmốt (xã Cư Mốt) và hồ thủy điện Ea Đrăng 2 (xã Ea Wil) của huyện Ea H’leo cũng lên nhanh, tràn qua đập và gây ra ngập lụt cục bộ. Lũ quét đã cuốn trôi tài sản của hàng trăm hộ dân sống dọc theo suối Ea Đrăng, sông Ea Khanh và sông Krông Búk. Mưa lớn cũng làm ngập cầu trung tâm thị trấn, gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 14, đoạn qua thị trấn Ea Đrăng

Mưa lớn trên địa bàn huyện Krông Búk cũng làm cho một số hồ thủy lợi, hồ thủy điện có nguy cơ mất an toàn. Hiện nước đã tràn qua thân đập hồ Buôn Thia, tràn xả lũ hồ Ea Ghin thoát nước không kịp, mức nước dâng chỉ cách đỉnh đập 0,5m. Trong lúc đó, tràn xả lũ hồ thủy điện Cư Kpô do chưa thi công xong, nên không có khả năng thoát lũ, dễ dẫn tới vỡ đập.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện Ea H’leo và Krông Búk xả lũ các hồ thủy điện, thủy lợi, tổ chức lực lượng và phương tiện ứng trực tại những công trình dễ xảy ra vỡ đập, triển khai các biện pháp bảo đản an toàn hồ đập. Tổ chức sơ tán dân ở vùng dễ xảy ra lũ quét cục bộ đến nơi an toàn, tránh để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiệt hại về tài sản.

 CÔNG HOAN


Sáng 19-9, bão số 8 đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo bản tin phát lúc 9 giờ 30 ngày 18-9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây bão số 8, trong 2 ngày qua (tính đến 7h ngày 18-9) ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100 – 200mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Thạch Hãn (Quảng Trị) 265mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 310mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 343mm; EaHleo (Đắc Lắc) 459mm…Ở đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 12m/s (cấp 6); Cồn Cỏ có gió mạnh 10m/s (cấp 5), giật 17m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn gió giật 18m/s (cấp 8); đảo Phú Quý gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 19m/s (cấp 8)…..

Vị trí và đường đi của cơn bão số 8. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Vị trí và đường đi của cơn bão số 8. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Hồi 10 giờ ngày 18-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 10 giờ ngày 19-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ kinh Đông, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 19-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ở Vịnh bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ đêm nay (18-9) gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 và cần đề phòng nước biển dâng từ 1,5 đến 2m. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to; riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc có mưa to đến rất to.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động.

Song Nguyên

>> Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 8 đổ bộ miền Trung: Đề phòng lũ lớn

Tin cùng chuyên mục