(SGGP).– Ngày 13-12, Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cho biết: Hiện tại trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên trở vào, Quảng Ngãi trở ra và ngư trường xa bờ vẫn còn 8.403 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng với 48.012 lao động đang còn hoạt động trên biển. Trong số này có 321 tàu thuyền với 3.049 lao động đang hành nghề tại ngư trường xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Điều đáng quan tâm là 321 tàu thuyền này không thể vào bờ để trú tránh áp thấp nhiệt đới do tình hình thời tiết trên biển rất xấu. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh đã báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo cho các nước trong khu vực cho phép số tàu cá đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm được vào tránh trú áp thấp nhiệt đới.
Chiều 13-12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết, 2 ngày qua, trên vùng biển tỉnh Phú Yên đã xảy ra 9 vụ chìm thuyền, tổng thiệt hại ước trên 250 triệu đồng và một người mất tích. Hiện Phú Yên có 51 tàu thuyền đang tránh trú gió tại đảo Congdo thuộc Philippines, 3 tàu thuyền đang tránh trú gió tại Brunei, 4 tàu thuyền đang tránh trú gió tại Malaysia và 213 tàu thuyền đang neo đậu tránh trú gió tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Đến 16 giờ ngày 13-12, tỉnh Bình định vẫn chưa thống kê được số tàu thuyền tránh trú tại các nước bạn.
Chiều 13-12, áp thấp nhiệt đới và triều cường dâng cao đã làm sạt lở hàng chục kilômét bờ biển các huyện Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong đó, khu vực bờ biển xã Hải Hương, huyện Hương Trà sạt lở nặng với chiều dài 300m, sâu 5m. Đường liên thôn đứt gãy nhiều đoạn, hàng cây phi lao lâu năm bị sóng biển đánh bật trốc gốc, tính mạng 100 hộ dân bị uy hiếp. Địa phương đã huy động lực lượng xung kích sử dụng 3.200 bao tải cát, 80 rọ thép chèn đá và 400m2 vải bạt, gia cố vị trí bờ biển sạt lở từ ngày 10 đến 12-12.
Trong các ngày từ 11 đến 13-12, ảnh hưởng áp thấp, tại Ninh Thuận xuất hiện gió giật mạnh, triều cường dâng cao, sóng lớn làm sập và hư hỏng nhiều nhà dân, phá hỏng hàng trăm mét đê, kè chắn sóng ở một số địa phương ven biển.
Tại khu vực biển Phú Thọ và Đông Hải, sóng biển dâng cao đánh sập 2 đoạn đê với chiều dài 110m, thuộc công trình đê bảo vệ bờ biển thôn Phú Thọ, hư hỏng 150m đường đê phường Đông Hải, thuộc tuyến đê TP Phan Rang - Tháp Chàm, 5 nhà tạm của người dân ở khu vực này cũng bị triều cường, sóng lớn làm sập. Ở huyện Ninh Hải, sóng biển cũng đã làm bứt một đoạn kè chắn sóng dài 50m ở Mỹ Tân, xã Thanh Hải.
Tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, sóng lớn vượt qua kè Sơn Hải làm sập tường chắn sóng và lôi cả đoạn kè ra biển. Tại huyện Thuận Bắc, gió giật mạnh làm sập 1 căn nhà và gây tốc mái 8 căn khác ở các xã Lợi Hải, Bắc Sơn.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã cấp 2.000 bao cát cho các xã thuộc huyện Thuận Bắc, xuất 140 rọ thép để gia cố khẩn cấp những đoạn đê bị sập, giữ an toàn các đoạn đê còn lại, đồng thời cấp 2.200 bao cát để đắp bờ kè và chắn sóng biển; tổ chức di dời khẩn 38 hộ/152 khẩu ở phường Đông Hải đến nơi ở an toàn.
Nhóm PV