Hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai
Đến chiều 18-11, lũ trên hầu hết các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên đã xuống dưới báo động 1. Trong ngày 18-11, người dân cùng các cấp chính quyền tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.
Chính quyền các địa phương tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu trợ người dân, huy động các lực lượng công an, bộ đội, thanh niên và các hội đoàn thể tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã cử gần 3 ngàn cán bộ, chiến sĩ xuống những vùng trũng thấp giúp người dân dọn dẹp vệ sinh, dựng lại nhà cửa bị xiêu vẹo, hư hỏng. Đồng thời, hỗ trợ ngành giao thông vận tải tiến hành sửa chữa những đoạn đường bị xói lở nhằm sớm thông các tuyến giao thông huyết mạch, phục vụ cho công tác cứu trợ người dân tại những vùng bị chia cắt. Cũng trong ngày 18-11, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiếp tục đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi gia đình có người thân bị thiệt mạng trong đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Khu quản lý đường bộ 5 huy động tối đa phương tiện, máy móc cùng hơn 1 ngàn công nhân phối hợp cùng các Hạt quản lý đường bộ, ngành giao thông vận tại tiến hành sửa chữa những điểm sạt lở trên tuyến QL1A, QL14B, đường Hồ Chí Minh… Đến chiều 18-11, giao thông trên tuyến QL1A đã cơ bản được thông tuyến. Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn còn gần 10 điểm sạt lở, dự kiến phải mất 1 - 2 ngày mới khắc phục xong. Trong khi đó, các tuyến giao thông lên các huyện miền núi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi do lượng đất đá bị sạt lở qua lớn nên công tác giải phóng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều xã vùng cao tiếp tục bị cô lập, chia cắt. Hiện chính quyền các địa phương phải cử các lực lượng thanh niên, xung kích, dân quân… cõng lương thực, thuốc men vào tiếp tế cho người dân.
Ngay trong ngày 18-11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã trao 150 triệu đồng và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 20.000 thùng mì ăn liền và 10.000 chai nước suối giúp bà con vùng lũ, hỗ trợ thân nhân người bị thiệt mạng 7 triệu đồng/trường hợp.
Đến chiều tối ngày 18-11, tại khu vực đèo An Khê (địa phận giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định), quốc lộ 19 đã thông 1 làn đường nhưng toàn tuyến đèo vẫn còn hơn 20 điểm sạt lở, đa phần là các điểm sạt lở ta-luy âm. Nước lũ từ trên núi cao đổ xuống, cộng với hàng ngàn mét khối đất đá tràn xuống nền đường, khiến việc lưu thông trên đèo rất khó nhọc. Nước lũ làm ách tắc giao thông trên đường Trường Sơn Đông đi qua huyện Kông Chro. Ước thiệt hại trên toàn tỉnh là hơn 70 tỷ đồng.
Khẩn trương dọn trường để học sinh đến lớp
Ông Hoàng Tất Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, cho biết, đến chiều 18-11, phần lớn học sinh các trường trên địa bàn đã đi học trở lại bình thường sau 3 ngày nghỉ học vì lũ lụt. Theo đó, đợt lũ lụt lần này, số huyện có học sinh phải nghỉ học gồm: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Nông Sơn.
Ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã có hơn 70% học sinh vùng “rốn lũ” tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Thủy quay trở lại trường lớp tiếp tục học tập sau lũ. Cùng ngày, Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền cho biết, đồng ruộng ngập lụt sau bão lũ, chuột tháo chạy khỏi hang ổ, bơi đầy mặt nước nên các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đồng loạt ra quân tiêu diệt. Qua đó, đã tiêu diệt được hơn 25.000 con chuột, mỗi đuôi chuột được các HTX sản xuất nông nghiệp thu mua 1.000 đồng. Đồng thời, các HTX sản xuất nông nghiệp cũng tổ chức hoạt động theo tổ đội, trang bị áo phao, dung cụ cứu sinh… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các xã viên tham gia diệt chuột, bảo vệ vụ lúa đông xuân 2013 - 2014.
Lũ mới rình rập
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Quảng Ngãi, lũ tại các sông trong tỉnh đang lên lại, đặc biệt sông Vệ và sông Trà Khúc có khả năng vượt mức báo động 3 từ 0,3 đến 0,5m làm hàng ngàn hộ dân ven hai con sông này lại đứng ngồi không yên. Tại xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa), nước lũ từ sông Vệ lại dâng cao, ồ ạt đổ về các thôn, xóm, xã Nghĩa Hiệp lại tiếp tục ngập sâu trong nước. Người dân nơi đây chưa kịp quét dọn bùn đất bám đầy trên nền nhà thì tiếp tục bị nước lũ uy hiếp. Nhiều hộ dân ở vùng trũng lo lắng thu dọn đồ đạc, lừa trâu, bò, chở gà, vịt… tránh lũ mới.
Trong khi đó tại Bình Định, các xã khu đông của huyện Tuy Phước, An Nhơn… đến nay vẫn còn bị chia cắt, cô lập nhiều. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định, cho biết, những ngày qua, lượng nước mưa từ thượng nguồn đổ về hồ Định Bình là rất lớn. Nước hồ đang ở cao trình 89 m, lượng nước trong hồ đạt 200 triệu m³ trên tổng dung tích 225 triệu m³.
Dù vậy, lũ thượng nguồn sông sông Kôn lại lên trở lại và đang ở mức báo động 2 đến báo động 3, khiến nhiều vùng dân cư ở nhiều huyện, thị của tỉnh vẫn còn bị ngập sâu. Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp giúp dân ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ.
| |
NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH - ĐỨC TRUNG
- Số người chết và mất tích do lũ gia tăng