Miền Trung: Nhọc nhằn mùa vụ mới

Đồng ruộng là... công trường khai thác đá, cát
Miền Trung: Nhọc nhằn mùa vụ mới

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là nông dân miền Trung vào vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014, và chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhưng hiện giờ, việc khôi phục đồng ruộng và hệ thống kênh mương, tái đàn gia súc gia cầm đang ngổn ngang gian khó vì nông dân đã cạn vốn, kiệt sức sau những cơn bão, lũ.

Sau lũ, mặt ruộng bị cát bồi lấp lớn, Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi đưa máy móc vào san phẳng trước khi trồng mía. Ảnh: Hà Minh

Sau lũ, mặt ruộng bị cát bồi lấp lớn, Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi đưa máy móc vào san phẳng trước khi trồng mía. Ảnh: Hà Minh

Đồng ruộng là... công trường khai thác đá, cát

Cơn bão lũ lịch sử đã đi qua gần 1 tháng, bà Hồ Thị Đa ở thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) vẫn không thôi xót xa mỗi khi ra thăm mảnh ruộng canh tác quen thuộc mà giờ đã bằng phẳng, bùn non dẻo quánh. Thử thọc cán cuốc vào lớp đất ấy, cán ngập hơn 2/3, nghĩa là mặt ruộng đã bị đất phủ dày hơn 1m nên dù muốn dọn dẹp, bà Đa cũng đành bất lực.

Tại xã Phổ Minh (Đức Phổ), bà con nơi đây cũng đang khốn đốn vì nước lũ không chỉ làm xói lở móng nhà, cuốn trôi gà, vịt mà còn bồi cho ruộng một lớp cát gần 0,5m. Nhiều cánh đồng ở thôn Tân Tự cát bồi dày đến 0,6 - 0,8m khiến nông dân không còn hy vọng vào việc gieo sạ.

Về thị xã An Nhơn - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Bình Định trong đợt mưa lũ vừa qua, trên cánh đồng thôn An Thái, xã Nhơn Phúc chúng tôi chứng kiến không khí lao động khẩn trương của gần 100 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5) giúp dân khắc phục sa bồi thủy phá đồng ruộng. Đại tá Nguyễn Văn Thu, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5) đang lao động cùng bộ đội cho biết: “Chúng tôi đã huy động 380 cán bộ, chiến sĩ chia làm 4 hướng cơ động về An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Phù Mỹ giúp nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất”.

Tại vùng “rốn lũ” Đại Hưng, Đại Lộc (Quảng Nam) đời sống và sinh hoạt của nhân dân sau lũ dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu bị bồi lấp, úng thủy trong khi mùa vụ đến gần. Bà Trương Thị Thanh Thủy (tổ 2, thôn Thạnh Đại) nói: “Sau mỗi đợt lũ về, nhà cửa, đường sá bị chìm trong cát, đi không được ở cũng chẳng xong”.

Trong khi đồng ruộng bị biến dạng vì bị đất, đá, cát bồi lắng thì hệ thống kênh mương thủy lợi cũng tan nát. Nào là kè bị sạt lở, gãy khúc; đập dâng bồi lấp; cống tiêu, trạm bơm hỏng hóc, nước cuốn trôi… Với thực trạng này, đồng ruộng một số khu vực ở miền Trung giờ chẳng khác gì công trường khai thác cát, sỏi, đất, đá.

Người dân ở Phổ Minh, Đức Phổ, Quảng Ngãi đang dọn ruộng bị cát vùi lấp cả nửa mét trước khi vào vụ mới.

Người dân ở Phổ Minh, Đức Phổ, Quảng Ngãi đang dọn ruộng bị cát vùi lấp cả nửa mét trước khi vào vụ mới.

Giống khan, gia cầm hiếm

Nỗi lo khắc phục tình trạng sa bồi thủy phá đồng ruộng chưa xong thì vấn nạn khan giống, khó tái đàn gia cầm cũng khiến nông dân căng thẳng. Bởi, trận lũ vừa qua đã khiến hơn 21.400 tấn lương thực, hạt giống, thóc giống các loại của Quảng Ngãi bị hư hỏng.

Tại huyện Đức Phổ, với 5.000ha dự kiến sẽ gieo sạ trong vụ đông xuân sắp tới, địa phương này cần 500 tấn lúa giống. Nhưng hiện tại, người dân chỉ có thể tận dụng và bảo đảm tối đa 50%. Lý do, 11/15 xã của huyện ngập sâu trong nước khiến hơn 3.000 tấn giống, lương thực bị ướt, hư hỏng. Thế nên, dù đã trưng dụng toàn bộ giống của 4 xã còn lại cũng không thể bù đắp được số giống hao hụt. Để giúp nông dân kịp thời gieo sạ vụ đông xuân sắp tới, huyện Đức Phổ đã kiến nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ 250 tấn lúa giống. Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân cho rằng, các ngành chức năng cần kiểm soát được chất lượng, giá cả để nông dân không lo bị lừa “mua giống dỏm, trả tiền giống tốt”.

Tỉnh Bình Định cũng chẳng khá hơn, đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho trên 300 tấn giống lúa lai của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh bị ướt, 3.700 tấn giống lúa thuần của nhân dân trong tỉnh bị cuốn trôi và hư hỏng. Do vậy, lúa giống phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014 rất căng thẳng. “Sản lượng lúa giống các địa phương bị thiếu hụt, cần phải giải quyết gấp là 1.965 tấn. Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho mua 2.000 tấn lúa giống để hỗ trợ nông dân trong tỉnh sản xuất vụ đông xuân 2013-2014. Trong đó, Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm mua và cung ứng cho các địa phương 1.140 tấn; các địa phương tự mua và cung ứng cho nông dân 860 tấn” - ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết.

Việc tái đàn gia súc gia cầm cũng là vấn đề nan giải. Sau trận lũ, nông dân rơi vào cảnh trắng tay khi mà bò, heo đã bị dòng nước cuốn trôi. Giờ muốn tái đàn chăn nuôi, họ cũng không biết lấy gì để gây giống? Nói như ông Nguyễn Thiên ở thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi thì: “Bò chết, nhà sập. Lấy tiền đâu để mua heo, gà về nuôi”. Trận lũ vừa rồi đã cướp của người chăn nuôi Quảng Ngãi hơn 282.000 con gia súc gia cầm làm nhiều hộ chăn nuôi lớn rơi vào cảnh trắng tay. Trong chuyến kiểm tra và chỉ đạo khắc phục thiệt hại mưa lũ mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Ngãi cần khẩn trương giúp nông dân tái đàn gia súc gia cầm bằng cách ứng ngân sách, hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ theo nội dung Nghị định 142, 149 của Chính phủ”. 

Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Định, cho biết: Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN-PTNT, các địa phương đang thống kê lại cụ thể đàn gia súc gia cầm của từng trang trại, gia trại để kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ thiệt hại theo quy định.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục